Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề (kỳ 2)

07:03, 18/03/2019

(Tiếp theo và hết)

II. Cần giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề bền vững

Bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và BVMT làng nghề nói riêng là vấn đề được tỉnh chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chính sách liên quan đến BVMT làng nghề, gồm Kế hoạch số 64/KH-UBND do UBND tỉnh ban hành ngày 10-10-2013 về triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Quyết định 12/QĐ-UBND ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh; Văn bản chỉ đạo số 10/UBND-VP3 ngày 3-1-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, BVMT tại các cơ sở sản xuất... Tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế để bố trí nguồn vốn triển khai, thực hiện các dự án nhằm cải thiện, phục hồi môi trường tại một số làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề sản xuất cơ khí Tống Xá (Ý Yên), làng nghề sản xuất cơ khí, tái chế nhôm phế liệu Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực)... góp phần hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực trạng môi trường làng nghề trong tỉnh cho thấy công tác BVMT làng nghề rất cần có những giải pháp đồng bộ, căn cơ mang tính bền vững.

Việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tạo thuận lợi để di dời các cơ sở sản xuất làng nghề, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Ngọc, Cụm công nghiệp An Xá).
Việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tạo thuận lợi để di dời các cơ sở sản xuất làng nghề, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. (Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phương Ngọc, Cụm công nghiệp An Xá).

Trước hết, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các cấp chính quyền và cộng đồng nhân dân, trong đó có các cơ sở, doanh nghiệp của làng nghề, là điều cốt lõi góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu quả của các giải pháp xử lý môi trường làng nghề đã và sẽ áp dụng. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là công tác tuyên truyền, giáo dục, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ BVMT làng nghề cho cán bộ quản lý và toàn thể nhân dân. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT theo Quyết định 12/QĐ-UBND ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh và Công văn số 10/UBND-VP3 ngày 3-1-2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cụm công nghiệp, làng nghề và khu xử lý rác thải tập trung. Yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã lập phương án BVMT làng nghề trình UBND cấp huyện phê duyệt theo quy định và tổ chức thực hiện đúng phương án BVMT làng nghề đã được phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về BVMT của cấp xã; nếu địa phương nào để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kịp thời, để kéo dài thì phải xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã và cán bộ chuyên môn có liên quan. Yêu cầu các xã phải xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm nhằm phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác BVMT; yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề phải lập hồ sơ, thủ tục BVMT theo quy định; đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải phát sinh từ quá trình sản xuất đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường; tiến hành thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn nguy hại theo đúng quy định; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia giám sát phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu phải chủ động kiểm soát được tốc độ phát triển làng nghề phù hợp với khả năng xử lý các tác động của sản xuất. Đặc điểm của các cơ sở sản xuất trong làng nghề của tỉnh là sử dụng công nghệ lạc hậu, sản xuất theo thời vụ, phát thải nhiều chất gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy cần tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề; đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý môi trường hiệu quả; có cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng, xây mới các khu, cụm công nghiệp để các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề di dời vào khu sản xuất tập trung, đã trang bị đồng bộ công trình BVMT theo quy định. Đối với các làng nghề gây ô nhiễm môi trường phải có kế hoạch xây dựng các cụm công nghiệp để di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra các cụm công nghiệp hoặc yêu cầu dừng hoạt động; không khuyến khích thành lập mới, phát triển các ngành nghề có nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và làng nghề. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, UBND các huyện đã hướng dẫn các xã tập trung kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất đang hoạt động trong làng nghề phải có biện pháp xử lý chất thải bảo đảm môi trường, không cho phép thành lập mới trong làng nghề các cơ sở có hoạt động sản xuất phát sinh bụi, mùi, khí thải độc hại và nước thải chứa nhiều hóa chất, kim loại nặng. UBND các huyện cũng tích cực thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm cao trong làng nghề đối với các ngành nghề không nằm trong danh mục được khuyến khích phát triển, chưa có biện pháp xử lý môi trường vào các cụm công nghiệp. Trước mắt, các huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai xây dựng các cụm công nghiệp: Thịnh Lâm, Yên Dương, Đồng Côi...; tiếp tục lựa chọn cụm công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa nhằm khuyến khích di chuyển các cơ sở sản xuất ở trong làng nghề ra, bảo đảm vừa phát triển sản xuất ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu BVMT.

Thời gian tới, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong công tác BVMT tại các làng nghề. Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT, cam kết BVMT và giám sát việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tập trung triển khai xây dựng, thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo ba hướng: Quy hoạch tập trung, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mới cụm công nghiệp làng nghề, bao gồm quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đồng bộ về hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải; quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đồng thời nâng cấp, bổ sung hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề hiện có bảo đảm các quy định về BVMT. Quy hoạch sản xuất ngay tại hộ gia đình những sản phẩm thủ công truyền thống phù hợp, bố trí không gian hợp lý nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng, di dời các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào cụm công nghiệp làng nghề. Phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và công nghệ cùng các nguồn đầu tư khác cho công tác BVMT, khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, đảm bảo kinh phí phân bổ cho công tác BVMT làng nghề hàng năm không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho các làng nghề đã được công nhận, ưu tiên đầu tư cho các làng nghề truyền thống. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, không phát sinh thêm các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng mới. Di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất thuộc nhóm tái chế giấy, kim loại, nhựa, nhuộm và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong khu dân cư vào cụm công nghiệp làng nghề. Phấn đấu 100% cụm công nghiệp làng nghề tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com