Nghĩa Hưng duy trì nghề chế biến cói

07:12, 21/12/2017

Huyện Nghĩa Hưng được bao bọc bởi ba con sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy, phía nam giáp Biển Đông. Ngoài ra, huyện còn có bến đò Mười thuận lợi sang vùng nguyên liệu cói của tỉnh Ninh Bình. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, cần cù chịu khó... từ nhiều năm trước, huyện Nghĩa Hưng đã phát triển mạnh nghề chế biến các sản phẩm từ nguyên liệu cói như: dệt chiếu; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói xuất khẩu... tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói tại Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu cói tại Doanh nghiệp Tư nhân Ánh Túy, xã Nghĩa Lợi.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong việc duy trì, phát triển nghề chế biến cói, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương; Trung tâm Dạy nghề công lập huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai có hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề để nhân rộng và phát triển nghề chế biến cói ra các xã thuần nông trong huyện. Đồng thời UBND huyện cũng thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác tư vấn, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến cói nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các làng nghề chế biến cói ở Nghĩa Hưng cũng chủ động áp dụng công nghệ sản xuất mới; không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế. Nhờ đó nghề chế biến cói ở Nghĩa Hưng vẫn được duy trì và phát triển mạnh phục vụ tiêu dùng nội địa (dệt chiếu) và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nghề dệt chiếu cói vẫn được duy trì và phát triển ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn. Sau một thời gian trầm lắng, một số hộ làm chiếu ở xã Nghĩa Trung như các anh: Đinh Văn Hiền, Đỗ Văn Nam, xóm 9, thôn Liêu Hải đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang dệt chiếu bằng máy. Anh Hiền là hộ đầu tiên ở thôn Liêu Hải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua 2 máy dệt chiếu. Mỗi ngày, cơ sở của anh Hiền sản xuất được khoảng 35-40 lá chiếu các loại. Cũng tương tự như xã Nghĩa Trung, xã Nghĩa Sơn có 5 hộ dệt chiếu bằng máy với 7 dàn dệt chiếu của các ông: Tương, Trí, Phong, Trường, Mạnh đều ở thôn Tân Liêu. Ông Nguyễn Văn Tương, xóm 9, thôn Tân Liêu có 2 dàn máy dệt chiếu cho biết: với tổng công suất mỗi ngày khoảng từ 70-80 lá chiếu/ngày, cơ sở của ông có 4-5 lao động chính với mức thu nhập bình quân 100 nghìn đồng/người/ngày. Với giá bán từ 90-150 nghìn đồng/đôi sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi lá chiếu chỉ cho lợi nhuận khoảng 10 nghìn đồng. Ngoài 3 lao động chính, cơ sở của ông còn tạo việc làm phụ (ghim đầu, xén, nhặt mối) cho 2 hộ (mỗi hộ từ 1-2 người) gia công tại nhà với thu nhập bình quân từ 60-80 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh nghề dệt chiếu cói, nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói cũng được phát triển mạnh ở các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng, Nghĩa Bình và lan rộng sang cả các xã trước đây vốn “trắng nghề” như: Nghĩa Đồng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng. Với mẫu mã phong phú, đa dạng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói của Nghĩa Hưng như: bình, giỏ, bị, thảm, túi… đã được xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cói phát triển đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương với mức thu nhập từ 70-150 nghìn đồng/người/ngày. Toàn huyện có 1 làng nghề đan cói xuất khẩu Đồng Nam, xã Nghĩa Lợi (đã được UBND tỉnh công nhận năm 2012) tạo việc làm cho trên 60 hộ (mỗi hộ có từ 1-2 lao động) tham gia sản xuất và 1 Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy. Doanh nghiệp vừa cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất trong làng nghề mỗi tháng xuất được từ 15-30 nghìn sản phẩm sang các nước: Mỹ, EU, Nhật Bản…; bình quân doanh thu một năm đạt trên 20 tỷ đồng. Không chỉ thế, Doanh nghiệp Ánh Túy còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động trong xã và các xã xung quanh như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Sơn, Nghĩa Đồng… nhận gia công sản phẩm với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài những sản phẩm đặt hàng theo mẫu, doanh nghiệp còn nhận bao tiêu nhiều loại sản phẩm thủ công do người dân tự đan theo kinh nghiệm truyền thống bởi khách hàng nước ngoài luôn ưa thích các sản phẩm thân thiện với môi trường, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống địa phương. Đơn cử như với sản phẩm bị cói tròn (đường kính 35cm, sâu 30cm) doanh nghiệp thu mua với giá từ 40-42 nghìn đồng/chiếc; với sản lượng từ 5-6 chiếc/người/ngày và chi phí nguyên liệu khoảng 5.000-6.000 đồng/chiếc, ngày công của người đan cói đạt từ 200 nghìn đồng trở lên. Ngoài Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng còn phát triển được khoảng chục cơ sở sản xuất chuyên nhận cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất ở các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Tân... Cơ sở đan cói xuất khẩu của bà Nguyễn Thị Hải, xóm 11, xã Nghĩa Lâm mỗi năm sản xuất được trên 20 nghìn mét thảm cói, trên 160 nghìn sản phẩm xuất khẩu là các loại: túi, làn, bì, hộp… tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày, lao động quen việc có thể đạt mức thu nhập đến 100 nghìn đồng/người/ngày. Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề đan cói đã được khôi phục, phát triển mạnh ở các đội 9, 10, 11, 12 và lan ra toàn xã Nghĩa Bình với khoảng 300 lao động tham gia. Anh Phạm Văn Hợi, đội 10 cho biết: Đan cói là nghề dễ học, dễ làm; người bình thường chỉ học từ 5-7 ngày là làm thành thạo. Nguyên liệu, mẫu mã và sản phẩm làm ra được một số đại lý ở các xã Nghĩa Phong, Nghĩa Thắng cung ứng tận nơi với hình thức khoán sản phẩm. Bình thường, một lao động một ngày có thể sản xuất được từ 4-5 sản phẩm, thu nhập bình quân đạt từ 150-180 nghìn đồng/ngày. Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ cói của chị Vũ Thị Tịnh ở xóm 1, xã Nghĩa Tân tạo việc làm ổn định cho hơn 70 lao động với thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày. Các sản phẩm cói xuất khẩu của các cơ sở này đều được Doanh nghiệp tư nhân Ánh Túy ở xã Nghĩa Lợi và đại lý Tiến Hải ở xã Nghĩa Lâm thu mua để tiêu thụ. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, để phát triển bền vững, nghề chế biến cói của huyện Nghĩa Hưng vẫn còn một số hạn chế như: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu mối chỉ dừng ở quy mô nhỏ, lẻ manh mún; nguồn nguyên liệu cói tại chỗ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn phải xuất khẩu ủy thác, ký gửi qua trung gian nên giá trị ngày công của người lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn thấp... Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút và tạo việc làm cho người lao động đảm bảo ngành công nghiệp chế biến cói của huyện phát triển hiệu quả./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com