Phát huy vai trò kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản của hợp tác xã

08:12, 25/12/2018

Thời gian qua, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động liên kết trong kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho xã viên. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao, khuyến khích được thành viên HTX và nông dân tham gia liên kết.

Khách hàng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm từ nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp.
Khách hàng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm từ nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp.

Để đẩy mạnh liên kết, phát triển chăn nuôi theo chuỗi tại địa phương, HTX chăn nuôi Long Phú, xã Trực Thái (Trực Ninh) được thành lập, trở thành “bệ đỡ” trong phát triển sản xuất, cung cấp nguồn thức ăn, con giống, thuốc thú y bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý cho thành viên, người chăn nuôi. Sự ra đời của HTX như một cuộc “cách mạng” thay đổi phương thức chăn nuôi tại địa phương, từ tự phát, thiếu liên kết, giá cả, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao… sang chăn nuôi khoa học, an toàn và cho hiệu quả vượt trội. Đồng chí Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ: “Để phát triển sản xuất an toàn, HTX chủ động phối hợp với các đơn vị chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, an toàn thực phẩm, an toàn lao động”. Ngay từ khi thành lập vào năm 2016, HTX đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi lợn để tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm “lợn sạch” cung cấp đến người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Qua nghiên cứu tài liệu, HTX bắt đầu đưa thêm thảo dược vào khâu chế biến thức ăn chăn nuôi. Để đảm bảo chất lượng, HTX đã đầu tư máy chế biến hiện đại và chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch gồm: ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương, kết hợp với các loại thảo dược như: kim ngân, khổ sâm, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc... Việc đưa thêm thảo dược vào thức ăn không chỉ tăng sức đề kháng, giảm thiểu dịch bệnh cho đàn lợn, mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt lợn, từ đó nâng cao giá bán, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học vừa giúp giảm công chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho thành viên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất. Chi phí cho thức ăn chăn nuôi giảm 1.000-1.500 đồng/kg, giá bán thịt lợn cao hơn so với thịt lợn thường 8.000-10.000 đồng/kg. Điều đó được khẳng định qua đợt thị trường giá cả thịt lợn hồi đầu năm 2017, giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm sâu xuống mức 22-25 nghìn đồng/kg, nhưng giá lợn hơi đạt chuẩn VietGAP của HTX vẫn giữ mức giá 32-35 nghìn đồng/kg, các hộ thành viên vẫn được bao tiêu sản phẩm và duy trì lợi nhuận ở mức khá. Không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn sạch, khâu xử lý chất thải của HTX cũng đang được ứng dụng kỹ thuật xử lý triệt để, giảm thiểu tối đa tác động xấu tới môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất. Đối với HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) đang là một trong những HTX nhạy bén trong liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp, phát triển thành công mô hình sản xuất an toàn theo hướng hàng hóa, đem lại lợi ích toàn diện về cả kinh tế và an toàn lao động cho thành viên, hộ liên kết. Trong năm 2018, HTX Nghĩa Bình đã ký liên kết bao tiêu nông sản 2 vụ lúa với Công ty trách nhiệm hữu hạn Toản Xuân để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX. Theo đó, công ty cam kết hỗ trợ một phần chi phí đầu tư, cung cấp các dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống và chốt giá thu mua từ đầu vụ. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: “Việc hợp đồng chốt giá đầu vụ có lợi cho cả đôi bên. Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, khối lượng, HTX và thành viên được đảm bảo về sản xuất, thị trường tiêu thụ”. Đặc biệt, thành viên HTX được tổ chức sản xuất khoa học, áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn, từ đó giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong 2 năm gần đây, tình hình liên kết bao tiêu giữa nông dân với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả thiết thực. HTX đang trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi các thành viên, phát huy quyền tự chủ của người dân trong sản xuất”. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác củng cố hoạt động, thu hút thành viên để tăng vốn góp, mở rộng diện tích canh tác, xây dựng chuỗi giá trị, phát triển sản xuất an toàn, hướng đến nền sản xuất hiệu quả, bền vững. Trong đó, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ các đơn vị thành viên trong khâu liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, kêu gọi những công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng lâu dài và ổn định. Bên cạnh đó, tham mưu với UBND tỉnh tổ chức diễn đàn đối thoại doanh nghiệp - HTX nhằm kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với HTX, các hộ nông dân; tăng cường tính pháp lý cho hợp đồng bao tiêu. Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản nhằm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.

Có thể khẳng định, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong giai đoạn hiện nay. Việc các HTX kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng góp phần quan trọng thực hiện Đề án phát triển 15 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ. Từ đó, vai trò của các tổ chức như HTX, tổ hợp tác được phát huy là người đại diện, người bảo hộ cho nông dân tham gia chuỗi liên kết có việc làm ổn định, thu nhập tăng cho các thành viên. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com