Nhân rộng mô hình "nông nghiệp không chất thải"

08:12, 18/12/2018

Nông nghiệp không chất thải là mô hình nông nghiệp bền vững, trong đó người nông dân chủ động ứng dụng công nghệ sinh học tái chế chất thải thành nguyên liệu đầu vào của quy trình sản xuất khác, hạn chế tối đa lượng thải ra môi trường. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, được coi là giải pháp giảm áp lực cho môi trường trong quá trình sản xuất và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn.

Trên cánh đồng sản xuất cây vụ đông xã Giao Phong (Giao Thủy). Ảnh: Hoàng Tuấn
Trên cánh đồng sản xuất cây vụ đông xã Giao Phong (Giao Thủy).
Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Ước tính mỗi năm khu vực nông thôn tỉnh ta phát sinh 1,5 triệu tấn chất thải chăn nuôi; 60-70 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; ngoài ra còn nhiều chất thải hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp. Số chất thải này hầu như chưa được tái chế mà chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt. Thực tế này không chỉ gây ra sự lãng phí lớn nguồn vật chất có khả năng tái sử dụng mà còn gây ô nhiễm môi trường. Để giảm tải chất thải và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, canh tác lúa cải tiến; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; xử lý chất thải chăn nuôi... Tuy nhiên, do chưa áp dụng triệt để các giải pháp đưa ra trong mỗi hộ gia đình, mỗi trang trại, mỗi địa phương mà chỉ thực hiện một vài khâu trong chuỗi quy trình sản xuất nông nghiệp nên hiệu quả không cao. Tình trạng ô nhiễm chất thải nông nghiệp vẫn tồn tại. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được mô hình khép kín, sử dụng đồng bộ các công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản ở bất kể quy mô sản xuất lớn hay nhỏ. Với quan điểm đó, các ngành chức năng đã xây dựng và khuyến khích nông dân áp dụng mô hình nông nghiệp không chất thải ngay trong gia đình mình. Mô hình tổng quát áp dụng cho sản xuất nông nghiệp không chất thải là kết hợp vườn - ao - chuồng - biogas. Đây là mô hình thâm canh sinh học cao, sản xuất khép kín nhằm tận dụng nguồn vật chất hữu cơ tự nhiên, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, nuôi trồng tự nhiên (phân ủ hữu cơ, thức ăn tự nhiên, bảo vệ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi tự nhiên) và kỹ thuật bảo vệ môi trường (dùng công nghệ sinh học trong xử lý thức ăn chăn nuôi, chất thải, làm giàu đất, đa dạng hóa sinh học). Trong đó, phụ phẩm của trồng trọt như rơm rạ, thân cây ngô lạc, rau xanh, đậu đỗ, vỏ trấu, phân gia súc, gia cầm được quay vòng làm phân bón cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và chuyển đổi năng lượng thành nhiệt năng, điện năng phục vụ sản xuất. Phương pháp xử lý chất thải này giúp nông dân chủ động được thức ăn, vật tư nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào. Tại xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã xây dựng được 3 mô hình tiêu biểu sản xuất nông nghiệp không chất thải là vườn - ao - chuồng - biogas; tái sử dụng rơm rạ để trồng nấm và ủ phân compost phục vụ trồng trọt. Hộ gia đình anh Phan Văn Tiên, xóm 5, có diện tích 1.660m2, áp dụng mô hình vườn - ao - chuồng - biogas. Trong đó 1.100m2 vườn trồng rau màu, các loại cây ăn quả; 500m2 ao nuôi cá truyền thống và 60m2 chuồng nuôi lợn thịt; hầm biogas composite có thể tích 7m3. Theo đó, các phụ phẩm của vườn, ao được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi theo công thức lên men vi sinh gồm cám, rau, bèo, cá khô xay trộn bã rượu. Lượng phân, nước thải chăn nuôi, sinh hoạt được thu gom về hầm biogas để tạo khí sinh học dùng đun nấu phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Anh Tiên cho biết: “Với quy mô sản xuất nông hộ theo quy trình khép kín, lượng khí gas thu được đủ cho gia đình tôi sử dụng trong thời gian 120 phút/ngày. Bã thải biogas được sử dụng làm phân bón cho cây trồng và để nuôi cá. Kết quả sau một thời gian thử nghiệm, năng suất các cây ăn quả, rau màu cũng tăng do ít sâu bệnh, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc tăng trưởng; đàn vật nuôi phát triển tốt và sản lượng cao. Đặc biệt nhờ sử dụng hầm biogas, mùi hôi của phân lợn không còn, chuồng trại sạch sẽ. Chất thải xả ra môi trường giảm 80% so với trước kia”. Ngoài mô hình của gia đình của anh Tiên, các mô hình tái sử dụng rơm rạ để trồng nấm và ủ phân compost đều mang lại hiệu quả cao. Với diện tích trồng lúa của xã là 400ha, năng suất đạt bình quân 117,89 tạ/ha, lượng rơm rạ của xã Giao Lạc ước tính có hơn 5.000 tấn/năm có thể sử dụng làm nguyên liệu trồng nấm. Sau khi khai thác nấm, sẽ tái sử dụng 2.000 tấn bã thải có hàm lượng dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu bón lót và bón thúc cho toàn bộ diện tích lúa của xã. Như vậy, lượng chất thải rơm rạ phát sinh sau mỗi vụ thu hoạch lúa không chỉ cung cấp nguyên liệu làm nấm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo thành phân hữu cơ cung cấp trở lại cho đồng ruộng.

