"Đụng" lợn: Nét đẹp văn hóa đầu xuân

09:02, 18/02/2015

Về Nam Mỹ, Nam Trực những ngày giáp Tết, mới đi đến đầu xóm đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, tiếng mài dao, gõ thớt rôm rả. Ấy là khi các gia đình đang chung nhau “đụng” lợn. Phong tục tập quán xưa vẫn được người dân nhiều nơi trong tỉnh, trong đó có Nam Mỹ, giữ gìn như một nét đẹp văn hóa cổ truyền. Cùng với sắc đào hồng, đào phai rực rỡ, những cây quất trĩu quả vàng ruộm, tiếng lợn kêu và tục đụng lợn cũng mang đến sự rộn ràng với hy vọng một năm mới tươi vui, đầm ấm và thắm tình đoàn kết.

Háo hức “ngả” lợn

Theo truyền thống, cứ vào dịp Tết, vài ba gia đình thân thiết trong xóm hay anh em trong họ lại í ới rủ nhau “ngả” chung một con lợn để ăn Tết. Ngày “ăn đụng” lợn là ngày vui vẻ, ấm áp, gia đình sum tụ; là dịp hàng xóm, láng giềng gặp mặt, trò chuyện sau một năm tất bật, vất vả, thể hiện sự quan tâm đến nhau, từ đó tình cảm anh em, làng xóm thêm gắn kết. Trải qua thời gian, đến nay, tục đụng lợn vẫn được duy trì, trở thành phong tục đẹp với nhiều ý nghĩa vừa thể hiện nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc. Ông Cù Thanh Mai, xóm 5, xã Nam Mỹ (Nam Trực) nay đã thuộc hàng lão “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe yếu, mắt mờ, chân chậm; tuy nhiên, hàng chục năm nay, năm nào ông cũng tự tay nuôi một con lợn khoảng trên dưới 1 tạ, chờ dịp cuối năm, mang ra ngả để chia đều cho con cháu mỗi nhà một “quầy” (phần) thịt đón Tết. Đã từng tự tay ngả hàng chục con lợn, ông cho biết: “Tục đụng lợn ngày trước và bây giờ căn bản vẫn giữ nguyên được nét truyền thống. Có điều, trước kia, chỉ những nhà giàu mới đủ tiền nhận một quầy thịt lợn về ăn Tết thì nay, đời sống nhân dân dư dả hơn nên gia đình nào cũng có thể đụng lợn. Và mọi người đều muốn tham gia để tìm niềm vui khi Tết đến, xuân về và để có quầy thịt ngon cúng ông bà, tổ tiên”. Theo ông Mai, việc “đụng” lợn trong dịp Tết được chuẩn bị từ rất lâu. Một vài gia đình sẽ mua chung một con lợn ưng ý nhất để mổ. Con lợn đụng được tuyển chọn kỹ lưỡng và phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như: thưa lông, mỏng da, đuôi dài. Cũng có những gia đình cầu kỳ, cẩn thận hơn, chọn mua lợn giống về tự nuôi trước đó cả vài tháng. Trong cả một đàn lợn, người ta chọn một con mông nở, chân thon, háu ăn nhất để nuôi. Nuôi lợn Tết khác với nuôi cân cho hàng thịt. Lợn phải được nuôi bằng rau, cám gạo, cám ngô, như vậy thịt lợn mới chắc, nạc và ngon hơn. Thông thường, lợn được ngả đồng loạt từ 28 đến 30 Tết. Hôm ngả lợn, từ sáng sớm, những người tham gia ăn đụng đã tập trung đông đủ tại một gia đình. Phụ nữ “chân yếu, tay mềm” được giao chuẩn bị các phần việc bếp núc, xoong nồi, nhặt rau thơm, đun nước... Đàn ông khỏe tay trói lợn, chọc tiết... Buộc túm hai chân trước, chân sau của lợn bằng dây thừng thật chắc; người ta dùng đoạn gậy dài khiêng lợn ra sân giếng kỳ, tắm rửa cho sạch sẽ trước khi chọc tiết, làm lông. Tiếng lợn kêu eng éc từ xóm này vọng sang xóm khác. Không khí rộn ràng, tấp nập. Người lớn luôn chân luôn tay, chuyện trò rôm rả; kể cho nhau nghe Tết này định sắm những gì, mùa đào năm nay có “trúng” không; con cái đi làm xa bao giờ được nghỉ Tết... Đám trẻ con phấn khích hò reo chạy nhảy xung quanh sân, háo hức. Một loáng, con lợn đã được mổ xong. Phần đầu (thủ) lợn được làm trước tiên. Theo tập tục, phần thủ được để riêng, luộc chín để cúng Thần Nông, Thần Thổ Công, Quan Hà Bá, ba vị thần cai quản đất, nước, mùa màng nông nghiệp; cúng ông bà, gia tiên cầu cho một năm mới thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, làm ăn thuận lợi, phát đạt hơn năm trước. Trong lúc đợi chủ nhà kính cáo thánh, thần, tiên tổ, người khéo tay nhất, chính trực, công tâm được cử ra pha thịt chia đều theo các phần sao cho vừa khéo theo tỷ lệ ăn đụng. Trên chiếc nong trải lá chuối xanh, các phần xương, thịt được chia đều ra các xoong cho từng nhà. Còn cỗ lòng để lại liên hoan chung, đám thanh niên trong làng thích nhất món lòng lợn, tiết canh cùng vài “xị” rượu nút lá chuối, thế là cả xóm được bữa tưng bừng. Cũng có nơi chỉ chia một phần, phần còn lại dành để gói giò, luộc bánh chưng. Thế là mỗi nhà lại có thêm vài tấm bánh chưng và cân giò xào về ăn Tết. Nhấp chén nước trà xanh ngút khói, ánh mắt ông Mai vẫn ánh lên niềm vui khi nghĩ về những kỷ niệm đã qua. Khi ông còn nhỏ, cuộc sống vô cùng khó khăn, thế nên chỉ có 3 ngày Tết, người ta mới rủ nhau đụng lợn và được mấy bữa “ấm chân răng”. Vì vậy, “Xin được bong bóng lợn thì vui như Tết đến được may quần áo mới”, ông Mai kể về cái có “giá” nhất của con lợn đối với tuổi thơ của ông ngày xưa. “Ngày nay, kinh tế đã phát triển hơn, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá, trẻ con không còn tranh giành nhau cái đuôi và bong bóng lợn. Tuy nhiên, niềm vui thì vẫn vẹn nguyên khi ông bà, con cháu, xóm giềng hòa thuận, sum vầy. Ngả một con lợn không phải là việc làm to tát, nhưng giữ được không khí ấm cúng, tình cảm, vui vẻ, tôi nghĩ đó là việc đáng quý nhất”, ông Mai tiếp lời.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Vui Tết đoàn viên

