Làm theo lời Bác dạy "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ"

07:05, 02/05/2019

Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các làng cá và bà con ngư dân ở các đảo Tuần Châu (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng). Tại đây, Bác đã căn dặn “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Lời dạy của Bác thể hiện tư tưởng lớn về tiềm năng vô tận của kinh tế biển và khơi dậy ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 60 năm qua, những lời căn dặn của Bác luôn là kim chỉ nam cho hành động mở hướng phát triển mạnh mẽ cho một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh ta.

Từ phong trào "Ao cá Bác Hồ"

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, trữ lượng tôm, cá, thủy sản khá lớn; có hệ thống sông, kênh mương dày đặc, có nhiều ao hồ, đầm, bãi triều rất thuận lợi cho sản xuất thủy sản, Nam Định là tỉnh có nghề cá được hình thành và phát triển khá sớm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng với quân và dân trong tỉnh, ngành Thủy sản đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đấu tranh với kẻ thù, nghèo đói, chống chọi với thiên tai, dịch bệnh... thi đua “chắc tay lưới, vững tay súng” để bảo vệ sản xuất, cung cấp thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh và làm nghĩa vụ chi viện cho tiền tuyến lớn với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, góp phần giải phóng miền Nam. Hòa bình thống nhất, ngành Thủy sản tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn: vùng biển bị chiến tranh tàn phá ác liệt, tuy đã được khắc phục nhưng quy mô sản xuất vẫn nhỏ bé, lạc hậu, hợp tác xã nhỏ; toàn tỉnh có 208 tàu thuyền khai thác, trong đó có 180 chiếc có tải trọng từ 5-16 tấn/năm chỉ khai thác ven bờ; khối quốc doanh có 3-4 đội tàu vỏ thép công suất máy 90CV nhưng hệ thống cầu cảng, đường triền không phù hợp, vỏ tàu nhanh hư hại dẫn đến khấu hao lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Lao động nghề cá có 2.200 người nhưng hầu hết là lao động phổ thông, đánh cá chủ yếu dựa vào kinh nghiệm ven bờ, lệ thuộc vào thiên nhiên với tập tính “sáng đi, tối về”... Để khai thác phát huy được những thuận lợi tiềm năng, thế mạnh có trên 72km bờ biển với những bãi ngang, phẳng, thoai thoải, là nơi tập trung nhiều sinh vật phù du và sinh vật đáy làm thức ăn cho tôm, cua, cá và 3 cửa lạch lớn cho tàu thuyền cỡ trung bình ra vào được, từ kết quả điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên của vùng nước ngọt, lợ trong tỉnh và khả năng diện tích nuôi trồng, quản lý, khai thác, ngành Nông nghiệp đã định hướng đối tượng nuôi, đối tượng khai thác tự nhiên để quy hoạch và phân vùng sản xuất phù hợp. Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” theo Thông tư liên Bộ Hải sản, Nông nghiệp, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (tháng 11-1978) được phát động triển khai rộng khắp ở các huyện, xã trong tỉnh. Ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức cải tạo hồ Tức Mạc (Thành phố Nam Định) thành trung tâm “Ao cá Bác Hồ”, Hợp tác xã Lộc Vượng đã thả 10 vạn con cá giống. Hưởng ứng phong trào, toàn tỉnh có 384 đơn vị tổ chức xây dựng được “Ao cá Bác Hồ”, trong đó có 283 hợp tác xã nông nghiệp, 73 cơ quan, 28 trường học với diện tích 288ha, đã thả 365 vạn con cá giống, nhiều đơn vị đạt năng suất từ 2,5-4 tấn cá thịt, nhiều huyện có phong trào khá như: Nghĩa Hưng, Xuân Thủy, Nam Ninh… Phong trào nuôi cá phát triển rộng khắp, toàn tỉnh có 544 hợp tác xã có nghề nuôi cá với 5.525 lao động. Đến năm 1980 toàn tỉnh có 27 đơn vị tham gia khai thác thủy sản (1 doanh nghiệp quốc doanh, 18 hợp tác xã, 8 tập đoàn), 80 tàu gắn máy với tổng công suất 7.142CV và 78 thuyền thủ công. Sản lượng khai thác thủy sản đạt từ 8-12 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu được 14.228kg tôm đông lạnh, sản xuất từ 4-6 triệu lít nước mắm, sửa chữa và đóng mới gần 100 tàu lớn có công suất 135-200CV, số lượng tàu công suất lớn tăng dần. Ngành Thuỷ sản ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng và cơ cấu kinh tế cả tỉnh nói chung trong thời kỳ đổi mới. Nghề nuôi thuỷ sản được duy trì và phát triển từ phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Sau Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy nghề nuôi cá đi vào thâm canh. Nghề cá được phục hồi và phát triển với nhiều hình thức phong phú trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến đã góp phần quan trọng để ngành Thuỷ sản vượt qua thời kỳ khó khăn ban đầu khi tiếp cận cơ chế thị trường, dần dần phục hồi và phát triển ổn định, tạo thế đi lên.

Phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh để tăng khả năng vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo quê hương.
Phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh để tăng khả năng vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo quê hương.

