Thực hiện Thông tư 04 về hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân - Những vướng mắc cần tháo gỡ

07:10, 20/10/2016

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 41 Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đang hoạt động. Tính đến hết tháng 9-2016, tổng số vốn huy động tiền gửi của các quỹ TDND là gần 2.216 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nằm trong giới hạn cho phép. Hết năm 2015, tất cả các quỹ TDND đều kinh doanh có lãi. Những năm qua, hệ thống quỹ TDND trên địa bàn đã đảm bảo nguyên tắc “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm” về kết quả hoạt động; bám sát tôn chỉ “tương trợ giữa các thành viên”; đồng thời thực hiện có hiệu quả hoạt động tiếp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa bàn hoạt động.

Thực hiện Thông tư 04, Quỹ tín dụng nhân dân xã Nam Thanh (Nam Trực) ngày càng hoạt động hiệu quả.
Thực hiện Thông tư 04, Quỹ tín dụng nhân dân xã Nam Thanh (Nam Trực) ngày càng hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, những khó khăn chung của nền kinh tế thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các quỹ TDND. Để xác lập hành lang pháp lý an toàn cho các quỹ TDND hoạt động phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và tạo sự liên kết chặt chẽ về vốn đối với các thành viên trong tổ chức tín dụng này, ngày 31-3-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-NHNN quy định về quỹ TDND. Theo đó, Thông tư 04 có một số nội dung mới đối với hoạt động của quỹ TDND như: Quỹ TDND hoạt động trong địa bàn một xã, phường, thị trấn; địa bàn hoạt động liên xã của quỹ TDND phải là các xã liền kề với xã nơi quỹ đặt trụ sở; tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của quỹ TDND tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ TDND. Tổng mức cho vay của quỹ TDND đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi... Thông tư cũng quy định tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên không được vượt quá 10% vốn điều lệ của quỹ TDND tại thời điểm góp vốn... Theo đánh giá của ngành chức năng, việc thay đổi các nội dung hoạt động theo Thông tư 04 đã giúp cho các quỹ TDND hoạt động ổn định và đúng tôn chỉ mục đích hơn. Bên cạnh đó, việc chuyển tiếp đồng thời nhiều nội dung hoạt động cũng là dịp để các quỹ TDND phải củng cố, kiện toàn lại đội ngũ; đồng thời tăng cường công tác quản trị điều hành, rà soát lại các nội dung hoạt động tại quỹ mình nhằm hạn chế các rủi ro trong quá trình hoạt động. Đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết, không quá khó để chuyển tiếp những nội dung hoạt động hiện tại của các quỹ TDND phù hợp theo quy định của Thông tư 04. Theo đó, các quỹ TDND căn cứ vào thực tế hoạt động của quỹ theo từng nội dung chuyển tiếp sẽ xây dựng lộ trình phù hợp với đặc điểm hoạt động của quỹ để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần thông tư, nhưng vẫn duy trì tốt hoạt động của mình. Phương án thực hiện này được gửi về Chi nhánh NHNN tỉnh xem xét phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, các quỹ báo cáo kết quả và những khó khăn vướng mắc để có chỉ đạo kịp thời. Để hỗ trợ các quỹ TDND trong triển khai thực hiện, Chi nhánh NHNN tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai và hướng dẫn các quỹ thực hiện Thông tư 04. Phân công cán bộ tham gia trực tiếp với các quỹ trong xây dựng và triển khai thực hiện phương án để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên tính đến đầu tháng 9-2016, việc thực hiện chuyển đổi theo quy định của Thông tư 04 ở một số quỹ TDND vẫn chưa được hoàn thành. Cụ thể, trong số 15 quỹ TDND có hoạt động liên xã vẫn còn Quỹ TDND Thiên Trường (TP Nam Định) hoạt động trên địa bàn liên phường nhưng các phường không nằm liền kề với phường nơi quỹ đặt trụ sở. Vẫn còn 2 quỹ là Quỹ TDND Thiên Trường và Phương Định (Trực Ninh) có 106 thành viên không thường trú tại địa bàn quỹ hoạt động. Các Quỹ TDND Hoành Sơn (Giao Thủy), Xuân Tân (Xuân Trường) và Phương Định có số tiền góp vốn vượt quá 10% vốn điều lệ theo quy định, với tổng số tiền là 468 triệu đồng. Còn 6 quỹ, bao gồm: Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Đại An (Vụ Bản), Trực Đại, Trực Hùng (Trực Ninh) và Thiên Trường huy động tiền gửi trong thành viên tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ… Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Phó trưởng Phòng Thanh tra - Giám sát (Chi nhánh NHNN tỉnh) cho biết: Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các quỹ TDND bảo đảm theo đúng lộ trình đề ra, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các quỹ khắc phục những khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt Thông tư 04. Chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thành viên trên địa bàn về hoạt động của quỹ TDND; đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương hỗ trợ quỹ trong công tác thu hồi nợ, xử lý nợ xấu…

