Tăng cường phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong xử lý các vấn đề môi trường

07:12, 14/12/2017

Trong điều kiện phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh đã kéo theo tình trạng nhiều vấn đề ô nhiễm còn tồn tại kéo dài, phát sinh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng cục bộ tại một địa phương mà còn tác động tiêu cực ở quy mô liên tỉnh, liên vùng. Trước thực trạng đó, thay vì độc lập triển khai các hoạt động trong phạm vi địa phương mình, thời gian gần đây, xu hướng phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong thực hiện công tác quản lý về BVMT cho thấy là hữu hiệu. Tuy nhiên quá trình phối hợp đã bộc lộ những bất cập cần quan tâm khắc phục mới ngăn chặn, hạn chế các vi phạm pháp luật BVMT cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xử lý bùn thải tại Nhà máy xử lý nước thải KCN Bảo Minh (Vụ Bản).
Xử lý bùn thải tại Nhà máy xử lý nước thải KCN Bảo Minh (Vụ Bản).

Trong 9 năm qua, tỉnh ta cùng các tỉnh, thành phố: Hoà Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình đã phối hợp liên tỉnh, liên vùng thực hiện công tác BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy nhưng trên toàn lưu vực vẫn tồn tại nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường với phạm vi ảnh hưởng liên tỉnh. Trong đó, có thể kể đến tình trạng nước thải sinh hoạt, công nghiệp và làng nghề của Thành phố Hà Nội đổ vào sông Nhuệ và sông Ðáy gây ảnh hưởng đặc biệt đến các tỉnh hạ lưu, trong đó có tỉnh ta; đặc biệt địa phương chịu tác động nặng là tỉnh Hà Nam. Sông Sắt trên địa bàn tỉnh ta tiếp nhận nước thải sinh hoạt và sản xuất từ lưu vực sông Nhuệ và sông Ðáy đến nay đã được ngành TN và MT xác nhận tình trạng ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực cho địa bàn các xã Minh Thuận, Minh Tân, Tân Khánh, Kim Thái và Tam Thanh (Vụ Bản). Từ những năm trước, khi người dân liên tục kiến nghị về tình trạng cá tự nhiên trên sông Sắt bị chết hàng loạt, ngành TN và MT đã phối hợp với địa phương khảo sát môi trường sông Sắt và lấy mẫu phân tích chất lượng nước sông. Kết quả cho thấy một số thông số gồm hàm lượng ô-xy hóa học, hàm lượng ô-xy sinh học, chất rắn lơ lửng, chỉ tiêu vi khuẩn Coliform vượt quy chuẩn cho phép. Kết quả xét nghiệm nhanh của Trung tâm Y tế huyện Vụ Bản tại thời điểm giữa tháng 7-2017 còn cho thấy nguồn nước sông Sắt bị nhiễm bẩn cao do: hàm lượng chất NO2 cao hơn mức cho phép và hàm lượng chất NO3 đã chạm ngưỡng chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Qua kiểm tra, phân tích chất lượng nguồn nước, trong những năm gần đây cho thấy các nhà máy, xí nghiệp kinh doanh cung ứng nước sạch lấy nguồn từ sông Sắt, trong đó có Nhà máy Nước sạch Vụ Bản đều có nguồn nước đầu vào bị nhiễm bẩn cao. Tình trạng này đã khiến các doanh nghiệp cung ứng nước phải tốn nhiều chi phí cho việc làm trong và khử trùng nhưng vẫn không bảo đảm chất lượng nước thành phẩm đạt chuẩn khi cung ứng, khiến cho người dân rất bức xúc. Ðể khắc phục tình trạng này Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Ðịnh đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương cho phép được khảo sát, nghiên cứu lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng công trình nước thô mới cho Nhà máy Nước sạch Vụ Bản (nguồn nước lấy từ sông Ðào) thay cho nguồn nước lấy từ sông Sắt, tổng mức đầu tư trên 90 tỷ đồng... Hay tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải, nước thải của Cty TNHH một thành viên Ðạm Ninh Bình, KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình) gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân các xã Yên Nhân, Yên Bằng, Yên Quang, Yên Khang, Yên Trị, Yên Ðồng (Ý Yên). Trong đó, theo phản ánh của các hộ dân làng chài Phong Doanh, xã Yên Nhân, trước kia, khi Cty TNHH một thành viên Ðạm Ninh Bình chưa đi vào hoạt động, nghề khai thác cá tôm của người dân tại sông Ðáy (là con sông chính của lưu vực sông Nhuệ - Ðáy) đạt sản lượng khá cao trong suốt cả năm. Tháng 3 đánh bắt cá mòi, tháng 4 đánh bắt cá đối, tháng 7 là mùa thu hoạch cá lành canh, từ tháng 9 heo may bắt đầu mùa thu hoạch cua ra... Tuy nhiên, từ khi nước sông Ðáy chịu nhiều tác động tiêu cực do việc xả thải của Cty TNHH một thành viên Ðạm Ninh Bình, sản lượng đánh bắt giảm sút mạnh do cua, cá trên sông đã bị chết hết. Hiện nay, đang là mùa cua ra, nhưng may mắn lắm từ sáng tới đêm mới đánh bắt được một, hai con trong khi trước kia mỗi nhà bình quân đánh bắt được 10 đến 20kg cua ra/ngày đêm. Thu nhập của người dân làng chài Phong Danh vì thế cũng èo uột, giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống lênh đênh sông nước vốn đã vất vả giờ càng khó khăn hơn. Tại Hội nghị lần thứ 9 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Ðáy tổ chức tại tỉnh ta hồi cuối tháng 11 vừa qua, các địa phương đều chỉ ra nguyên nhân tồn tại là do: công tác trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vấn đề nổi cộm về ô nhiễm môi trường giữa các địa phương; giữa địa phương và Trung ương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mối quan hệ liên tỉnh và liên vùng còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng; các địa phương chưa chủ động, tự giác nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường theo hướng tổng thể, hầu như mới độc lập triển khai các hoạt động quản lý công tác BVMT trong phạm vi địa phương mình.

Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh, liên vùng đang tồn tại trong lưu vực sông Nhuệ - sông Ðáy, bên cạnh việc chủ động giải quyết các bất cập tại địa phương, các tỉnh trong lưu vực đã thống nhất tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp như chương trình liên tịch về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước tại các điểm nóng. Các tỉnh cũng thống nhất phương án về lâu dài cần thiết lập, thực hiện các thể chế, chính sách phối hợp mang tính pháp lý. Tại các địa phương đã ký kết các chương trình phối hợp liên tỉnh, liên vùng cần phải rà soát xuyên suốt những cam kết, từ đó, có phân vai, phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành, các cấp có liên quan trong thực hiện trách nhiệm phối hợp quản lý, BVMT; giám sát các hoạt động có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và ở quy mô cả vùng; cung cấp, trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất có xả thải dọc ranh giới liên tỉnh, liên vùng. Ðặc biệt, lực lượng cán bộ hai ngành TN và MT, Công an của các tỉnh cần tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT. Các tỉnh và trên cả vùng cần xây dựng, thực hiện cơ chế hợp tác trong trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu vi phạm pháp luật về BVMT có nguy cơ tác động tiêu cực ở phạm vi liên tỉnh, liên vùng. Khi tổ chức kiểm tra công tác BVMT các địa phương cần tăng cường mời đại diện cấp, ngành liên quan của các tỉnh giáp ranh, liên vùng phối hợp tham gia; sau khi kết thúc công tác kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND các tỉnh biết để cùng kịp thời chỉ đạo, xử lý dứt điểm theo hướng đồng bộ, liên vùng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com