Tăng cường quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

08:10, 18/10/2016

Thời gian gần đây, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã trở thành vấn đề “nóng” không chỉ riêng trong ngành chăn nuôi mà đã trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

Chất cấm trong chăn nuôi còn được gọi là chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-agonist với 3 chất tiêu biểu là Clenbuterol; Salbutamol và Ractoppamine - đây là các chất đứng đầu bảng của danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Nhóm hóa chất này theo các nhà khoa học sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người nếu ăn phải thịt của vật nuôi bị sử dụng nhiều chất cấm. Nhận thức rõ mức độ nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, UBND tỉnh đã giao Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt những nguy hại của việc sử dụng chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol…) trong chăn nuôi đối với sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính các đối tượng vi phạm. Đặc biệt cần chỉ rõ hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là phi đạo đức, phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay. Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra tồn dư kháng sinh và việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol tại các cơ sở sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; các trang trại, gia trại, các cơ sở giết mổ, các cơ sở kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm… Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đảm bảo người dân được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn. Sở NN và PTNT đã phát động phong trào ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có 7.751 hộ chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi thuộc 210 xã, thị trấn ký cam kết.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cho hộ chăn nuôi xã Trực Nội (Trực Ninh).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tuyên truyền tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cho hộ chăn nuôi xã Trực Nội (Trực Ninh).

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Đoàn đã tiến hành kiểm tra 297 cơ sở (trong đó có 162 cơ sở chăn nuôi, 53 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, 82 cơ sở giết mổ lợn), lấy 311 mẫu, sử dụng 411 test kiểm tra nhanh để phát hiện chất cấm. Kết quả, trong ngày 12-5-2016, kiểm tra tại huyện Giao Thủy và phát hiện 2 mẫu nước tiểu của lợn ở 2 hộ chăn nuôi là ông Phạm Văn Sỹ, xóm 17, xã Hoành Sơn và ông Lưu Quang Tài thôn Lâm Đình, xã Giao Phong có phản ứng dương tính với Salbutamol. Chi cục đã gửi mẫu xét nghiệm tới Trung tâm Kiểm tra vệ sinh Thú y Trung ương I (Hà Nội), kết quả xét nghiệm đều dương tính với Salbutamol và vượt ngưỡng cho phép. Cả 2 hộ chăn nuôi đều sử dụng thức ăn chăn nuôi của Cty CP Thức ăn chăn nuôi Hưng Thịnh có địa chỉ tại thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản). Chi cục cũng lấy 2 mẫu thức ăn chăn nuôi của nhà cung cấp cho 2 hộ chăn nuôi này gửi đi kiểm tra, kết quả trong mẫu thức ăn chăn nuôi có chứa Salbutamol. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở NN và PTNT, đồng thời tham mưu biện pháp xử phạt hành chính Cty CP Thức ăn chăn nuôi Hưng Thịnh theo quy định của pháp luật. Đến ngày 17-6-2016, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty này với mức phạt 140 triệu đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với Cty trong thời gian 1 tháng. Buộc Cty thu hồi toàn bộ lô thức ăn chăn nuôi còn lại (1.375kg) tại 2 hộ chăn nuôi Cty đã cung ứng và tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của Hội đồng tiêu hủy. Qua đây cũng cho thấy vẫn còn có hộ chăn nuôi, doanh nghiệp thiếu hiểu biết đã sử dụng, sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành chăn nuôi.

Với quyết tâm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, xa khu dân cư. Chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng các chất cấm luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra còn mỏng; cơ sở vật chất chưa đầy đủ, nhất là thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm mẫu chưa có phòng xét nghiệm các mẫu phẩm, trong khi đó chi phí gửi các mẫu xét nghiệm lại khá cao nên không đảm bảo tính kịp thời trong công tác đấu tranh ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cản trở lớn nhất là hiện tỉnh vẫn chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, hoạt động giết mổ chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ nên công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và lấy mẫu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nhận thức của các chủ hộ chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y về chất cấm sử dụng trong chăn nuôi còn rất nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra việc sử dụng kháng sinh, các loại chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, Chi cục sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về điều kiện sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là chất Salbutamol, chất Vàng ô đối với sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức, hành động của chủ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chủ cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; các cấp, các ngành và của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sẽ nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi. Qua đó, không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại địa phương mà còn khẳng định và xây dựng được uy tín thị trường, tạo đà để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com