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số quỹ TDND cũng cho rằng: Một số quy định cụ thể của Thông tư này đang khiến hoạt động của quỹ TDND gặp khó khăn, nhất là trong công tác huy động vốn, địa bàn hoạt động, điều kiện xác lập tư cách thành viên… Đồng chí Bùi Văn Hường, Giám đốc Quỹ TDND Trung Đông (Trực Ninh) cho biết: Theo quy định tại Thông tư 04, điều kiện để trở thành thành viên quỹ TDND là phải có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ. Mặt khác, theo Điều 36 quy định về huy động vốn thì Quỹ TDND Trung Đông hoạt động trên địa bàn 1 xã thì tỷ lệ huy động vốn của thành viên phải đạt 50%... Tuy nhiên trên thực tế khi xã đẩy mạnh thu hút đầu tư, cho thuê đất, nhiều người chỉ đến địa bàn xã sản xuất, kinh doanh. Họ có năng lực tài chính, có nguyện vọng tham gia vì mô hình tài chính tín dụng này phù hợp với nhu cầu của họ. Nhưng do không phải là người dân địa phương nên không thể xác lập tư cách thành viên, không thể vay vốn hoặc gửi tiền tại quỹ. Điều này hạn chế khả năng huy động vốn cho hoạt động của quỹ, nhiều người đủ điều kiện về hộ tịch lại không có vốn hoặc không có nhu cầu vay, và ngược lại. Còn đồng chí Trần Thị Phúc, Giám đốc Quỹ TDND Thiên Trường nêu khó khăn: Hiện quỹ đang hoạt động trên địa bàn 10 phường của Thành phố Nam Định, trong đó có một số phường không liền kề với phường Nguyễn Du - là nơi quỹ đặt trụ sở. Theo quy định của Thông tư 04 là chưa đúng, tuy nhiên từ khi thành lập đến nay quỹ vẫn hoạt động bình thường và được Chi nhánh NHNN tỉnh đánh giá tốt. Vì vậy nếu áp dụng cứng nhắc thực hiện theo Thông tư thì quỹ sẽ rất khó thực hiện và gây khó khăn cho hoạt động của quỹ. Mặt khác, việc quy định mức vốn góp xác lập tư cách thành viên cũng là một trong những “rào cản” đối với hoạt động của các quỹ TDND. Trước đây chỉ có 50 nghìn đồng, nay tối thiểu phải là 300 nghìn đồng, tiếp đó mức vốn góp thường niên tối thiểu là 100 nghìn đồng/năm tài chính đã gây khó cho quỹ và cả khách hàng. Bởi cùng số tiền đó, nếu đem gửi ở các ngân hàng thương mại khác sẽ không phải đóng góp bất cứ khoản phí nào mà lãi suất có thể bằng hoặc cao hơn gửi tại quỹ TDND.

Không thể phủ nhận những tác động tích cực do Thông tư 04 trong việc giúp củng cố hệ thống quỹ TDND hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo an toàn vốn cho cả người gửi và người đi vay. Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế cũng cần được ngành chức năng xem xét một cách thỏa đáng để có phương án giải quyết thấu đáo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các quỹ TDND hoạt động một cách tích cực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com