"Thuốc đắng dã tật"

08:01, 10/01/2020

Mỗi năm, cả nước có hàng vạn người thương vong vì tai nạn giao thông; trong đó có hàng nghìn người chết, hàng nghìn người đang khỏe mạnh, là trụ cột gia đình, niềm hy vọng, tự hào của gia đình, dòng tộc bỗng chốc trở thành gánh nặng cho gia đình và cộng đồng sau một cú va chạm giao thông. Cứ sau mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, người ta lại sửng sốt, hoảng hồn vì những con số thống kê số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương trong mấy ngày nghỉ. Rất nhiều trong số đó có nguyên nhân vì say rượu, bia. Nhiều gia đình có con cháu đi làm ăn, học tập ở xa về ăn Tết nhưng niềm vui đoàn tụ, sum họp “ngắn chẳng tày gang” vì tai nạn giao thông ập đến, người chết, người bị thương sau khi vừa “hết mình” nâng cốc trong các bữa liên hoan. Những vụ việc người lái xe say rượu bia tham gia giao thông và gây tai nạn liên hoàn xảy ra thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước càng cho thấy hiểm họa khôn lường bởi những “ma men” ngồi sau tay lái.

Không phải đến bây giờ mà đã từ nhiều năm nay, vấn nạn người say rượu, bia tham gia giao thông gây tai họa đã được báo động đỏ và đòi hỏi phải có giải pháp thật nghiêm khắc đủ sức răn đe. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt ra đời được coi là phương thuốc cực mạnh nhằm trị căn bệnh “nhờn luật” đối với một số lỗi vi phạm vốn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông, nguồn nguy hiểm cao độ đối với người đi đường. Quan sát thực tế cho thấy, mấy ngày qua nhiều nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống đã không còn tấp nập, ồn ã khí thế “dô, dô” như trước. Không còn cảnh những thực khách mặt đỏ gay gắt, “chân nam đá chân chiêu” bước ra khỏi quán, thậm chí có người dắt xe không vững (?!) vẫn cầm tay lái lao ra đường khiến nhiều người trông thấy phải ái ngại, cố đi cách xa. Hơn 1 tuần thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 đã cho thấy tác động tích cực đến người tham gia giao thông, mọi người đã thực sự e ngại trước sự cứng rắn trong thực thi pháp luật mà dè chừng trong việc sử dụng rượu bia trước khi lái xe.

Cũng có những ý kiến trái chiều thể hiện thái độ phản ứng hoặc không tin tưởng trước mức xử phạt và cách thức thực thi kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe, sự bất ngờ, “choáng váng” của không ít người dân khi nhận mức phạt. Nhiều ý kiến cho rằng uống rượu, bia trong các bữa cỗ là một tập tục, truyền thống dân tộc nên việc xử phạt “khi hơi thở có nồng độ cồn” là không hợp lý, thậm chí là “bắt chẹt” người dân. Người ta truyền nhau các cách “né” lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn, hay tìm đọc văn bản, nghiên cứu “soi” luật để chỉ ra những điều bất cập nhằm bào chữa cho lỗi của mình… Còn nhớ hơn 10 năm trước khi quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy được đưa ra áp dụng cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều và đủ chiêu trò “lách luật”. Nhưng đến nay việc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy đã cơ bản được người dân chấp hành nghiêm túc. Và thực tế trong nhiều vụ tai nạn cho thấy nạn nhân đã thoát nguy cơ bị chấn thương sọ não nhờ đội mũ đảm bảo chất lượng và đúng quy cách. Tuy nhiên cũng theo kinh nghiệm từ việc triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây, do hạn chế trong truyền thông chính sách, sự chuẩn bị các điều kiện cho việc triển khai thực thi đã dẫn đến phải điều chỉnh lộ trình áp dụng, xử lý vi phạm; rồi tình trạng người dân lách luật sử dụng các loại mũ thời trang không có tác dụng bảo vệ để đối phó với việc kiểm tra của lực lượng chức năng. Lần này, Nghị định 100 được triển khai thực thi quyết liệt ngay khi có hiệu lực. Theo các nhà chuyên môn, Nghị định 100 được ban hành theo thủ tục rút gọn nên có hiệu lực ngay sau khi được ban hành. Trong khi trước đó việc truyền thông chính sách này trong quá trình soạn thảo, trước khi ban hành lại chưa đáp ứng yêu cầu nên nhiều người dân không kịp nắm bắt để thực hiện, cảm thấy bất ngờ khi bị phạt. Tuy nhiên, trước đó Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ cũng đã quy định cấm lái xe tham gia giao thông khi đã say rượu với mức phạt không thấp song rõ ràng việc chấp hành của người dân cũng còn hạn chế do công tác triển khai thực thi, xử lý chưa thực sự quyết liệt. Theo phản ánh của lực lượng chức năng thì sau khi có thông tin rộng rãi phản ánh về các trường hợp bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, tình trạng vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông trong những ngày qua trên các tuyến đường giảm hẳn. Điều này càng có ý nghĩa khi những ngày Tết Nguyên đán đang đến gần. Hy vọng với tác động của việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, trước mắt, dịp Tết Canh Tý và lễ hội đầu xuân năm nay sẽ không phải chứng kiến những vụ tai nạn đau lòng có nguyên nhân từ bia rượu, cho những cuộc vui sum họp, đoàn tụ, những chuyến du xuân thực sự trọn vẹn. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2020 của tỉnh vừa qua, đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố cần quán triệt chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị, phường, xã chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông; chủ động có biện pháp, phương tiện phù hợp khi tổ chức các hoạt động liên hoan tổng kết, gặp mặt cuối năm, đầu xuân, đảm bảo không có cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên… điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia.

“Thuốc đắng dã tật”. Thực trạng tai nạn giao thông do nguyên nhân từ say rượu bia cho thấy không thể trì hoãn việc thực thi các biện pháp ngăn chặn cứng rắn theo phương châm “đòn đau” nhớ lâu. Những quy định mạnh tay, sự nghiêm túc, quyết liệt trong thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019, Nghị định 100 của Chính phủ hy vọng sẽ góp phần điều chỉnh tích cực hành vi, thái độ của người dân trong việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn giao thông, ngăn chặn giảm dần tai nạn giao thông, góp phần xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông. Cũng từ hiệu ứng xã hội tích cực của việc thực thi quy định về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, hy vọng các quy định nhằm ngăn chặn vấn nạn lái xe sử dụng chất kích thích nguy hiểm khác như ma túy, vi phạm tốc độ, chở quá khổ quá tải,… cũng sẽ được thực hiện với thái độ quyết liệt để đạt được mục tiêu kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương./.

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com