Ngoài quy mô hộ gia đình, những mô hình sản xuất nông nghiệp không chất thải còn được các ngành chức năng hỗ trợ chuyên sâu cho những trang trại chăn nuôi quy mô lớn thông qua dự án nông nghiệp carbon thấp. Đến nay, dự án nông nghiệp carbon thấp đã hỗ trợ tài chính cho gần 5.000 công trình khí sinh học quy mô nhỏ; hỗ trợ kỹ thuật cho gần 5.000 người chăn nuôi trong việc vận hành công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo môi trường. Tại trang trại rộng hơn 3ha, anh Phạm Tiến Dũng, xóm 2 xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) tổ chức sản xuất theo mô hình tổng hợp vườn - ao - chuồng - biogas. Từ vùng đất bãi ven sông với nhiều ao đầm, thùng vũng, năm 2015, anh Dũng đã xây dựng trại nuôi lợn rộng 3.000m2 theo công nghệ Thái Lan, tổng đàn lợn luôn duy trì trên 2.000 con. Toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý theo công nghệ biogas hiện đại, áp dụng quy trình ủ phân, tách khí, tách nước và thu gom bã thải, hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến môi trường. Mỗi tháng, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi của trang trại sản xuất được 10 tấn phân khô, được nghiền nhỏ với ưu điểm tơi, xốp, cung ứng cho một số doanh nghiệp sản xuất phân lân, phân vi sinh trong khu vực. Ngoài ra hệ thống biogas cũng sản sinh năng lượng lớn được anh Dũng sử dụng qua hệ thống máy phát điện 3 pha phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình và các hộ lân cận. Qua đánh giá hiệu quả sử dụng phân khô của trang trại, anh Dũng mong muốn dành toàn bộ số phân khô thu được để tặng cho bà con trong xã Nghĩa Đồng cải tạo đất ruộng khu vực cấy lúa đặc sản nếp đen.  

Các mô hình sản xuất nông nghiệp không chất thải đã chứng minh hiệu quả thực tiễn ở các quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ, hộ gia đình, nông hộ, trang trại lớn. Chi phí đầu tư trang thiết bị, máy móc và kỹ thuật vận hành cũng như các quy trình công nghệ ủ phân composite, ủ thức ăn lên men cho gia súc, gia cầm đã được các ngành chức năng hỗ trợ triển khai. Vì vậy, để nhân rộng mô hình cần có sự kiên trì của bà con nông dân trong thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả./.

Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com