Chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

07:12, 19/12/2018

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2017 tổng điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ta đạt 61,43 điểm, tuy cao hơn năm 2016 là 2,89 điểm nhưng về xếp hạng lại giảm 11 bậc so với năm 2016, nằm trong nhóm trung bình của cả nước.

Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Power, xã Hải Tân (Hải Hậu).
Sản xuất giày thể thao xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Power, xã Hải Tân (Hải Hậu).

Sau khi VCCI công bố kết quả khảo sát UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phân tích những nguyên nhân yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện nâng cao PCI thời gian qua. Ở tất cả các chỉ số thành phần PCI các đối tượng khảo sát đều phản ánh còn nhiều tồn tại, yếu kém, hạn chế. Về chỉ số gia nhập thị trường: thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp chưa có sự cải thiện, thậm chí còn lâu hơn so với năm trước; tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ từ 1-3 tháng để hoàn thành các thủ tục đi vào hoạt động tăng lên nhiều. Chỉ số tiếp cận đất đai có 3/11 chỉ tiêu cơ sở xếp hạng thấp là: rủi ro bị thu hồi đất của doanh nghiệp xếp hạng 49/63, việc cung cấp thông tin đất đai không thuận lợi, nhanh chóng xếp hạng 60/63; doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận/mở rộng mặt bằng kinh doanh xếp hạng 61/63. Chỉ số tính minh bạch có 2/12 chỉ tiêu cơ sở đứng cuối bảng xếp hạng. Đặc biệt còn nhiều tồn tại, hạn chế trong chỉ số chi phí không chính thức: năm 2017, chỉ số này chỉ đạt 4,62 điểm, thấp nhất trong cả giai đoạn 2010-2017; 56% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra; hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính (đặc biệt là các thủ tục về đất đai) tăng hơn hẳn so với năm 2016. Ở chỉ số Tính năng động có 4/9 chỉ tiêu cơ sở nằm ở nhóm cuối; chỉ có 51,52% doanh nghiệp cho rằng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh tại các hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp được giải quyết; có 85% doanh nghiệp nhận được phản hồi của các cơ quan Nhà nước sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc. Từ kết quả phân tích, đánh giá chi tiết các hạn chế, yếu kém, để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ cải thiện PCI năm 2018 và các năm tiếp theo, ngày 25-9-2018 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2018-2020. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu tổng thể là năm 2018 nâng tổng điểm đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh lên mức 62,71 điểm, tăng 1,28 điểm so với năm 2017 và xếp thứ hạng 27/63 tỉnh, thành phố. Đến năm 2019, tỉnh ta phấn đấu đạt 63,31 điểm, tăng 0,6 điểm so với năm 2018 và đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Đến năm 2020, phấn đấu PCI đạt 63,66 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Để tăng cường trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm thực hiện từng chỉ số cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương chịu trách nhiệm về các chỉ số: Gia nhập thị trường (gồm 10 chỉ tiêu cơ sở) với mục tiêu đến năm 2020 tăng lên mức 7,87 điểm; Cạnh tranh bình đẳng (gồm 14 chỉ tiêu cơ sở). Trong đó, các chỉ tiêu cơ sở cần cải thiện là: Thời gian đăng ký doanh nghiệp giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; thay đổi đăng ký doanh nghiệp giảm từ 4 ngày xuống còn 2,75 ngày... Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư và tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới; tích cực tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp giảm thiểu những quy định, thủ tục có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Chỉ số tiếp cận đất đai gồm 11 chỉ tiêu cơ sở do Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phấn đấu đến năm 2020 đạt 6,52 điểm. Trong đó các chỉ tiêu cơ sở cần cải thiện là: 65% doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giảm số ngày chờ cấp quyền sử dụng đất từ 15 ngày xuống còn 13,5 ngày... Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tích cực tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra và xử lý đối với các dự án đã có đất nhưng chậm tiến độ, không triển khai các hoạt động đầu tư hoặc có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm đầu mối về các chỉ số tính minh bạch và tính năng động với mục tiêu đạt 5,67 và 5,20 điểm vào năm 2020. Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm với yêu cầu đổi mới phương thức thực hiện, tăng cường hoạt động, nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xử lý kịp thời những vướng mắc, phát sinh của doanh nghiệp về trình tự thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường... Sở Nội vụ chịu trách nhiệm đầu mối đối với các chỉ số: Chi phí thời gian (gồm 11 chỉ tiêu cơ sở) và Chi phí không chính thức (gồm 9 chỉ tiêu cơ sở). Các chỉ tiêu cơ sở cần chú ý là: giảm tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên từ 5,22% xuống còn 2%; số giờ trung bình cho mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra thuế giảm từ 16 giờ xuống còn 5 giờ; giảm tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai từ 56,52% xuống còn 28,6%... Sở Công thương chịu trách nhiệm chính về chỉ số Hỗ trợ doanh nghiệp (gồm 24 chỉ tiêu cơ sở), phấn đầu nâng tổng điểm từ 6,35 lên 6,49 vào năm 2020. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm cải thiện 11 chỉ tiêu cơ sở trong chỉ số Đào tạo lao động. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong thực hiện 12 chỉ tiêu Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 

Để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố triển khai nghiêm túc, triệt để những nội dung cần thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Triển khai thực hiện ngay một số giải pháp: tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với mục tiêu đổi mới, sáng tạo để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3 và 4. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm. Bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương và tỉnh ban hành. Tăng cường công tác hỗ trợ và quản lý sau cấp phép đầu tư để giúp nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng, rút ngắn thời gian chuẩn bị, giảm phát sinh chi phí không chính thức. Thúc đẩy các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tạo cơ hội để các doanh nghiệp tỉnh ta mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh, phát triển thị trường...

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com