Gia đình và vấn đề giáo dục gia đình

08:06, 29/06/2013

Gia đình là vấn đề quan trọng của mọi dân tộc và mọi thời đại. Từ xưa, ông cha ta cũng đã từng bàn nhiều đến gia đình. Các nhà văn hoá lớn của nước ta như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Bội Châu… đều đã nói đến gia đình - gia huấn…

Con người ta không thể có sự hình thành và phát triển một cách đầy đủ và vững bền, nếu như không có một môi trường giáo dục gia đình tốt đẹp. Trước những biến động của thế giới và hội nhập, gia đình Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những tác động về nhiều mặt. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để chúng ta phát huy được vai trò của gia đình, giữ gìn được truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Quá trình đổi mới đã đem đến cho đời sống những biến đổi mới. Trước đây là "Từ làng ra phố", còn bây giờ là "Từ làng ra thế giới". Sách báo, truyền hình, mạng internet đem đến những thông tin đa dạng. Du lịch phát triển, đời sống nâng cao, khiến con người có những nhu cầu vui chơi, giải trí cao hơn trước.

Tiết mục văn nghệ trong Lễ khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam 2013. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Tiết mục văn nghệ trong Lễ khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam 2013. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Những người Mông, người Dao trên ngọn núi Sa-pa heo hút trước kia, bây giờ cũng hằng ngày tiếp xúc với các khách du lịch châu Âu, châu Mỹ, cũng biết nói chút tiếng Anh. Trong những làng xã nông dân ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, nhiều nơi đã có tới hàng vạn người đi lao động ở nước ngoài. Rồi mỗi năm lại có hàng ngàn thanh niên, học sinh đi du học ở các nước… Văn hóa, lối sống của thế giới đã có điều kiện ảnh hưởng và du nhập vào Việt Nam.

Cơ chế thị trường thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng cũng có không ít người vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, truyền thống, phá vỡ nền nếp gia đình. Nạn tham nhũng, hối lộ chưa được ngăn chặn hiệu quả, ảnh hưởng đến việc giáo dục xã hội, giáo dục thanh niên. Tình trạng hôn nhân thực dụng, lấy chồng nước ngoài không phải vì tình yêu, rồi ly hôn, ly thân, hoặc sống độc thân mà vẫn sinh con tăng lên. Bên cạnh đó là tình trạng quan hệ tình dục dễ dãi, sống thử, nạo phá thai ngày càng nhiều.

Đời sống được nâng cao, các gia đình lại chỉ sinh một hoặc hai con, vì thế mà ra sức nuông chiều, tạo ra hiện tượng mà người ta gọi là những "Ông hoàng, bà chúa". Cha mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu quá đáng của con cái. Nhiều gia đình cán bộ hoặc kinh doanh vì bận mải công tác hoặc buôn bán, mà ít chú ý đến việc gần gũi, giáo dục con cái, chỉ biết tung tiền ra thuê gia sư nhồi nhét kiến thức. Nhà trường rồi gia đình lại bắt học sinh học hành quá tải, chỉ chú ý dạy chữ mà không chú ý đến việc dạy người. Trẻ em xa thực tế đời sống, biết tượng Thần vệ nữ, tháp Ep-phen, nhưng lại không biết người nông dân vất vả như thế nào để làm ra cây lúa, hạt gạo. Lúc ăn cơm, ít thấy con cháu mời ông bà, cha mẹ; ra đường thấy người già cả cũng chẳng ai chào, hoặc nhường chỗ. Có những gia đình, ông bà tám, chín mươi tuổi không thấy mừng thọ, nhưng con cái mới bốn, năm tuổi đã tổ chức sinh nhật linh đình, lớn hơn thì mời bạn bè nhảy nhót, nâng cốc, đi vũ trường…

Chính vì việc giáo dục con cái không được quan tâm ở cả ba phía gia đình, nhà trường và xã hội, nên tình trạng trẻ em phạm pháp xảy ra ngày càng nhiều. Thậm chí, những vụ án hình sự giết người, hãm hiếp, mà kẻ phạm tội là những vị thành niên, khiến chúng ta phải đau lòng. Có lần tôi đã chứng kiến một trại giam đưa phạm nhân đi lao động, trong hai hàng người lặng lẽ bước đi kia, phần nhiều là những khuôn mặt trẻ, như trong một trường học vậy. Có người nói, bây giờ phạm nhân đã trẻ hóa rồi!

