Chuyển biến từ thực hiện chính sách "tam nông" ở Nam Trực

08:12, 11/12/2018

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết “tam nông”) kinh tế - xã hội huyện Nam Trực phát triển khá toàn diện, tạo bước đột phá trong nhiều lĩnh vực. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng cao, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 26, Huyện ủy Nam Trực đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống giao thông, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở. Huyện đã xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cụ thể với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 26 vào thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp và cải thiện đời sống nông dân, nông thôn. Tổ chức quán triệt, phổ biến, triển khai Nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh, của huyện đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân từ huyện xuống cơ sở, qua đó đã nâng cao nhận thức, huy động được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình thực hiện. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26, nông nghiệp, nông thôn Nam Trực đã có những bước tiến vượt bậc. Giá trị ngành Nông nghiệp của huyện tăng từ 1.219 tỷ đồng (năm 2008) lên 1.816 tỷ đồng (năm 2017); giá trị thu nhập trên 1ha canh tác tăng từ 60,12 triệu đồng/năm lên 95,16 triệu đồng/năm, dự kiến năm 2018 đạt 110 triệu đồng. Huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: vùng trồng lúa chất lượng cao tại 20 xã, thị trấn; vùng trồng lúa năng suất cao ở các xã vùng trũng; vùng trồng hoa, cây cảnh tại các xã Nam Mỹ, Điền Xá, Nam Toàn, Nam Thắng, Tân Thịnh; vùng trồng màu tại Thị trấn Nam Giang và các xã Nam Hùng, Nam Dương, Nam Hoa… Đồng thời xây dựng thành công vùng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị khép kín với tổng diện tích 70ha/vụ ở xã Đồng Sơn. Nam Trực đang giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, từng bước hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tập trung ở các xã Nghĩa An, Nam Hồng, Nam Dương, Nam Mỹ, Nam Thái, Nam Toàn… Mô hình kinh tế tổng hợp nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và làm vườn (cây cảnh, cây ăn quả…) phát triển tập trung ở các xã Nghĩa An, Nam Thắng, Hồng Quang, Nam Tiến… Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng từ 635 tỷ đồng lên 4.950 tỷ đồng, năm 2018 ước đạt 5.640 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 44,5%; dịch vụ 34,3%; tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản giảm xuống còn 21,2%. Với sự “vào cuộc” quyết liệt, thực hiện đồng bộ các biện pháp của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Nam Trực đã có bước phát triển mạnh mẽ về “chất” và “lượng” trên các lĩnh vực: công nghiệp trọng điểm, làng nghề và thu hút đầu tư. Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người/năm của Nam Trực tăng từ 8,11 triệu đồng lên 37,58 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,1% xuống còn 2,82%; hằng năm huyện giải quyết việc làm cho xấp xỉ 4.000 lao động…

Nông thôn mới xã Nam Tiến.
Nông thôn mới xã Nam Tiến.

Chương trình trọng tâm xây dựng nông thôn mới của Nam Trực đạt được nhiều kết quả toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến hết tháng 11-2018, toàn huyện có 19/20 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Nam Trực phấn đấu đến hết năm nay, 100% các xã, thị trấn về đích nông thôn mới và năm 2019 được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện chương trình đã xuất hiện nhiều điển hình về xây dựng nông thôn mới như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở xã Nam Thắng; xã Nam Cường điển hình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp đất làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới; xã Nam Thanh xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; chi bộ xóm Chiền Nguấn, xã Hồng Quang xây dựng khu dân cư văn hóa nông thôn mới… Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng nông thôn Nam Trực phát triển mạnh mẽ. Toàn huyện đã bê tông hoặc nhựa hóa 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 100% đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm; bê tông hóa 100% đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng hơn 400km. Hệ thống đường dây, trạm biến áp được đầu tư cải tạo và nâng cấp đảm bảo 100% các xã đều có hệ thống điện đạt chuẩn. Toàn huyện đã đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa 142 nhà văn hóa thôn (xóm), 169 sân thể thao thôn (xóm), 9 khu thể thao xã, 17 công trình trụ sở nhà văn hóa, UBND xã… An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, “tam nông” của Nam Trực vẫn tồn tại những hạn chế. Quy mô sản xuất nông nghiệp của huyện nhìn chung còn nhỏ lẻ; chưa tạo được thương hiệu mạnh cho các sản phẩm nông nghiệp. Quan hệ sản xuất còn chậm đổi mới. Việc thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa ở các xã, thị trấn để xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Đời sống của người nông dân đã nâng lên nhưng so với tốc độ phát triển chung của cả nước còn ở mức thấp… Đồng chí Lê Quang Huy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Trực cho biết: Để tiếp tục phát huy những thành quả từ thực hiện Nghị quyết “tam nông”, thời gian tới, huyện Nam Trực sẽ rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới, nhất là tiêu chí về thu nhập, sản xuất, y tế, môi trường, giao thông… theo hướng xây dựng nông thôn mới bền vững và phát triển. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khai thác các tiềm năng thế mạnh của huyện, phát triển kinh tế theo quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất; triển khai toàn diện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là du lịch, nhằm khai thác thế mạnh của huyện về sinh thái, truyền thống văn hóa, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc tôn giáo, các làng nghề thủ công. Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo nền tảng cho phát triển kinh tế. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trên địa bàn huyện, tạo môi trường nông thôn ổn định để phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com