Khắc phục tình trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn không đảm bảo chất lượng

07:10, 20/10/2016
Vừa qua, tại các cuộc họp của các chi bộ trong Đảng bộ xã cũng như của HĐND xã và trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân Thị trấn Gôi (Vụ Bản) liên tục phản ánh, kiến nghị về chất lượng nguồn nước sinh hoạt do Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản cấp đến hộ tiêu dùng không sạch. Nhiều lúc xả nước ra chậu, nước đục đến nỗi không nhìn thấy đáy. Thấy nước có những hiện tượng như vậy các hộ dân không dám dùng cho ăn uống, chỉ sử dụng để giặt giũ, vệ sinh. Không riêng các hộ dân ở Thị trấn Gôi, người dân ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh cũng liên tiếp phản ánh chất lượng nước máy cấp đến hộ dân của các trạm cấp nước xã, thôn, HTX chưa được bảo đảm thường xuyên. Nhiều người dân đặc biệt bức xúc bởi trước đây họ tự ý khoan giếng, khai thác nước ngầm để sử dụng ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm chung, chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn, nay họ phải trả phí để mua nước sạch nhưng chất lượng nước do các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nước sạch cung cấp cũng chưa đạt chuẩn, hợp vệ sinh như quy định. 
 
Theo Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản thì phản ánh của người dân là đúng với thực tế nhưng chất lượng nước không đảm bảo là do khách quan. Để bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp, hằng năm, Xí nghiệp luôn chủ động bố trí hợp lý nguồn kinh phí để thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc sản xuất, cấp nước đảm bảo đạt chuẩn quy định QCVN 01:20009/BYT của Bộ Y tế tại đầu nguồn cấp nước của Xí nghiệp đến các hộ dân. Tuy nhiên, quá trình nước từ nguồn cấp tại Xí nghiệp đến các hộ gia đình lại không đảm bảo quy chuẩn do hệ thống đường ống nước cơ bản được đầu tư, sử dụng trong nhiều năm, chất lượng đường ống đã xuống cấp, hư hỏng. Theo Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Nam Định (Sở NN và PTNT): ngoài nguyên nhân hệ thống đường ống cấp nước cũ, xuống cấp, rò rỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch cung cấp cho người dân do sự ô nhiễm ngược trên mạng lưới đường ống dẫn nước tương tự như của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản, thì việc quản lý, vận hành khai thác công trình và việc đảm bảo chất lượng nước cấp ở một số công trình cấp nước do UBND xã, HTX quản lý vẫn chưa được coi trọng. Một số cơ sở cung cấp nước sạch sử dụng công nghệ xử lý nước cũ, lạc hậu, chất lượng nước không bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định. Nhiều nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung chưa thực hiện nghiêm túc chế độ tự kiểm tra chất lượng nước theo quy định. Kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ cho thấy tại nhiều trạm cấp nước khu vực nông thôn chưa đạt tiêu chuẩn lượng nước về một số chỉ tiêu như nồng độ Clo dư, pH, độ đục, amoni, nitrit, pecmanganat, asen, E.coli, coliform. Theo kết quả phân tích chất lượng nước tháng 8-2016 của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn: còn 19 trạm cấp nước xã, thôn, HTX thuộc các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Vụ Bản, Ý Yên có mẫu nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành. Mới đây, theo kết quả phân tích chất lượng nước tháng 9-2016 cũng của Trung tâm, dù đã tích cực nâng cao chất lượng nước cấp đến các hộ dân nhưng tại các địa phương vẫn tiếp tục còn trạm cấp nước có mẫu nước không đạt chuẩn chất lượng do Bộ Y tế ban hành (?).
Nhân viên Nhà máy nước Liêm Hải (Trực Ninh) vận hành thiết bị cung cấp nước.
Nhân viên Nhà máy nước Liêm Hải (Trực Ninh) vận hành thiết bị cung cấp nước.
Nhằm khẩn trương khắc phục tình trạng chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn của các nhà máy, trạm cấp nước, đặc biệt là trạm cấp nước có chỉ tiêu vi sinh không đạt theo quy định, theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 629/KH-SNN ngày 5-9-2016 về triển khai thực hiện công tác theo dõi, đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh năm 2016. Để công tác theo dõi, đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn đạt kết quả tốt, UBND các huyện đều đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn, Phòng NN và PTNT các huyện chủ động phối hợp với Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Nam Định thực hiện việc thu thập số liệu, cập nhật đầy đủ, chính xác và tổng hợp kết quả theo dõi, đánh giá các chỉ số nước sạch, VSMT nông thôn tại địa bàn xã, thị trấn. Các ngành và các địa phương yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung phải nghiêm túc chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung để công trình hoạt động ổn định, bền vững đảm bảo chất lượng nước cấp cho người sử dụng theo đúng quy định; thực hiện định kỳ việc duy tu, bảo dưỡng công trình; kiểm tra phát hiện và sửa chữa, khắc phục kịp thời đối với hạng mục công trình bị hư hỏng, đảm bảo công trình hoạt động liên tục, không bị gián đoạn. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến chất lượng nước nguồn, kết hợp với việc tự kiểm tra nhanh chất lượng nước sau xử lý để từ đó điều chỉnh hàm lượng hóa chất xử lý nước sử dụng cho phù hợp để bảo đảm chất lượng nước theo quy định. Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn thực hiện việc lấy mẫu nước, kiểm tra, phân tích chất lượng nước các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung theo định kỳ 1 lần/tháng. Thông qua việc lấy mẫu nước, kiểm tra, phân tích chất lượng nước, cán bộ kỹ thuật Trung tâm sẽ trực tiếp tư vấn cho cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành của các đơn vị quản lý công trình sử dụng hóa chất xử lý nước hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước. Trường hợp đơn vị cấp nước cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng theo quy định cho người sử dụng, sẽ bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng/lần vi phạm (theo quy định tại khoản 3, Điều 45 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 của Chính phủ). Để giải quyết triệt để vấn đề này, về lâu dài, các ngành chức năng, các địa phương phải thực sự vào cuộc, nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý, tăng cường quan tâm và bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất chất lượng nước của các cơ sở, nhà máy cấp nước sạch theo tiêu chí mà Bộ Y tế quy định. Đồng thời phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định, có phương án thải loại, thay thế các đơn vị cấp nước cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng theo quy định cho người sử dụng. Về phía người dân, cần quan tâm thường xuyên tự kiểm tra đánh giá chất chất lượng nước đang sử dụng; kịp thời kiến nghị, phản ánh để ngành chức năng, các địa phương sớm nắm bắt và xử lý khắc phục các bất cập trong hoạt động kinh doanh, cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh. Đồng thời, phải chủ động bảo đảm các điều kiện an toàn, hợp vệ sinh trong quá trình bảo quản, trữ nước sử dụng tại hộ gia đình./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thúy


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com