Hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở Trực Ninh

08:12, 18/12/2017

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang góp phần đổi thay tích cực diện mạo nông thôn của huyện Trực Ninh. Kết quả này khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khơi dậy sự đồng lòng của người dân.

Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh, thu hút nhiều lao động, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cty TNHH Giầy Amara Việt Nam đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Trực Ninh, thu hút nhiều lao động, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng NTM và trở thành huyện NTM trong năm 2017, ngày 6-7-2016, Huyện ủy Trực Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HU (NQ 05) về việc “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020”. Yêu cầu mục tiêu đặt ra khi xây dựng và ban hành nghị quyết là phải làm rõ tình hình thực tiễn cũng như những khó khăn, thuận lợi, đề ra giải pháp lãnh đạo, triển khai thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng, không chung chung, né tránh những việc khó. Theo đó, đánh giá kết quả giai đoạn 2011-2015, NQ 05 đã khẳng định, Chương trình xây dựng NTM của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã có 15 xã, thị trấn (71% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn huyện) được công nhận đạt chuẩn NTM; diện mạo NTM của huyện ngày càng thay đổi rõ rệt; kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, NQ 05 cũng chỉ rõ việc xây dựng NTM trên địa bàn vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Trong đó, kết quả thực hiện xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Chất lượng một số tiêu chí chưa thật sự bền vững. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm. Kinh tế nông nghiệp phát triển không ổn định; tỷ trọng nông sản hàng hóa, hiệu quả sản xuất chưa cao, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ít mô hình liên kết chuỗi giá trị. Một số xã chưa chủ động tạo nguồn lực xây dựng NTM, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, nợ xây dựng cơ bản còn cao. Quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số nơi chưa được thực hiện tốt. NQ 05 cũng chỉ ra nguyên nhân chính của những hạn chế đó là nhận thức, trình độ, năng lực, ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên và người dân về Chương trình xây dựng NTM chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo; chưa năng động, sáng tạo nên chưa khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng trong xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM ở một số địa phương chưa liên tục và sâu rộng.

Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn và các mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo, Huyện ủy Trực Ninh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Giao nhiệm vụ cho UBND huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và chỉ đạo các ngành chức năng, nhiệm vụ triển khai NQ 05. Cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện có hiệu quả NQ 05 trong phạm vi địa phương, đơn vị. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng NTM”. Huyện xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia cao nhất của các tầng lớp nhân dân. Gắn kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của đơn vị. Đề cao sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp và của cả hệ thống chính trị; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong xây dựng NTM, nhất là đối với các xã chưa đạt chuẩn NTM; đồng thời tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã, thị trấn đã đạt chuẩn NTM. Không ngừng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, toàn diện, hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm của BCH Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020 về: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; nâng cao chất lượng GD và ĐT; tái cơ cấu và xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt; tăng cường các biện pháp thu gom, xử lý rác thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường… Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tốt khiếu nại tố cáo, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tích cực huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; tăng cường học tập nhân rộng các mô hình hay, các điển hình tiên tiến; khen thưởng, biểu dương kịp thời những đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiền, Bí thư Huyện ủy Trực Ninh cho biết: Để phát huy vai trò lãnh đạo, theo dõi, đôn đốc, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công cụ thể nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách cho từng cá nhân. Cụ thể là các đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách 4 miền; các đồng chí Huyện ủy viên phụ trách các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQ 05. Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì phối hợp với các Ban xây dựng Đảng theo dõi, đánh giá việc thực hiện nghị quyết đối với người đứng đầu các cấp, các ngành thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện, Văn phòng Huyện ủy theo dõi và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện nghị quyết, thường xuyên báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy.

UBND huyện Trực Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện; xác định lộ trình xây dựng NTM phù hợp với từng địa phương. Đặc biệt đối với 6 xã chưa đạt chuẩn NTM giai đoạn trước là Phương Định, Liêm Hải, Trực Tuấn, Trực Khang, Trực Thuận và Trực Cường, huyện lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm của các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương rà soát, đánh giá, phân loại theo mức độ thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các tiêu chí để có giải pháp thực hiện cụ thể với từng xã. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công chức phụ trách từng tiêu chí; coi đây là những tiêu chí kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức. UBND huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của cộng đồng trong xây dựng NTM. UBND các xã, thị trấn phối hợp với các ngành của huyện thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá các tiêu chí NTM; có giải pháp nâng cao các tiêu chí đã đạt được; đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt, tiêu chí còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, 21/21 xã, thị trấn của huyện Trực Ninh được công nhận đạt chuẩn NTM; qua thẩm định của tỉnh huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, kinh tế nông thôn phát triển khá; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện; an ninh xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện tốt, hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn; trình độ sản xuất và đời sống của nông dân được nâng cao, các hoạt động văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy… Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha canh tác tăng từ 75,01 triệu đồng (năm 2010) lên 105,8 triệu đồng (năm 2016). Đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ nông sản quy mô lớn và hiệu quả kinh tế cao như: Cty TNHH Cường Tân sản xuất giống lúa lai F1; Cty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch BT7; Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh sản xuất rau sạch. Huyện đã quy hoạch 20 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại 16 xã, thị trấn. Một số vùng đã đi vào sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao như: vùng trồng hoa, cây cảnh ở Cổ Lễ, Trực Thắng; vùng nuôi trồng thủy sản ở các xã Trực Chính, Trực Khang; vùng trồng rau sạch, rau hữu cơ tại xã Trực Hùng… Giá trị sản xuất CN-TTCN tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 11,42%/năm, năm 2016 đạt 3.722 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu 568 tỷ đồng. Huyện đã xúc tiến đầu tư, thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất như: Cty CP May 9, Tổng Cty May Nhà Bè, Cty Giầy Amara Việt Nam (Đài Loan), Cty May Shin Myung First Vina (Hàn Quốc)… Tổng vốn đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2010-2016 đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 60 triệu USD (tương đương 1.240 tỷ đồng). Các làng nghề nông thôn phát triển, một số ngành nghề được khôi phục góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Trong 7 năm huyện thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Toàn huyện đã huy động được 10 tập thể, 320 cá nhân ủng hộ các xã, thị trấn với tổng kinh phí 174 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; một số xã làm tốt là Trực Nội, Cát Thành, Trực Cường, Trực Đạo… Điển hình như ông Nguyễn Đức Cử (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt) ủng hộ xã Trực Nội 16 tỷ đồng; ông Phạm Văn Ngọ, Thị trấn Cát Thành ủng hộ thị trấn 9,4 tỷ đồng; ông Trần Văn Huyên, Hà Kim Mạnh xã Trực Cường ủng hộ xã Trực Cường 11,2 tỷ đồng… để xây dựng trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ, đường giao thông thôn, xóm… Ông Trần Văn Vinh xã Trực Tuấn hiến trên 1.900m2 đất nông nghiệp; ông Vũ Văn Điển xã Trực Mỹ hiến 328m2 đất thổ cư làm đường giao thông nông thôn.

Với việc phát huy tốt vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, ban hành nghị quyết sát, đúng với thực tiễn địa phương, Trực Ninh đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh, Bộ NN và PTNT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2017./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com