Đến ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Từ thực tiễn phong trào "Ao cá Bác Hồ" đã khẳng định giá trị của ngành nuôi thủy sản trong kinh tế thủy sản nói chung đúng như tổng kết của người xưa "thứ nhất canh trì". Do vậy, từ năm 2000 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát cả hai mảng khai thác và nuôi trồng thủy sản, kinh tế thủy sản của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt và bứt phá ngoạn mục, nhất là trong giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Trung ương về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn” và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng và phát triển bền vững. Đến năm 2018 tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 149.590 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 98.210 tấn, khai thác 51.380 tấn. Tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2018 đạt gần 8.000 tỷ đồng; chiếm 29,6% cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nuôi trồng thủy sản chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ, hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh và siêu thâm canh. Toàn tỉnh đã hình thành 70 vùng nuôi thủy sản tập trung áp dụng quy trình nuôi theo hướng VietGAP, nuôi công nghệ cao. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cơ bản đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là các vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa, trồng cói, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Vùng nuôi cá bống bớp tại xã Nam Điền và Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) với tổng diện tích gần 400ha cho sản lượng đạt 1.200 tấn, lợi nhuận từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Các vùng nuôi thủy sản huyện Giao Thủy với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao là tôm thẻ chân trắng, ngao và tôm sú... phát triển ở nhiều xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện, Giao Lạc, Giao Xuân, Thị trấn Quất Lâm,... Với quy mô diện tích nuôi khoảng 58ha, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Giao Phong, xã Giao Phong đã đạt sản lượng khoảng 1.200 tấn/năm, năng suất bình quân 10 tấn/ha/năm, cá biệt có những hộ nuôi đạt được 15-20 tấn/ha/năm. Lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản chi phí của các hộ thành viên trong hợp tác xã ước đạt từ 1,4-1,8 tỷ đồng/ha/năm. Phong trào nuôi thủy sản nước ngọt cũng phát triển mạnh. Mô hình nuôi cá diêu hồng từ việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với quy mô 134,4ha, trong đó có 80,64ha nuôi thâm canh đã thu được khoảng 1.100 tấn/năm, doanh thu đạt 44 tỷ đồng, lợi nhuận thực tế đạt từ 180-200 triệu đồng/ha/năm. Nhiều địa phương như các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc); Phương Định, Liêm Hải, Cổ Lễ (Trực Ninh); Minh Thuận, Tân Khánh (Vụ Bản)… đã phát triển thành những “vựa” cá các loại, từ cá làm thực phẩm đến cá cảnh, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn tấn cá. Việc từng bước giảm dần cường lực khai thác ven bờ, phát triển đội tàu khai thác xa bờ đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu đội tàu khai thác thủy sản. Nhiều tàu khai thác thủy sản có công suất lớn được đóng mới, các nghề khai thác thủy sản tại các vùng biển xa được đầu tư phát triển. Sản lượng khai thác thủy sản không ngừng tăng, giá trị sản phẩm khai thác thủy sản cũng được nâng cao. Nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như cá thu, tôm, mực… được khai thác và cung cấp cho tiêu dùng trong tỉnh và cả nước. Từ chỗ khai thác thủy sản lạc hậu, kém phát triển, đến nay đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh ta đã vượt nhiều tỉnh ven biển phía Bắc, nhiều tàu cá có khả năng vươn khơi xa đánh bắt tại các ngư trường rộng khắp từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu với 2.135 tàu, thuyền và có 36 tàu cá vỏ thép (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ) công suất từ 800CV trở lên. Toàn tỉnh đã phát triển được 137 cơ sở sản xuất giống thủy hải sản, 12 cơ sở đóng tàu cá vỏ thép, 4 cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá vỏ gỗ, 110 cơ sở kinh doanh ngư cụ, 23 cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần nước đá, xăng dầu, có 1 cảng cá và 3 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong giai đoạn mới. Hoạt động sơ chế và chế biến thủy sản đã có những bước phát triển theo chiều sâu với 153 cơ sở, trong đó có 10 cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh đã định vị được danh tiếng, thương hiệu trên thị trường như nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu; tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, cá bống bớp Nghĩa Hưng, các sản phẩm thủy sản của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lenger Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu...

Thực hiện lời Bác dạy "Biển bạc của ta do dân ta làm chủ" và góp phần hoàn thành mục tiêu "đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh" theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 5-12-2018, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 28-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Theo đó, những giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế thủy sản tỉnh ta là: chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như: tôm, ngao, cá bống bớp,... xây dựng khu bảo tồn ngao bản địa. Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, khuyến khích phát triển đội tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ, giảm dần đội tàu khai thác hải sản gần bờ. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về chính sách phát triển thủy sản. Chú trọng khai thác trên các vùng biển xa, khai thác viễn dương trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Tổ chức lại sản xuất trong ngành thủy sản, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội nghề nghiệp,... Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, ngư dân vùng ven biển tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và các chương trình phát triển sinh kế bền vững. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến các nhóm sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: tôm, cá, sứa biển, nước mắm truyền thống, bột cá, các sản phẩm từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ,... Khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến truyền thống theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo sản xuất gắn với chỉ dẫn địa lý và thương hiệu đặc trưng của từng địa phương. Trước mắt, trong năm 2019 ngành thủy sản phấn đấu thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu: Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 4,5-5%, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 16.215ha, trong đó nuôi mặn lợ 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha; diện tích nuôi tôm là 3.660ha, tập trung tại vùng nuôi huyện ven biển; diện tích nuôi ngao 1.980ha tập trung tại vùng nuôi các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng; tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 154 nghìn tấn, tăng từ 3% trở lên so với năm 2018, trong đó nuôi trồng đạt khoảng 101 nghìn tấn, khai thác đạt khoảng 53 nghìn tấn./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com