Mừng thọ đầu xuân xưa và nay

09:02, 24/02/2015

Nét đặc trưng trong văn hoá Tết của người Việt là trong dịp đón Tết, vui Xuân, đồng thời với việc gặp mặt đoàn tụ tâm giao, chúc tụng giữa con cháu, anh em trong gia đình, bè bạn, xóm làng; cũng là dịp thế hệ hậu sinh thể hiện tình cảm thành kính, tôn vinh, hiếu nghĩa đối với bậc có công sinh thành, dưỡng dục thông qua việc tổ chức mừng thọ, chúc thọ ông bà, cha mẹ đã đến đấng tuổi cao.

Xưa nay, người Việt Nam ta thường rất chú trọng đến tuổi thọ (tuổi sinh - chỉ tính ngày đầy cữ và đầy năm chứ không mừng sinh nhật). Bởi theo triết lý nhân sinh phương Đông về Mệnh - số thì Mệnh lớn - Trường thọ - Phúc dầy. Người khoẻ mạnh, sống lâu là phúc trời cho (“Bảy mươi tuổi xưa nay hiếm” đã được tôn là Thiên quý). Trong gia đình còn hiện sinh 3-4 thế hệ (“tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường”) là nhà đại phúc. Tuổi thọ con người được tính theo mỗi Tết Nguyên đán và lại bắt đầu từ khi hình thành bào thai (“tuổi mụ”) nên gọi là “tuổi ta”.

Theo thông lệ, lễ mừng thọ được tổ chức vào dịp đầu năm mới; phần nhiều là trong những ngày Tết Nguyên đán, khi gia đình, họ mạc, con cháu đoàn viên đông đủ; hoặc trong tháng Giêng, tháng Hai (trước tiết Thanh minh). Các bậc túc nho xưa dựa vào Luận thuyết Kinh Dịch (là Luật quan hệ tương tác của âm - dương ngũ hành giữa con người và vạn vật trong vũ trụ, để chọn năm, tháng tốt - xấu rất cặn kẽ, thận trọng. Theo đó, những năm: Dần - Thân - Tỵ - Hợi gọi là năm Sinh (có hàng “địa chi” đứng đầu các cung Tam hợp: Dần - Ngọ - Tuất, Thân - Tí - Thìn, Tỵ - Dậu - Sửu và Hợi - Mão - Mùi). Các năm: Tí - Ngọ - Mão - Dậu là năm Vượng (còn gọi là Tứ chính). Còn lại các năm: Thìn - Tuất - Sửu - Mùi thuộc về năm Mộ (tứ mộ - nghĩa là lụi tàn, mờ mịt). Do vậy những năm thuộc về Tứ sinh, hoặc Tứ chính được chọn để tổ chức mừng thọ (khởi dựng từ đường, đình, phủ…), với hàm ý mong ước sự sinh thành phát triển hoặc bền vững lâu dài. Bởi vậy, người được mừng thọ có thể khi đúng tuổi hoặc lùi lại 1-2 năm.

Trước đây, tuổi thọ bình quân của người Việt còn thấp, nên người có tuổi thọ cao thật là quý hiếm: 50 tuổi được lên bậc “lềnh”, 60 tuổi thuộc bậc lão của làng, xóm. Hơn 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuổi thọ của người dân tăng dần. Người 70 tuổi thành bậc cụ được mừng thượng thọ. Người tuổi 80 trở lên được chúc đại thọ.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Ngày tổ chức mừng thọ, chúc thọ cũng thường được người am hiểu thuật chiêm tinh (gọi chung là “thần sát”) xét đoán về sự lành - dữ (cát - hung), thuận - nghịch của các yếu tố liên quan đến chủ sự để chọn được ngày giờ tốt đẹp. Ở những ngành - chi họ có điều kiện thì tiến hành mừng thọ, chúc thọ tập thể tại từ đường (nhà thờ họ), sau khi dâng lễ bái yết tiên tổ. Những gia đình đông con - cháu - chắt thì tổ chức mừng thọ ngay tại nhà ở của ông bà, bố mẹ. Người được mừng thọ thì mặc quần áo, đầu đội khăn (tròn) màu vàng. Người được chúc thọ thì trang phục màu đỏ thắm. Gia đình kinh tế khá giả thì may trang phục của các cụ bằng vải gấm, the, tục đoạn; còn bình thường thì bằng vải lụa sa tanh, tơ tằm… Lễ mừng thọ, chúc thọ diễn ra trịnh trọng; không khí thân tình, nồng hậu, vui vẻ. Các con, cháu - chắt - chút quây quần quanh các cụ, tay bắt mặt mừng nói lời chúc mừng các cụ mạnh khoẻ trường thọ, nghe và kể về kỷ niệm cuộc đời và tôn vinh công đức của các cụ. Quà mừng, chúc thọ các cụ thường là bức trướng vải lụa đỏ thêu hình tiên lão tựa gốc lão mai và dòng chữ “Thọ tỷ Nam sơn, phúc như Đông hải” (hàm chúc cụ thọ cao vững như núi, phúc lớn như biển Đông). Con cháu thì tặng cụ tấm vải lụa, hoặc chai mật ong rừng, túi cam, quýt vườn quê…; dẫu chỉ là những sản vật bình dị thông thường nhưng sâu nặng nghĩa tình, tri ân bậc sinh thành dưỡng dục lớp hậu sinh. Đó chính là sắc thái văn hoá thuần khiết tính bản địa và cũng rất đậm đà nghĩa cả nhân văn.

