Ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài

04:04, 12/04/2019

Để hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng giảm dần khai thác ven bờ, nâng cao năng lực khai thác xa bờ, gắn khai thác tiềm năng kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, đảm bảo cho ngư dân và tàu cá hoạt động an toàn trên biển.

Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân huyện Hải Hậu chuẩn bị ra khơi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh hướng dẫn ngư dân đăng ký đóng mới, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, giảm dần số lượng tàu khai thác thủy sản vùng ven. Các ngành chức năng, địa phương tập trung quản lý việc đóng mới tàu cá tại địa phương theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2014-2020, đảm bảo đến năm 2020 số lượng tàu cá khai thác xa bờ không vượt quá 700 tàu. Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân ưu tiên phát triển tàu cá làm các nghề như lưới vây, lưới rê, nghề câu chụp mực, dịch vụ hậu cần; khuyến khích các tàu làm nghề lưới kéo chuyển sang các nghề được ưu tiên phát triển; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển các nước để khai thác thủy sản trái phép thì không xem xét hỗ trợ theo các chính sách đã được Nhà nước ban hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản như không trang bị đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, không thực hiện đánh dấu tàu cá, không có đăng ký, không thực hiện ghi nhật ký khai thác thủy sản; sử dụng ngư cụ bị cấm, đặc biệt là các trường hợp dùng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Tiếp tục tạm dừng việc cấp văn bản chấp thuận cho phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, kể cả tàu giải bản, bị hư hỏng, mục nát hoặc bị tai nạn; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu làm nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo; đối với các tàu làm nghề lưới kéo mua từ nước ngoài về phải được chuyển sang các nghề chọn lọc khác như lưới, lưới vây, câu, lưới chụp và thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tăng cường thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế đối với tàu cá có thiết kế và kiểm tra an toàn kỹ thuật, giám sát quá trình đóng mới, nâng cấp, sửa chữa đối với tàu cá có công suất từ 90CV trở lên; nghiêm cấm việc lắp đặt máy thủy kém chất lượng, máy bộ xuống tàu cá. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28-5-2017 về ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Công điện số 1275/CĐ-TTG ngày 19-9-2018 về tăng cường thực hiện một số giải pháp trọng tâm chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực khai thác thủy sản; quy định người đứng đầu cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương mình vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép; thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá để kiểm soát hoạt động xuất nhập cảng; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển nhằm phát hiện và xử lý nghiêm tàu cá vi phạm theo quy định… Nhờ đó, với lực lượng 2.135 tàu cá khai thác hải sản, trong đó có 557 tàu cá khai thác xa bờ, hoạt động chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một số tàu khai thác ở vùng biển miền Trung, vùng biển Đông Nam Bộ và thường xuyên xuất, nhập cảng cá của các tỉnh bạn nhưng đến nay, chưa phát hiện trường hợp tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và nằm trong danh sách khai thác bất hợp pháp. Tuy nhiên, công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên các vùng biển vẫn còn một số bất cập như: một số chủ tàu tự ý đóng mới, nâng cấp tàu cá nhưng chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng, tai nạn tàu cá vẫn xảy ra, phương thức khai thác chưa phù hợp ở một số nơi.

Để thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động trên các vùng biển, đặc biệt là tàu cá thường xuyên xuất, nhập cảng ở các tỉnh bạn, góp phần ngăn chặn tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nội tỉnh, UBND tỉnh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp chỉ đạo thực hiện một số nội dung: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá của tỉnh Nam Định đang hoạt động tại địa phương, yêu cầu không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép, ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước bạn trong khu vực; chú trọng tuyên truyền Luật Thủy sản 2017. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về số lượng tàu cá của tỉnh Nam Định hoạt động tại các địa phương; tình hình an ninh trật tự của tàu cá và thuyền viên tại cảng cá, khu neo đậu; diễn biến, kết quả xử lý các vụ việc liên quan đến tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, các vụ việc liên quan đến tai nạn trên biển, công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển… để kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh nếu có. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng quản lý, kiểm soát chặt chẽ số tàu cá của tỉnh Nam Định, hoạt động xuất nhập cảng tại các địa phương, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi khi không đảm bảo các điều kiện quy định. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp hỗ trợ công tác điều tra, xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp móc nối, mua chuộc lại tàu trái phép hoặc đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài đề nghị kịp thời thông tin để lực lượng chức năng của tỉnh Nam Định phối hợp xử lý./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com