Vào ngày đụng lợn, nhà nào, nhà nấy đều hỉ hả gọi con cháu về tề tựu đông đủ, quây quần ăn món tiết canh, lòng lợn. Đàn ông khề khà bên chén rượu, khen tiết đông, sụn giòn. Trẻ con phùng má trợn mắt nhai những miếng lòng dồi béo ngậy. Bữa cơm dọn ra sung túc không khí vui vẻ, náo nhiệt quyện trong hương trầm ngày Tết và lắc rắc mưa xuân. Trong bữa cơm gia đình, thế nào trẻ con cũng được nghe những kỷ niệm của ông bà, bố mẹ những dịp Tết xưa. Và mọi người thường ngầm hiểu với nhau đây là bữa Tất niên. Dẫu cho cỗ bàn ba ngày Tết có to đến mấy nhưng chưa chắc đã ngon và đông đủ như bữa cơm đụng lợn ngày cuối năm. Thế mới thấy, nhiều khi những món ăn dân giã, giản dị chỉ là cái cớ để gặp nhau trong mùa xuân, để các thế hệ có dịp tâm tình, hàn huyên; từ đó khởi đầu cho những câu chuyện tốt đẹp trong một năm mới. Và sau bữa ăn, người ta mới tính đến việc giã giò, nấu thịt đông, làm mọc, nấu bát canh bóng với nước tôm thanh mát, ngọt ngậy ăn trong 3 ngày Tết. Hăm hở mang “quầy” thịt mới được chia về nhà, bà Nguyễn Thị Nhạn, xóm 5, xã Nam Mỹ (Nam Trực) nhẩm tính, 8 cân thịt đụng được sẽ dùng một phần để gói bánh chưng, phần gói giò xào, phần nấu thịt đông... và đặc biệt phải để phần cho con gái vài cân. Cô con gái lớn của bà đang làm trên Hà Nội rất thích thịt lợn đụng mỗi dịp cuối năm; nên trước ngày đụng lợn đã gọi điện về nhà xin mẹ để phần cho vài cân thịt đụng sau Tết mang lên ăn dần. Vì vậy, năm nào bà cũng phải căn ke cho thật khéo vừa đủ làm những món ăn truyền thống dịp Tết vừa đủ phần con gái 1-2 cân. Như những gia đình thuần Việt, mâm cơm ngày Tết của gia đình bà Nhạn từ lâu không thể thiếu món thịt đông, giò xào, bát măng mọc... Bà tin rằng, thành tâm cúng ông bà, tổ tiên bằng thứ thịt ngon nhất sẽ được phù hộ độ trì những điều tốt đẹp, may mắn nhất. Tối hôm đó, gia đình bà Nhạn ngồi quây quần bên bếp củi trông nồi bánh chưng bốc khói thơm nghi ngút của những hành, tiêu, gạo nếp, thịt lợn... Trong khi trông bánh, những người con của bà đi làm ăn xa nay trở về sum vầy lại tranh thủ quăng vào bếp nào bắp ngô, mấy củ khoai lang thơm nức tìm lại hương vị quê nhà.

Hiện nay, điều kiện sống tốt hơn, chợ họp khắp nơi, thuận tiện cho việc mua bán. Người ta có thể dễ dàng mua thịt lợn bất cứ khi nào, ngay cả chiều 30 hay sáng mồng 2 Tết, nhưng tục “ăn đụng lợn” - một nét văn hóa đẹp của làng quê Việt Nam mỗi dịp Tết đến, xuân về vẫn được duy trì ở nhiều vùng quê trong tỉnh. Mổ lợn vất vả một chút nhưng lại có thịt lợn ngon để ăn Tết, quan trọng vẫn là không khí bà con, anh em, láng giềng quây quần, tụ họp... Thậm chí, ngày nay, người ta vẫn có thể bắt gặp cảnh đụng lợn trong thành phố, từ các ngõ ngách, khu dân cư đến các cơ quan... Có lẽ, gốc gác quê nghèo mà vui vẻ, thắm tình đoàn kết vẫn còn được lưu giữ trong suy nghĩ, dòng máu và tâm niệm của mỗi con người thành thị. Có dịp ngồi lại với nhau những ngày cuối năm, mượn miếng thịt, chén rượu, những người dân gốc quê hồn hậu thêm cơ hội gắn bó tình xóm giềng, tình cảm gia đình... Và đây cũng là cách để giáo dục cho con cháu về truyền thống văn hóa của người Việt ta./.

Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com