Hiện nay, hầu hết các cụ cao niên đều tham gia sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi thuộc tổ chức Mặt trận Tổ quốc cơ sở. Trong đó có không ít người đồng thời tham gia nhiều hội đoàn khác: Hưu trí nghề nghiệp (cựu giáo chức, y dược, tài chính, cơ khí, nghiệp đoàn…), đồng môn, đồng đội (sư đoàn, trung đoàn, quân chủng, binh chủng…). Khi đến tuổi thì các hội đoàn lần lượt tổ chức mừng - chúc thọ đối với cụ, các tổ chức chính trị thuộc địa bàn dân cư thì tuổi được mừng - chúc thọ căn cứ vào năm khai sinh (được gọi là tuổi Tây). Các hội đoàn xã hội nghề nghiệp lại mừng - chúc thọ cụ trước 1 năm (theo “tuổi âm lịch”).

Cách thức tổ chức mừng - chúc thọ tập thể thì hầu như giống nhau. Nơi tổ chức có không gian rộng; thường là nơi sinh hoạt công cộng (nhà văn hoá hoặc mượn phòng họp của cơ quan, trường lớp…). Mở đầu buổi lễ, người đại diện tổ chức hội nói lời chúc mừng đầu xuân, đọc danh sách các cụ được mừng thọ, chúc thọ. Rồi các cụ được tặng quà, hoa tươi. Quà tặng của tổ chức hội phổ biến là bức trướng bằng vải lụa đỏ (thêu hình và chữ theo mẫu) hoặc có nơi gần đây in ảnh của cụ lên một khung bìa cứng có lô gô biểu tượng (của tổ chức, ngành nghề…) in chữ chúc thọ - mừng thọ cùng với tên tuổi... Kèm theo đó, các hội có nguồn quỹ khá có thể tặng các cụ kỷ vật là bộ chuyên chén, bình đựng nước nóng… hoặc phong bì. Quà cá nhân tặng mỗi cụ có thể bằng tiền, bằng vật phẩm tuỳ theo quan hệ tình cảm. Quà tặng mừng thọ dù ít hay nhiều, giá trị lớn hay nhỏ đối với các cụ, là nghĩa tình sâu sắc, là dấu ấn khó phai mờ. Lễ mừng thọ - chúc thọ đầu xuân của các tổ chức Hội thường diễn ra nhanh gọn nhưng rất vui tươi, sôi nổi, cũng là dịp các cụ tụ hội giao lưu tình cảm, hàn huyên, để hát hò ngâm vịnh thơ ca, chúc tụng…, cũng là dịp tiếp thêm sự hoan lạc để các cụ an khang, trường thọ.

Còn lễ mừng thọ, chúc thọ của các gia đình cũng có nhiều đổi mới. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế, đông con - cháu - chắt đều chủ động tiến hành mừng thọ ông - bà, cha - mẹ cho dù đã được hội đoàn tổ chức tập thể. Trong lễ mừng thọ ở các gia đình, số người đến dự khá đông. Ngoài số con cháu, chắt nội ngoại, thân tộc, anh em cô bác làng xóm, phố phường còn có bạn hữu, cán bộ, công nhân các nơi có quan hệ với con cháu hoặc với chính cụ. Do vậy ngoài không gian lễ mừng thọ rộng rãi, trang trí khánh tiết cũng lộng lẫy với phông, rèm, bàn ghế, có dàn âm thanh, màn hình hiện đại. Nhà có điều kiện hơn thuê nhóm văn công chuyên nghiệp (hát chèo, quan họ…) về ca hát cả buổi làm rộn rã khắp khu dân cư.

Buổi lễ mừng thọ cũng diễn ra với thời gian lâu hơn, tưng bừng nhộn nhịp hơn. Các con cháu nội tông thân ngoại tương thích, các đoàn khách xa - gần lần lượt chúc tụng cụ chủ nhân “trường thọ, sống khoẻ, sống vui”… và kính cẩn dâng quà biếu. Mỗi người, mỗi đoàn đến mừng thọ cụ đều được chụp ảnh lưu niệm hoặc quay ca-mê-ra làm kỷ niệm. Quà mừng thọ cụ chí ít cũng dăm bảy bức trướng thêu trên gấm đỏ, vài ba tấm vải lụa quý để may quần áo và phong bao tiền các loại…

Sau nghi thức mang tính thông lệ, mọi người dự lễ mừng thọ, lệ thường đều được đại diện con cháu gia chủ mời liên hoan, tiệc nhẹ thì bánh kẹo, trà thuốc và bia lon hoặc rượu vang; thịnh soạn hơn thì vài chục mâm cỗ. Chính những lúc hoan hỉ tách trà, chén rượu, nhiều người mới được dịp hàn huyên, giãi bày tâm sự… Mà trong những câu chuyện tâm tình ấy, không thiếu những lời bàn về lễ mừng thọ. Chúc thọ ông bà - cha mẹ, chính yếu là ở cái tâm hiếu nghĩa, kính trọng bậc sinh thành./.

Ngô Thành An



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com