Bất cập vấn đề xử lý rác thải nông thôn

08:12, 27/12/2019

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở nước ta hiện nay đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu, làm cho bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội nông thôn có nhiều thay đổi. Các khu, cụm công nghiệp tại các vùng nông thôn liên tiếp mọc lên vừa giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, vừa tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hoạt động sản xuất nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, nhất là vấn đề rác thải và xử lý rác thải. Việc xả nước, rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng rác thải tràn ngập các con đường, tràn xuống ruộng, lấp ao, hồ và “bao vây” cả các khu dân cư là hình ảnh thường thấy ở nhiều vùng quê. Bên cạnh đó nhận thức của người dân tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức bảo vệ môi trường, việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân nên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để và trở thành vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương.

Hiện nay tại nhiều khu vực nông thôn đã thành lập các tổ, đội thu gom rác thải, các tổ, đội này có thể do các Hội, đoàn thể đảm nhiệm như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh hoặc do Hợp tác xã nông nghiệp đứng ra thành lập. Xã chi tiền mua xe vận chuyển rác, quần áo bảo hộ, phương tiện, trang bị, người dân đóng góp chi trả nhân công. Mặc dù lượng rác thải hàng ngày được nhiều địa phương thu gom với tỉ lệ cao nhưng việc xử lý khối lượng rác đã được thu gom còn nhiều bất cập do chưa xây dựng được lò đốt rác công nghệ hiện đại, rác thu gom về chủ yếu lại được xử lý bằng biện pháp chôn lấp trong khi các địa phương chưa có bãi chôn lấp hợp vệ sinh, công tác quy hoạch lựa chọn điểm chôn lấp rác rất khó khăn đối với một số địa phương. Thêm vào đó công tác vận hành bãi chôn lấp rác thải tập trung chưa đúng quy trình gây tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân khu vực xung quanh. Ở nhiều địa phương, kinh phí chi cho hoạt động xử lý rác thải, bảo vệ môi trường còn hạn chế, một số bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường chung. Tại nhiều hộ gia đình vẫn giữ cách làm cũ tự thu gom và đem đốt, chôn lấp trong vườn nhà, đổ xuống sông hoặc các bãi đất trống gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và mất mĩ quan khu dân cư.

Để giảm những tác động từ ô nhiễm môi trường đến đời sống người dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn hiện nay, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề này trên các địa bàn nông thôn, như các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường, các cơ sở y tế, các tổ chức đoàn thể có liên quan. Quan tâm đầu tư các lò đốt rác tập trung với công nghệ hiện đại hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đối với các khu, cụm công nghiệp đang đóng trên các địa bàn nông thôn hiện nay cần có quy định bắt buộc các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lý nước thải, rác thải tại đó, có chế tài xử phạt đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Ở một số vùng nông thôn nghèo, chưa có đội ngũ thu gom thì giải pháp hữu hiệu là tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; khuyến cáo bà con tăng cường phân loại rác thải tại hộ gia đình, tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại tới môi trường như: túi nilon, các sản phẩm bao bì bằng nhựa, thuỷ tinh… Có như vậy thì vấn đề rác thải vệ sinh nông thôn mới được giải quyết triệt để đảm bảo đời sống của người dân cũng như mỹ quan chung tại các vùng nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com