Thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư (kỳ 1)

07:05, 06/05/2019

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, ngày 9-6-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về "Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020". Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng các hoạt động đối ngoại gắn với cải cách hành chính, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; khuyến khích, lựa chọn các dự án đầu tư có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

I: Khởi sắc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Ðồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 3 tỷ USD. Ðể đạt mục tiêu đề ra, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: Ðổi mới tư duy và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp ủy Ðảng, chính quyền về công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, hướng tới nhà đầu tư. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư là nhiệm vụ lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt, có vai trò quan trọng, quyết định đến việc tạo bước phát triển đột phá về kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, công tác thu hút đầu tư FDI vào địa bàn tỉnh có bước phát triển nhảy vọt, năm sau cao hơn năm trước, đạt mục tiêu đề ra. So với giai đoạn 2011-2015, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp trong nước chỉ có 188 dự án (150 dự án trong nước và 38 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt trên 15.777 tỷ đồng và trên 451 triệu USD), thì trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 291 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 2.732 triệu USD và 6.939,3 tỷ đồng. Trong đó: Cấp mới cho 254 dự án đầu tư (49 dự án FDI và 205 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đăng ký là 2.526,35 triệu USD và 5.719,5 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 37 dự án (22 dự án FDI và 15 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn bổ sung là 206 triệu USD và 1.219,8 tỷ đồng.

Ban Tiếp dân huyện Giao Thủy thực hiện nghiêm Luật Tiếp dân, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính.
Ban Tiếp dân huyện Giao Thủy thực hiện nghiêm Luật Tiếp dân, góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính.

Cụ thể, năm 2016, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 80 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 303,01 triệu USD và 1.113,059 tỷ đồng. Năm 2017, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 84 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 2.229 triệu USD và 2.358,43 tỷ đồng. Năm 2018, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 109 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 197,548 triệu USD và 2.399,45 tỷ đồng. Quý I năm 2019, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 2,8 triệu USD và 1.068,37 tỷ đồng. Trong đó: cấp mới cho 16 dự án đầu tư (3 dự án FDI và 13 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đăng ký là 2,8 triệu USD và 455,83 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn bổ sung là 612,54 tỷ đồng. Riêng năm 2017, thông qua việc cấp phép đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Ðịnh 1 với vốn đăng ký 2.072 triệu USD, tỉnh ta lần đầu tiên có tên trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút FDI. Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh 1 có tổng công suất 1.200MW, gồm 2 tổ máy 600MW đã được Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ðiện lực Nam Ðịnh thứ nhất làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Là dự án Nhiệt điện BOT thứ 4 trong cả nước sử dụng than nội địa do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cung cấp, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nam Ðịnh 1 có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển sản xuất, kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thời gian qua, Nam Ðịnh đang trở thành "điểm đến" của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với nhiều dự án FDI có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại. Ðến tháng 4-2019, hiện có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 6 lĩnh vực với 106 dự án phân bổ khắp 10 huyện, thành phố. Trong đó, Singapore có 2 dự án với vốn đăng ký hơn 2 tỷ 152 triệu USD, Hàn Quốc có 29 dự án với vốn đăng ký hơn 237 triệu USD, Hồng Kông có 21 dự án với vốn đầu tư 278 triệu USD, Trung Quốc có 17 dự án với vốn đầu tư hơn 216 triệu USD... Trong các dự án đầu tư FDI, về lĩnh vực ngành nghề, thì công nghiệp may mặc, da giầy và phụ trợ may chiếm vốn đầu tư cao nhất (32%), có 69 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án với vốn đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất túi da (Ðài Loan) với vốn đầu tư 30 triệu USD, Nhà máy Dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise (Trung Quốc) có vốn đầu tư 77 triệu USD, Nhà máy Sản xuất sợi, dệt, nhuộm Yulun (Trung Quốc) với vốn đầu tư 68 triệu USD, Nhà máy Sản xuất Giầy Bunda (Hồng Kông) với vốn đầu tư 50 triệu USD, Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex (Singapore) với vốn đầu tư 80 triệu USD. Các dự án đầu tư FDI trong thời gian qua đã thu hút gần 68 nghìn lao động, nhờ vậy, góp phần lớn vào việc đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết bài toán việc làm cũng như thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Ngày 30-10-2018, Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh khánh thành và đưa vào hoạt động dự án Nhà máy Dệt Bảo Minh, với tổng vốn đầu tư hơn 78 triệu USD (1.800 tỷ đồng). Nhà máy Dệt Bảo Minh đi vào hoạt động là đơn vị sản xuất vải dệt thoi hàng đầu tại Việt Nam với các hoạt động dệt, nhuộm và các công nghệ hoàn tất vải sợi; được trang bị 100% dây chuyền sản xuất tiên tiến nhất của các hãng danh tiếng trên thế giới như: Fongs, Toyota, Otshoff-Singeing, Lafer, Staubli, Goller... Ðặc biệt, nhiều thiết bị công nghệ cao của Dệt Bảo Minh lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, giải pháp ERP của Oracle đã được triển khai, mang lại nhiều ưu thế cho hoạt động của Dệt Bảo Minh trong dài hạn. Dệt Bảo Minh cung cấp hàng năm trên 35 triệu mét vải dệt thoi cao cấp cho các nhãn hàng thời trang lớn của thế giới, 70% chuỗi sản phẩm của Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh là vải dành cho áo sơ mi được sản xuất từ sợi CM, CVC, TC chi số cao đã nhuộm (Yarn Dye) và 30% được sản xuất từ sợi mộc nhuộm nguyên tấm (Piece Dye). Doanh thu ước tính của Dệt Bảo Minh đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm trong giai đoạn từ 2018-2020 và từ 2020 trở đi là trên 2.100 tỷ đồng/năm, tạo ra trên 800 việc làm mới trực tiếp cho người dân.

Ðể hoàn thành mục tiêu thu hút đầu tư đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Nam Ðịnh giai đoạn 2016-2020 với những giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Tăng cường hỗ trợ và thúc đẩy quá trình khởi sự doanh nghiệp. Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ và hiệu quả. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư các cụm công nghiệp đang triển khai tại huyện Ý Yên và các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch tại Quyết định 630/QÐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh. Triển khai xây dựng các quy hoạch để tạo điều kiện thu hút đầu tư: Ðiều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nam Ðịnh, quy hoạch hai bên đại lộ Thiên Trường, quy hoạch hai bên đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Mỹ Thuận,... Ðiều chỉnh Quyết định 630/QÐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh về quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 làm cơ sở đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Chủ động hỗ trợ và giải quyết vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại của lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ðẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ chế chính sách của tỉnh. Tăng cường liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động thương mại, du lịch và tuyên truyền đối ngoại.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Việt Thắng

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com