Củng cố, phát triển kinh tế tập thể: Những vấn đề đặt ra (kỳ 1)

07:06, 24/06/2019

Kinh tế tập thể, mà nòng cột là hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đến nay, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh đang phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay và hình thành một số hợp tác xã chuyên ngành ứng dụng công nghệ cao... Tuy nhiên, các mô hình kinh tế tập thể vẫn cần phải có những thay đổi kịp thời để có thể trụ vững trong bối cảnh mới, trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt.

I. Kinh tế tập thể trước yêu cầu đổi mới
1. Những khó khăn trước khi thực hiện Nghị quyết

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Là tỉnh nông nghiệp, có số lượng lớn tổ hợp tác, hợp tác xã nên kinh tế tập thể có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần trực tiếp tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, kinh tế tập thể của tỉnh trước đây mà nòng cốt là hợp tác xã, cũng bộc lộ nhiều yếu kém như năng lực nội tại hạn chế; số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn ít; lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều; giá trị sản phẩm của bộ phận kinh tế tập thể chiếm tỷ trọng thấp trong tổng sản phẩm xã hội, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Một hạn chế lớn của các hợp tác xã cũ là nếp tư duy cũ ôm đồm cả chức năng quản lý Nhà nước và sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị kinh doanh yếu khi tham gia vào thị trường cạnh tranh, nặng tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; mối quan hệ giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và các xã viên lỏng lẻo, thiếu ràng buộc. Vốn cho sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế, lại khó tiếp cận với nguồn vốn vay trong khi hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rủi ro rất cao… Bên cạnh đó một số cấp ủy Đảng và chính quyền chưa thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể; việc tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và mô hình hợp tác xã kiểu mới chưa được quan tâm đúng mức; bộ máy quản lý của Nhà nước đối với hợp tác xã hầu như không còn. Nhà nước vừa lúng túng, vừa buông lỏng trong tổ chức chỉ đạo, chưa làm tốt việc tổ chức thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 và một số chính sách đã ban hành, chưa quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã; chưa huy động được sức lực mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế này. Tâm lý hoài nghi, mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ trong xã hội còn khá phổ biến. Những yếu kém này dẫn đến nhiều đơn vị như: Hợp tác xã muối, cá Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy); Hợp tác xã muối Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng); Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Hà, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Hợp tác xã dịch vụ mua bán Thành phố Nam Định… chưa giải quyết được công nợ cũ; dù không còn vai trò trong điều hành sản xuất đối với các xã viên hoặc chỉ đơn thuần cung ứng dịch vụ đầu vào mà không tổ chức sản xuất, không can thiệp vào các khâu kỹ thuật và không tiêu thụ được sản phẩm nhưng không thể xử lý thành lập mới hay “khai tử”.

2. Triển khai bài bản Nghị quyết

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nhằm củng cố những tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác xã với nhiều hình thức, quy mô trong các ngành, lĩnh vực địa bàn có điều kiện. Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và hợp tác xã; trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề, sản xuất, kinh doanh, tổng hợp; trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vừa tổ chức sản xuất vừa kinh doanh dịch vụ. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là với doanh nghiệp Nhà nước. Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 16-4-2003 về “Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, diêm nghiệp theo Luật Hợp tác xã”. UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị đã chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến và quán triệt tới cán bộ, đảng viên; đồng thời lồng ghép truyền thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm giúp cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của hợp tác xã; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã. Các sở, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành; mở trang thông tin điện tử, đưa tin, bài về hoạt động của các hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới điển hình, tiên tiến, hiệu quả trong và ngoài tỉnh; biểu dương kịp thời gương người tốt việc tốt; phát hành trên 500 bản tin Kinh tế tập thể; tích cực tư vấn, hướng dẫn thành lập mới hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Định kỳ 5 năm, 10 năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 13, qua đó rút ra các bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cho những năm tiếp theo. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động, chính sách để thể chế hóa Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, HĐND tỉnh ban hành 2 Nghị quyết về chính sách; UBND tỉnh ban hành 11 quyết định, 2 kế hoạch về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trên cơ sở đó, các sở, ngành của tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Định kỳ 3 và 5 năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh có văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức đại hội xã viên, xây dựng điều lệ và phương án sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính và kế toán trong hợp tác xã thực hiện theo Luật Hợp tác xã. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tín dụng hỗ trợ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: miễn, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ,… và khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể. Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thường xuyên thực hiện công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng cho vay theo quy định. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện việc xử lý nợ tồn đọng của các hợp tác xã nông nghiệp phát sinh từ năm 1996 trở về trước theo Quyết định số 146/QĐ-TTg, xóa nợ cho 143 hợp tác xã với số tiền 10,2 tỷ đồng. Đây là cơ hội giải quyết vấn đề nợ đọng của hợp tác xã kiểu cũ, đổi mới cách quản lý, tổ chức sản xuất để phát triển. Bên cạnh việc hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, khu vực kinh tế tập thể được tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước và các tổ chức hội, đoàn thể. Thẳng thắn nhận thức rõ những khó khăn, hạn chế trong hoạt động; đồng thời việc nỗ lực thực hiện các giải pháp của các sở, ngành chức năng giúp khu vực kinh tế tập thể của tỉnh được củng cố, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com