Chuyển biến trong thực hiện pháp luật lao động ở các doanh nghiệp

08:02, 19/02/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện có 150 nghìn lao động đang làm việc trong 3.600 doanh nghiệp. Những năm qua việc thực thi pháp luật lao động trong các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách lao động với những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động như tiền lương, tiền thưởng, định mức lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, các chính sách đối với lao động nữ.

Xưởng may của Công ty trách nhiệm hữu hạn May Trường Phát, xã Minh Thuận (Vụ Bản) tạo việc làm cho trên 100 lao động, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động.
Xưởng may của Công ty trách nhiệm hữu hạn May Trường Phát, xã Minh Thuận (Vụ Bản) tạo việc làm cho trên 100 lao động, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động.

Để đạt được điều đó, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thực hiện pháp luật lao động trong các doanh nghiệp. Hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai thực hiện các chính sách mới về pháp luật lao động; trong đó tập trung vào các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; công tác an toàn vệ sinh lao động… Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về lao động; hướng dẫn triển khai các chính sách mới về lao động. Trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 4 lớp tập huấn chính sách về pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội với sự tham gia của hơn 800 người là chủ sử dụng lao động, cán bộ nhân sự, pháp chế, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, tổ trưởng, chuyền trưởng và công nhân lao động trực tiếp. Tổ chức lớp tập huấn về công tác quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội cho 60 cán bộ là hòa giải viên lao động cấp huyện và lãnh đạo, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố. Biên soạn, in ấn và phát hành 30 nghìn tờ rơi: “Một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và đình công”; “Một số quy định của pháp luật lao động về tiền lương, tiền thưởng” đến người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền pháp luật lao động cho hơn 600 công nhân tại 6 công ty (Công ty trách nhiệm hữu hạn Viet Pan-pacific Nam Định, Công ty trách nhiệm hữu hạn YR Nam Định, Công ty cổ phần Việt Thuận, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dream Plastic Nam Định, Công ty cổ phần May Giao Yến và Công ty trách nhiệm hữu hạn TBO Vina). Ngoài ra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thẩm định đăng ký nội quy lao động của 40 công ty và thẩm định tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 42 công ty; hướng dẫn bằng văn bản cho 7 công ty xây dựng lại nội quy lao động, 8 công ty xây dựng và thương lượng lại thỏa ước lao động tập thể. Tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho hơn 200 doanh nghiệp, người lao động về thực hiện chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Trong đó tư vấn giải quyết tình trạng ngừng việc tập thể tại Công ty trách nhiệm hữu hạn MSL (Hải Thanh, Hải Hậu); Công ty Smart Shirt Xuân Trường; Công ty trách nhiệm hữu hạn Yamani Dynasty. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về pháp luật lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay việc thực hiện chính sách đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp đã xây dựng quy chế trả lương, xây dựng hệ thống thang bảng lương để làm cơ sở chi trả. Việc chi trả lương cho người lao động cơ bản đã được chủ sử dụng lao động thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Nhiều doanh nghiệp ngoài việc thực hiện các chế độ do Nhà nước quy định còn áp dụng các hình thức khác để tăng thu nhập cho người lao động như: thưởng do tăng năng suất lao động, chuyên cần, thưởng lễ, tết, thưởng cho sáng kiến kinh nghiệm, nghỉ dưỡng, ăn ca... Do đó, thu nhập, đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Cùng với chính sách tiền lương, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong doanh nghiệp đã được quan tâm thực hiện.

Hầu hết các đơn vị đã thực hiện xây dựng nội quy lao động, trong đó đặc biệt chú ý đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, công khai hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người lao động. Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đã tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể và có các hoạt động chăm lo, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động. Qua kiểm tra, giám sát tại 14 doanh nghiệp trong năm 2018, 100% doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Có 11/13 doanh nghiệp (chiếm 78,57%) đã lập sổ quản lý lao động. 100% doanh nghiệp bố trí người lao động làm việc 8 giờ/ngày. 11/14 doanh nghiệp (chiếm 78,57%) đã bố trí đủ ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động. 71,43% doanh nghiệp đã thực hiện trả lương vào ngày nghỉ lễ, tết cho người lao động. 100% doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, với tổng số 5.447 người, đạt 92,65% trên tổng số người thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. 

Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động. Tăng cường quản lý Nhà nước về lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, kiên quyết xử lý những đơn vị cố tình vi phạm các quy định pháp luật về lao động. Các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường sự gắn kết của người lao động với doanh nghiệp và xây dựng lực lượng lao động ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com