Đọc các vụ án thấy những trường hợp phạm tội phần lớn là những gia đình bất hạnh, cha mẹ bỏ nhau, con cái bơ vơ, hoặc những gia đình bố mẹ sống không hòa thuận “ông ăn chả, bà ăn nem”, thậm chí đánh chửi nhau như cơm bữa, làm cho con cái mất niềm yêu thương, tin tưởng. Cũng có những trường hợp bố mẹ mải kiếm tiền, hoặc tham nhũng, xây nhà, tậu xe, sẵn sàng mua cho con xe xịn, quần áo hàng hiệu, tiền bạc rủng rỉnh, và bè bạn của chúng là ai cũng chẳng để ý, thế là mắc vào nghiện hút, cờ bạc, bỏ học, đua đòi và con đường đi vào trại giam là điều dễ hiểu. Ly hôn nhiều thì tái hôn cũng nhiều. Con anh, con tôi, con chúng ta, khiến sự hòa thuận, êm ấm trong nhiều gia đình bị xáo trộn, trẻ em chán đời, học hành chểnh mảng, bỏ nhà ra đi và tệ nạn xã hội sẽ là những cái bẫy đón chúng. Có thể nói những gia đình sống không có nền nếp, không có đạo lý, không thể trở thành những gia đình hạnh phúc.

Chúng ta đều biết, quan hệ gia đình Việt Nam là quan hệ huyết thống và tình nghĩa. Gia đình là trường học đầu tiên và suốt đời của con người, và chỉ có từ trong gia đình con người mới lớn lên, phát triển bình thường và hữu ích được. Có lẽ vì thế, mà trước đây Liên hiệp quốc đã đề ra Năm Quốc tế Gia đình với một biểu trưng đầy ý nghĩa: "Gia đình - Trái tim dưới một mái nhà".

Từ xưa, Khổng Tử đã từng nói rằng: Nền nếp gia đình là phản ảnh nền nếp của một xã hội. Cụ Phan Bội Châu cũng nói: "Nước là một cái nhà lớn và nhà là một cái nước nhỏ". Còn Bác Hồ của chúng ta thì nói: "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn". Trong một ngày lễ Quốc khánh của Singapo, thủ tướng nước này đã đọc duy nhất một bài diễn văn nói về xây dựng gia đình… Vị trí của gia đình đã được khẳng định là quan trọng như vậy. Nhưng hình như nhiều người chúng ta còn chưa thấy hết điều đó, hoặc biết mà không làm.

Có người nói trong một gia đình, ông bà, cha mẹ phải là những "người mẫu", những tấm gương và sự giáo dục con cái không gì tốt hơn là những tấm gương đó. Giáo dục con cái không nên thiên về sự nghiêm khắc thái quá, mà nên xuất phát từ tình yêu thương, tin cậy. Cần dạy con cháu lòng biết ơn, yêu thương con người, có cách ứng xử văn minh, phù hợp với lòng nhân ái và đạo lý làm người. Cần dạy cho con cháu "Thương người như thể thương thân" như ông bà ta đã dạy. Biết tự trọng và tôn trọng người khác. Biết tuân theo những chuẩn mực đạo lý cũng như những quy định của pháp luật.

Viện sĩ Li-kha-chốp (Liên bang Nga) cho rằng: "Con người ta cần phải có một nơi cư trú về đạo đức. Đó chính là tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó với quá khứ và hiện tại. Những điều đó làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của con người, làm cho con người càng trở nên hoàn thiện".

Những nhà nghiên cứu cho rằng, sự chạy đua của thế kỷ 21, suy cho cùng là sự chạy đua về con người. Những quốc gia có nguồn nhân lực ưu việt, có đội ngũ khoa học công nghệ cao, nhân cách ưu tú, năng động… sẽ là những quốc gia phát triển mạnh mẽ. Chính vì thế, nhiều nước đã đầu tư lớn cho giáo dục, và nước ta cũng đã coi giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Tiếc rằng giáo dục của chúng ta trong những năm vừa qua chưa làm tốt được vai trò quan trọng của dạy người và dạy chữ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Củng cố gia đình là củng cố hạt nhân của xã hội. Gia đình tốt đẹp có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"./.

Bùi Công Bính
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com