Tăng cường quản lý ngăn chặn nhập khẩu "rác" công nghệ

07:10, 20/10/2016

Chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với quản lý Nhà nước trong việc thẩm định các dự án công nghệ và tích cực hỗ trợ đổi mới công nghệ ngày càng cấp thiết để hạn chế tối đa tình trạng nhập khẩu các công nghệ đã quá lạc hậu, hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Cty CP Thái Việt đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất xe máy điện, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Cty CP Thái Việt đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất xe máy điện, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, chất lượng công nghệ của tỉnh ta hiện nay đang ở mức độ thấp. Trong tổng số hơn 6.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 99%, cùng hàng chục nghìn hộ sản xuất, kinh doanh cá thể với công nghệ sản xuất lạc hậu. Tỷ lệ máy móc thiết bị sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu trong các doanh nghiệp chiếm gần 80%, có những công nghệ, dây chuyền thiết bị nhập từ Trung Quốc đã lạc hậu so với thế giới từ 3-5 thế hệ. Thậm chí một số cơ sở còn tận dụng các thiết bị đã hết khấu hao của doanh nghiệp thanh lý để đưa vào sản xuất… Trong đó, ngành công nghiệp dệt, may của tỉnh được coi là chủ lực chỉ có công nghệ khâu nhuộm hoàn tất sản phẩm được đánh giá là tiên tiến. Ngành sản xuất cơ khí chủ yếu là thiết bị bán tự động, trang thiết bị và hệ số thời gian sử dụng ở mức thấp; độ tinh xảo của thiết bị không cao nên chủ yếu vẫn cho “ra lò” những sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Lĩnh vực hóa dược được đánh giá đạt mức trung bình của cả nước; hầu hết các dây chuyền sản xuất được tự động hóa cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATVSTP. Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng quá trình đổi mới công nghệ vẫn chậm, chưa đáp ứng được kế hoạch đặt ra… Đặc biệt các doanh nghiệp dệt, cơ khí ở các làng nghề truyền thống tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu vẫn chậm đổi mới công nghệ, thiết bị, chỉ thêm phần động cơ thay cho sức người. Tình trạng công nghệ, thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc lãng phí năng lượng, tăng chi phí đầu tư mà sản phẩm vẫn không có tính cạnh tranh… Do đó nhu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp rất lớn. Song do quy mô sản xuất nhỏ, tiềm năng kinh tế của các doanh nghiệp hạn hẹp và hầu hết các doanh nghiệp không có quỹ đầu tư phát triển công nghệ nên dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy nhập “rác” công nghệ. Trước thực trạng này, ngày 9-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2016/QĐ-UBND quy định về quản lý công nghệ và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển và ngăn chặn việc nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn, môi trường, tránh nguy cơ biến địa phương trở thành bãi thải công nghệ nước ngoài. Theo đó, toàn bộ hoạt động liên quan đến công nghệ, chuyển giao công nghệ đều phải được Sở KH và CN cùng các ngành liên quan thẩm định về yếu tố kỹ thuật và cơ sở khoa học quyết định áp dụng công nghệ tại địa phương cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các yếu tố kỹ thuật liên quan đến quy định về thời gian tuổi thiết bị nhập khẩu; thiết bị phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc phù hợp với tiêu chuẩn của các nước nhóm G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra công nghệ sau đầu tư và hoạt động chuyển giao công nghệ… Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở KH và CN đã thành lập một Hội đồng riêng gồm các chuyên gia là những nhà khoa học đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn của Trung ương khi thẩm định, đánh giá công nghệ. Tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để có đánh giá toàn diện, các dự án đều được thẩm định kỹ càng, đạt yêu cầu chất lượng trước khi chấp thuận công nghệ của hệ thống, dây chuyền thiết bị nhập khẩu. Sở KH và CN cũng đang tiếp tục rà soát, đánh giá trình độ công nghệ chung của doanh nghiệp trong tỉnh để đưa ra chính sách, định hướng phát triển, đổi mới công nghệ sát thực tế, khả thi nhất. Trong đó, đề xuất chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về lãi suất, vốn, thuế, đất đai để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư công nghệ mới và tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho quản lý doanh nghiệp, người lao động để làm chủ công nghệ.

Để đảm bảo các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về việc quản lý và chuyển giao công nghệ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là khi nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế,  Sở KH và CN sẽ đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tuyên truyền phổ biến giúp họ hiểu rõ hơn quy định của Nhà nước đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tạo cơ chế đủ thông thoáng để thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, trong đó việc đánh giá, thẩm định, giám định công nghệ và thông quan hải quan đóng vai trò then chốt. Đồng thời cũng nghiên cứu cơ chế phối hợp với các ngành liên quan về kiểm soát hậu nhập khẩu các dây chuyền công nghệ, thiết bị tại các cơ sở sản xuất, nhất là khu vực làng nghề, hạn chế tối đa những hệ lụy xấu về môi trường và xã hội do máy móc, công nghệ chất lượng kém gây ra. Bên cạnh thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, ngành KH và CN cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết phải đổi mới công nghệ và nghiêm túc chấp hành quy định về quản lý công nghệ nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế hiện nay. Tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp địa phương thông qua cách chuyển giao công nghệ kết hợp với phát triển nghiên cứu, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, từng bước giúp các doanh nghiệp và người lao động nâng cao năng lực, trình độ để chủ động tiếp thu, nắm vững và làm chủ công nghệ. Khuyến khích xây dựng quỹ phát triển KHCN và các tổ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp hoạt động KHCN giữa các tổ chức tư vấn KHCN và các cơ sở sản xuất để lựa chọn công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất và nhu cầu thị trường, thúc đẩy thị trường KHCN phát triển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com