Thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư (kỳ 2)

06:05, 07/05/2019

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

Để đạt được mục tiêu trong phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra tại Nghị quyết 05-NQ/TU, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã quyết liệt trong  chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nam Định. Từ đó, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đem lại kết quả đáng khích lệ, khơi dậy niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Luôn giữ vững ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.

II: Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội

Ðể đón làn sóng đầu tư, một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh quyết liệt chỉ đạo là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xây dựng và phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ðồng chí Trần Minh Hoan, Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh cho biết: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã chủ động tham mưu cho tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) có số lượng quy hoạch 9 khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 2.000ha; trong đó có 4 khu công nghiệp đi vào hoạt động là Khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Rạng Ðông. Tổng vốn đầu tư hạ tầng đã đăng ký của 4 khu công nghiệp này là 6.290 tỷ đồng. Các hạng mục hạ tầng ngày càng hiện đại, tiện ích; trạm xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Hòa Xá, Bảo Minh đáp ứng đủ nhu cầu xả thải. Các khu nhà ở tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Hòa Xá đã xây dựng xong, đáp ứng cho 3.000 chỗ ở. Trên địa bàn các khu công nghiệp có 175 dự án đầu tư của 150 nhà đầu tư thứ cấp; trong đó có 40 dự án của 37 nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số vốn đăng ký là 7.412 tỷ đồng và 775,2 triệu USD, vốn thực hiện là 4.219 tỷ đồng, bằng 57% và 457,6 triệu USD, bằng 59% vốn đăng ký. Các Khu công nghiệp Hòa Xá, Bảo Minh đã cho thuê 100% diện tích, Khu công nghiệp Mỹ Trung cho thuê lại gần 30% diện tích, Khu công nghiệp Rạng Ðông đang xây dựng hạ tầng và kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp. Năm 2018, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư nhân Herberton để thực hiện dự án "Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Ðịnh" tại Khu công nghiệp Bảo Minh. Ðây là dự án đầu tư có vốn đầu tư FDI lớn nhất trong các khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư 80 triệu USD (chiếm 17% vốn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp tại Khu công nghiệp Bảo Minh). Mục tiêu của dự án là: sản xuất vải dệt kim, nhuộm hoàn tất vải với công suất 25 nghìn tấn sản phẩm/năm và may trang phục với công suất 15 triệu sản phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo việc làm cho 3.000 lao động, đóng góp cho ngân sách địa phương trung bình 15 triệu USD/năm. Ông Ma Wong Ching, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư nhân Herberton cho biết: "Chúng tôi đã tìm hiểu về môi trường đầu tư nhiều địa phương tại Việt Nam và quyết định đầu tư dự án vào Khu công nghiệp Bảo Minh. Bởi Nam Ðịnh là địa phương có nhiều lợi thế về nguồn nhân lực nhân công dồi dào, có chính sách và thực hiện nhiều ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư. Chúng tôi thực sự ấn tượng bởi cách quan tâm, sâu sát để hỗ trợ nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh, đã tạo hiệu ứng tích cực, tạo động lực và niềm tin cho nhà đầu tư. Chính điều này đã làm nên thế mạnh của tỉnh hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.

Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam là doanh nghiệp xuất khẩu 100%, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông.
Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam là doanh nghiệp xuất khẩu 100%, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội kinh doanh, tháng 7-2017, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Ðịnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh để giúp lãnh đạo tỉnh triển khai các Chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp và là cơ quan đầu mối điều phối việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên đà mở rộng quan hệ hợp tác phát triển, tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài: Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) vào tháng 9-2016 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc vào tháng 9-2017. Khai trương Văn phòng đại diện Chương trình hợp tác 3 bên giữa tỉnh Nam Ðịnh, tỉnh Miyazaki và Trường Ðại học Minami Kyushu tại Nam Ðịnh để thúc đẩy việc triển khai các nội dung hợp tác. UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017, 2018. Xây dựng danh mục các dự án đầu tư, sơ đồ các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn 9 huyện và thành phố; xây dựng các nội dung bộ tài liệu giới thiệu quảng bá về tỉnh Nam Ðịnh; tổng hợp các thông tin, dữ liệu về tiềm năng và cơ hội đầu tư; xây dựng Cổng thông tin điện tử Xúc tiến và thu hút đầu tư tỉnh Nam Ðịnh. Thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý quy hoạch. Ðến nay, đã hoàn thiện báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 135/NQ-CP ngày 26-12-2017. 9 huyện và Thành phố Nam Ðịnh đã cơ bản hoàn thiện Ðề án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020. Triển khai thực hiện Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2.000) hai bên đường dẫn cầu Tân Phong đến năm 2025; điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 hai bên tuyến đường bộ mới Nam Ðịnh - Phủ Lý (đoạn qua địa phận tỉnh Nam Ðịnh) đến năm 2025; triển khai các bước điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Ðịnh đến năm 2025.

Ðể thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU phấn đấu đưa chỉ số cải cách hành chính (Par Index) sớm nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 14-8-2017 về nâng cao chỉ số cải cách hành chính tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2017-2020, Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25-9-2018 về việc ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính tỉnh Nam Ðịnh năm 2018 và các năm tiếp theo. Kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, thời gian thực hiện của từng tiêu chí phải đạt được hàng năm của từng cơ quan, đơn vị; phát huy những mặt mạnh đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm cải thiện và phát triển bền vững từng chỉ số thành phần trong việc xác định chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh cũng tổ chức tự đánh giá chấm điểm xác định chỉ số cải cách hành chính hàng năm. Kết quả chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương đã phản ánh khá toàn diện kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trong 2 năm 2016, 2017 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và đưa vào vận hành Cổng cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh từ tháng 7-2018, cung cấp 1.879 thủ tục hành chính của gần 170 lĩnh vực với 523 thủ tục ở mức độ 3 và 4. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp chấn chỉnh tồn tại, xử lý khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương, đơn vị. Công khai đường dây nóng hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp và đề xuất xử lý kịp thời các vướng mắc.

Ðến tháng 4-2019, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8.210 doanh nghiệp và 706 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 62.387 tỷ đồng. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 của tỉnh Nam Ðịnh đạt 44,63 điểm, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của tỉnh Nam Ðịnh đạt 63,01 điểm, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,58 điểm và 6 bậc so với năm 2017. Ðây cũng là "chìa khóa" thu hút đầu tư, góp phần tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững. Tổng vốn FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn trong giai đoạn 2016-2018 đã đạt 92% mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2016-2020 đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Việt Thắng
 

 

 

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com