Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ

08:09, 11/09/2018

Tỉnh ta có 5 tuyến quốc lộ (QL) đi qua gồm: 10, 21A, 21B, 37B, 38B. Đây đều là các tuyến giao thông huyết mạch, có lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng lại tồn tại không ít bất cập khiến việc bảo đảm trật tự ATGT hết sức phức tạp.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) thì phức tạp nhất là bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến QL 10 do tuyến đường này hoàn thành cải tạo nâng cấp đưa vào sử dụng đã 16 năm, hiện nay nhiều đoạn xuống cấp không còn bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, quy mô thiết kế ban đầu (mặt đường rộng 11m, không bố trí giải phân cách giữa) đã không còn đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông hiện tại (khoảng 1.000 lượt phương tiện, chủ yếu là xe công-ten-nơ đi qua. Đoạn QL 10 chạy qua địa bàn tỉnh ta đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, lại song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam; ven đường sắt có nhiều khu dân cư mới mà không có đường gom dân sinh nên phát sinh nhiều đường ngang mở trái phép qua đường sắt nối thẳng vào QL. Trong khi đó mức chênh lệch giữa cốt đường sắt và đường bộ khá cao nên những điểm đấu nối có độ dốc lớn làm người điều khiển phương tiện mất tập trung gây nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra trên tuyến đường này có một số làng nghề, các hộ dân tổ chức sản xuất ngay sát đường, vì vậy tiếng ồn của máy móc, thiết bị nhiều khi át cả tiếng còi xe, còi tàu cũng như chuông cảnh báo của ngành đường sắt. Thêm nữa, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của người điều khiển phương tiện cũng rất thấp. Theo quy định, khi đi qua các thị trấn đều phải hạn chế tốc độ, nhưng nhiều lái xe ô tô chở khách, xe mô tô không chỉ phóng nhanh, vượt ẩu, mà còn tự do dừng đón, trả khách bất cứ vị trí nào, vì vậy, chỉ một sơ suất nhỏ, thiếu chú ý quan sát là có thể dẫn đến va chạm và tai nạn giao thông (TNGT). Tuyến QL 38B đoạn qua địa bàn tỉnh không có hành lang ATGT. Nguy hiểm nhất là địa phận thôn Nhì, chợ Dần (Vụ Bản), đường không có vỉa hè, không có hành lang an toàn dành cho người đi bộ nhưng có chợ lớn sát đường, mật độ người và phương tiện cơ giới lưu thông thường xuyên cao. Nhà ở, hàng quán liền kề QL khiến người dân bước chân khỏi cửa là vào phần đường của phương tiện cơ giới. Vào giờ cao điểm, số lượng người tham gia giao thông qua khu vực này tăng đột biến do lượng lớn công nhân ở các khu, CCN lân cận ồ ạt đi, về chủ yếu bằng xe máy gây nên cảnh lộn xộn, rất nguy hiểm cho người lưu thông và những gia đình sống ven đường. Bên cạnh đó, tại hầu hết các tuyến QL đều tồn tại tình trạng các hộ dân bám sát mặt đường lấn chiếm hành lang ATGT để kinh doanh, buôn bán; dựng rạp tổ chức đám hiếu, hỉ... gây cản trở và làm giảm tầm nhìn của người đi đường. Hiện nay, khó khăn chung của các địa phương là lực lượng CSGT công an địa phương không được tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến QL nếu không có sự phối hợp của CSGT tỉnh. Trong khi đó, lực lượng CSGT tỉnh còn mỏng, chưa bố trí được đều khắp trên nhiều địa bàn có QL đi qua.

Lực lượng cảnh sát đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) kiểm tra việc bảo đảm ATGT của xe khách trên Quốc lộ 21.
Lực lượng cảnh sát đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) kiểm tra việc bảo đảm ATGT của xe khách trên Quốc lộ 21.

Trước thực trạng trên, các ngành chức năng, các địa phương đã phải tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến QL. Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường sử dụng xe tuyên truyền lưu động các quy định bắt buộc phải chấp hành để đảm bảo trật tự ATGT; trong đó chú trọng những khu vực đông dân cư, các khu, CCN, các trường học có đông học sinh, sinh viên và công nhân dọc các tuyến QL. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về quy định bảo đảm trật tự ATGT; tập trung xử lý các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, lái xe sau khi uống rượu, bia, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, ô tô chở quá khổ, quá tải. Trong quá trình tuần tra kiểm soát, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã thường xuyên tiến hành rà soát những bất cập, hạn chế trong tổ chức giao thông và hệ thống thiết bị bảo đảm ATGT trên tuyến để kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục như làm gờ giảm tốc dày hơn; bổ sung hệ thống đèn cảnh báo tại các vị trí giao cắt đường làng qua đường sắt nối thẳng vào QL; lắp đặt biển cảnh báo các vị trí nguy hiểm hay xảy ra TNGT. Huy động lực lượng, bảo đảm bố trí hợp lý số cán bộ, chiến sĩ tập trung tuần tra 24/24h trên các tuyến QL trọng điểm. Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị ưu tiên hoàn thành xử lý khắc phục các vị trí mất ATGT trên các tuyến QL tại đầu cầu Tân Phong (TP Nam Định), ngã ba, ngã tư Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), các điểm giao cắt: QL 21B với tỉnh lộ 488C, điểm giao QL 37B với QL 10, điểm giao QL 21 với tỉnh lộ 487, điểm giao giữa QL 21 với tỉnh lộ 487B... Ngành GTVT và các địa phương, đơn vị liên quan điều chỉnh, bổ sung đầy đủ, hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị bảo đảm ATGT đường bộ, đường ngang qua đường sắt theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường sắt và UBND tỉnh. Về lâu dài, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng các tuyến QL còn tồn tại bất cập. Đặc biệt, trên tuyến đường sắt chạy song song QL 10, đề nghị đẩy nhanh tiến độ làm đường gom, tránh phương tiện đi lại nhiều, bảo đảm ATGT đường bộ, đường sắt. Thời gian tới, các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, xử lý tình trạng người dân vi phạm hành lang ATGT, kết cấu hạ tầng các tuyến QL. Đối với người tham gia giao thông trên QL cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy tắc ATGT, hệ thống biển báo để bảo đảm ATGT cho mình và mọi người trên đường./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com