Hỗ trợ nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu

08:05, 03/05/2019

Với 72km bờ biển, địa hình tương đối bằng phẳng, bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi dày đặc và nhiều vùng thấp trũng, tỉnh ta là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trung bình mỗi năm hứng chịu từ 4 đến 6 cơn bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, như nhiệt độ tăng cao, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thay đổi bất thường, mức độ rét đậm, rét hại kết hợp với nước biển dâng, xâm nhập mặn... đã gây nhiều khó khăn cho trồng trọt, chăn nuôi, cũng như đời sống người dân. Diện tích trồng trọt thường xuyên bị ngập lụt ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, kết hợp nước biển dâng cao, xâm nhập mặn gia tăng với phạm vi ngày càng mở rộng, sâu hơn vào nội đồng. Hàng năm có khoảng 38 nghìn ha đất canh tác ven biển bị nhiễm mặn, trong đó có đến hơn 12 nghìn ha nhiễm mặn nặng. Rừng ngập mặn cũng bị suy giảm về cả diện tích và khả năng phòng hộ. Cụ thể, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh, Cồn Mờ và Vườn quốc gia Xuân Thủy bị chết. Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy trong 12 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn trưởng thành đã bị suy giảm 70%. Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn và là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của các huyện ven biển nói riêng và tỉnh ta nói chung.

Tham quan mô hình trồng hoa theo phương thức sản xuất sạch tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).
Tham quan mô hình trồng hoa theo phương thức sản xuất sạch tại xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc).

Để thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, những năm qua, tỉnh ta tiếp tục đầu tư nâng cấp đê kè biển cũng như các công trình đầu mối phòng chống thiên tai; xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi của 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; xây dựng các nhà trú, tránh bão cộng đồng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như sử dụng giống lúa chịu mặn hơn 2% và những loại cây trồng chịu ngập úng, chịu mặn hoặc chuyển đổi từ lúa nước sang cây trồng cạn và chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển bằng cách du nhập và phát triển các ngành nghề: trồng nấm, chế biến hải sản, may mặc, cơ khí. Triển khai Quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi thích ứng với biến động về dòng chảy, nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón và cải tạo đất cho cây trồng chính ở các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; hỗ trợ phát triển hệ thống Biogas góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tạo nguồn điện cho các hộ gia đình. Chỉ đạo các huyện ven biển đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng có tính đến dự trữ nước trên toàn hệ thống kênh và đảm bảo thoát lũ, tiêu úng, chống ngập. Quy hoạch các nhà máy cung cấp nước sạch cho nhân dân các xã khó khăn về nước sinh hoạt và các xã ven biển trên địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy; hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo thuộc các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các xã ven biển; tổ chức các chương trình truyền thông thay đổi hành vi dự phòng bệnh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch... Tỉnh đã huy động nhiều nguồn kinh phí để triển khai các dự án ứng phó, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu tại các xã khu vực ven biển. Trong đó, riêng tại các xã vùng đệm và Vườn quốc gia Xuân Thủy đến nay đã thụ hưởng 5 dự án về quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, du lịch dựa vào cộng đồng, phát triển nuôi ngao bền vững, đa dạng sinh kế thân thiện với môi trường... tạo điều kiện cho nông dân các xã, thị trấn ven biển có sinh kế phát triển kinh tế.

Với vai trò hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển dịch theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu ngắn ngày, cây dược liệu và các mô hình canh tác kết hợp có hiệu quả kinh tế cao, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Phối hợp nghiên cứu sử dụng những giống cây có khả năng chống chịu cao với ngập úng, hạn, mặn; diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn nên chuyển sang trồng cây rau màu; ở vùng thấp trũng, xây dựng mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi cá, nuôi tôm; khu vực bị nhiễm mặn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản… Các cấp Hội trực tiếp tổ chức và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, các công ty, doanh nghiệp hàng năm tổ chức trên 2.000 buổi tập huấn cho 180 nghìn lượt hội viên nông dân. Qua đó giúp cho nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất cũng như cách phòng trừ bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhiều cây con mới được nông dân áp dụng thành công cho năng suất và hiệu quả cao góp phần nâng cao thu nhập. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch hành động trong bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, Hội Nông dân các cấp tập trung tuyên truyền cho hội viên nông dân trong quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông thôn, chủ động các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thực hiện tốt kế hoạch truyền thông “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; truyền thông “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” theo từng chủ đề; Ngày Môi trường thế giới 5-6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22-5. Thông qua đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com