Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

07:11, 30/11/2018

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa bền vững.

Vùng trồng màu tập trung tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực).
Vùng trồng màu tập trung tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương (Nam Trực).

Huyện Trực Ninh có diện tích đất nông nghiệp gần 10 nghìn ha. Hiện nay, Trực Ninh đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở tất cả 21 xã, thị trấn nhằm thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất. Điển hình là vùng sản xuất lúa giống liên xã diện tích 290ha của Cty TNHH Cường Tân tại các xã: Trực Hùng, Trực Phú, Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng, Trực Chính; vùng trồng lúa chất lượng cao tại 20/21 xã, thị trấn với diện tích gần 4.600ha; vùng trồng lúa đặc sản (nếp bắc, nếp cái hoa vàng) liên xã Việt Hùng, Trực Tuấn, Cát Thành, Trực Đạo, Trực Thanh, Trực Nội với diện tích 1.500ha; đã xây dựng đề án và quy hoạch hơn 45ha vùng trồng rau quả sạch công nghệ cao tại xã Trực Hùng. Trong chăn nuôi, Trực Ninh chỉ đạo phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo vùng đã được quy hoạch, tập trung tại các xã, thị trấn: Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Đạo, Cát Thành… Ngoài các vùng sản xuất nông sản chủ lực, hiện một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa khác của huyện Trực Ninh như: vùng trồng hoa, cây cảnh tại Thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Thắng; vùng nuôi thủy sản tại các xã Trực Chính, Trực Khang… đem lại giá trị kinh tế cao. Đối với huyện Hải Hậu, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, huyện đã đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành 7 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn: vùng trồng lúa chất lượng cao với thương hiệu gạo tám Hải Hậu tại 33/35 xã, thị trấn, diện tích 7.600ha; vùng trồng cây dược liệu 640ha gồm các loại cây đinh lăng, dây thìa canh tập trung tại các xã: Hải Lộc, Hải Quang, Hải Châu; vùng nuôi tôm, cá nước mặn lợ tập trung tại các xã ven biển: Hải Chính, Hải Triều, Hải Đông cho thu nhập từ 650-750 triệu đồng/ha/năm... Ngoài ra, huyện còn có các vùng chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất rau an toàn diện tích 1.800ha tại các xã, thị trấn: Hải An, Thịnh Long, Hải Hòa; vùng nuôi cá nước ngọt tại các xã, thị trấn: Hải An, Hải Châu, Cồn, Hải Lộc; vùng trồng hoa, cây cảnh tại 20 làng nghề trồng hoa cây cảnh với tổng diện tích 541ha cho thu từ 200-250 triệu đồng/ha/năm... Việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa là cơ sở để Hải Hậu thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất trong những năm tới. Còn tại Nghĩa Hưng đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực như: vùng trồng cây dược liệu quy mô 230ha ở các xã: Nghĩa Thắng, Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông; vùng trồng lúa chất lượng cao tại tất cả các xã, thị trấn với diện tích 6.200ha; vùng trồng lúa đặc sản với diện tích 1.700ha tại các xã: Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi; vùng sản xuất cây cà chua tại Quỹ Nhất, Nam Điền; vùng sản xuất rau màu tại Nghĩa Phong, Nghĩa Thành; vùng trồng hoa cây cảnh tại Thị trấn Liễu Đề; vùng trồng ngô ngọt xuất khẩu tại Nghĩa Thắng... Huyện đã từng bước khắc phục tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún; hình thành các vùng sản xuất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi.

Sau khi dồn điền, đổi thửa, toàn tỉnh đã sớm hoàn thành việc lập các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ở cấp tỉnh và xã. Các huyện, thành phố trên cơ sở đặc điểm kinh tế, đất đai đã xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đã phát triển sản xuất hàng hóa tập trung “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng ổn định 150 cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích khoảng 6.500ha, trong đó có trên 800ha thực hiện các mô hình liên kết chuỗi giá trị; thay đổi căn bản từ khâu giống và áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa nên hiệu quả sản xuất tăng 7-10% so với trước đây. Cùng với việc phát triển các “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, tỉnh đang tích cực nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Đến nay có 193/209 xã, thị trấn đã quy hoạch được gần 1.800 vùng phát triển kinh tế trang trại tập trung. Toàn tỉnh hiện có 313 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí mới, giá trị sản lượng hàng hóa ước đạt gần 500 tỷ đồng/năm. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, ngao… tập trung ở các huyện ven biển với quy trình nuôi được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Có thể thấy, việc quy hoạch và phát triển nông nghiệp theo các vùng tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố phát huy lợi thế về nguồn nước, thủy lợi xây dựng các vùng chuyên canh lúa có năng suất, chất lượng cao, bố trí gọn vùng thuận lợi cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ các kỹ thuật mới. Hình thành vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung với các cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như khoai tây, cà chua, rau các loại. Vùng sản xuất lạc vụ xuân và hè thu, khoai tây thương phẩm vụ đông và khoai tây giống vụ xuân tập trung ở các xã vùng màu thuộc các huyện: Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản, Giao Thủy và các xã có vùng bãi bồi ven đê sông Hồng, sông Đào, sông Đáy. Vùng sản xuất rau chuyên canh tập trung ở các chân đất cao, pha cát thuộc các huyện phía bắc của tỉnh như Ý Yên, Vụ Bản… và chân ruộng cao, thịt nhẹ trồng 2 vụ lúa thuộc các huyện phía nam tỉnh như: Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường… Sản xuất rau an toàn áp dụng quy trình VietGap tập trung ở các xã có truyền thống làm rau màu và có nguồn nước tốt như Giao Phong (Giao Thủy); Hải Tây, Thịnh Long (Hải Hậu); Nam Dương, Nam Hoa (Nam Trực); Thành Lợi (Vụ Bản); Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… Trong chăn nuôi, điều chỉnh quy mô các đối tượng nuôi phù hợp với yêu cầu của thị trường; đến năm 2020 hình thành 146 vùng chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn (với cả hình thức trang trại công nghiệp và truyền thống) đối với các sản phẩm chủ lực là lợn, lợn sữa, gia cầm. Hình thành 31 vùng nuôi thủy sản tập trung với các đối tượng nuôi có lợi thế so sánh của từng địa phương như: ngao, cá bống bớp, tôm… Chú trọng phát triển các mô hình nuôi an toàn, bền vững, hướng xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực  phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Muốn xây dựng vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định, trong thời gian tới, tỉnh ta cần giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất… Đây là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa. Quan tâm xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản xuất khẩu để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nuôi, trồng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com