Vẫn là "con gà tức nhau tiếng gáy"

09:03, 06/03/2015

Xóm Bến có hơn tám chục nóc nhà. Cuộc sống ở vùng quê này nhìn bề ngoài tưởng như bình yên nhưng trong giai đoạn phát triển, cũng vẫn có nhiều chuyện để nói.

Chẳng là mấy năm trước, khi nhà ông Đán ở đầu xóm xây được chiếc cổng mới, nhà nào nhà nấy đều đua nhau “kín cổng cao tường” theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”; riêng nhà ông Tân ở cuối xóm vẫn “cố thủ” với chiếc cổng tre và bờ dậu ruối. Hàng xóm khích bác đủ điều nhưng ông vẫn chần chừ vì anh Tiến, con trai ông là cán bộ trên tỉnh không muốn phá đi bờ dậu ruối cổ thụ để xây tường. Anh Tiến bảo, xu hướng hiện nay, chất lượng cuộc sống của con người phải là sự hòa hợp, thân thiện với môi trường; dậu ruối đẹp thế, nhiều nhà trồng không được, cớ sao mình lại phá đi. Hơn nữa nhà chỉ có hai ông bà già, của nả chẳng có, lo gì trộm cắp nên cứ để chiếc cổng tre để mọi người tự mở khi đến chơi cho vui cửa vui nhà. Nghe con trai nói vậy, ông Tân thấy cũng có lý! Từ ngày nhà nhà “kín cổng cao tường”, lúc buồn muốn sang chơi hàng xóm, phải gọi cổng, ông cũng thấy ngại. Mà hình như từ ngày xây cổng, người dân trong xóm cũng dần sống khép kín, tình làng nghĩa xóm cũng khác xưa (!).

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Nhưng thói thường ở quê, giàu thì sinh ganh ghét, đố kỵ, nghèo thì cũng bị coi thường. Việc xây cổng nhà, tường bao tốn mấy chục triệu, cũng là một “tiêu chí” để “đo” sự giàu nghèo của các gia đình. Nếu ông không làm sẽ bị người làng đàm tiếu rằng, cả đời không xây nổi cái tường bao để giữ đất cho con. Chẳng thế mà một lần, có người hỏi thăm nhà ông Tân thì ông Đán đon đả chỉ đường nhưng cũng không quên thêm vào vài câu móc máy: “Xóm tôi giờ nhà nào cũng có cổng xây. Anh cứ đi thẳng, thấy nhà nào vẫn còn cổng tre, dậu ruối thì đó là nhà ông Tân!”. Sau khi nghe lại chuyện, ông Tân “tức khí” bèn phá dậu ruối, xây tường bao, cổng sắt hoành tráng cho… bằng người.

Không chỉ riêng chuyện “cổ súy” cho việc xây cổng nhà, trong những ngày Tết vừa qua, đến nhà ai ông Đán cũng “thông báo” tin vui là có cả thảy hai mươi chiếc ô tô của con em quê hương về quê ăn Tết. Với ông Đán và một số người trong xóm, việc những người đi ô tô về quê ăn Tết, dù là xe cơ quan, xe đi thuê hay tắc-xi…, đều là người thành đạt (!). Có lẽ vì thế mà vợ chồng anh Tiến rất ngạc nhiên khi đi chúc Tết anh em, hàng xóm, có người hỏi là về quê bằng ô tô hay xe máy (?).

Anh Tiến bỗng hiểu: Hóa ra, việc có người để tâm “điểm danh” những người đi ô tô về quê từ Tết trước đã vô tình tạo ra “cú hích” để cho Tết này có thêm một số người dù không có nhu cầu thực vẫn thuê xe về để giải quyết khâu “oai” (!).

Chuyện nhặt kể trên là “phiên bản” của lối sống “con gà tức nhau tiếng gáy” trong cuộc sống cộng đồng của người dân ở các làng quê xưa. Điều đáng nói ở đây là hiện nay mặc dù cuộc sống vật chất đã được cải thiện nhưng việc tiếp thu những tư tưởng văn minh, tiến bộ trong đời sống văn hóa của người dân ở một số vùng quê vẫn chưa được nâng lên tương ứng./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com