Quản lý chặt thị trường đồ chơi trẻ em "bảo vệ trẻ em bằng hành động"

08:06, 29/06/2013

Vấn đề tràn lan đồ chơi trẻ em độc hại có xuất xứ Trung Quốc đã được cảnh báo từ rất lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rất nhiều nhà chuyên môn đã phân tích rõ những mối nguy từ sản phẩm đồ chơi làm bằng các nguyên liệu và hóa chất nguy hại cho sức khỏe. Đáng ngại là các sản phẩm này không gây hại ngay khiến nhiều người chủ quan, các chất độc hại trong đồ chơi chỉ được thôi ra khi trẻ em cầm nắm đồ chơi lâu, ngậm đồ chơi... và ngấm ngầm gây hại cho sức khỏe của trẻ, là nguyên nhân của những căn bệnh nan y, ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về trí tuệ và thể lực của trẻ. Theo bác sĩ Lê Thanh Huyền (Bộ Y tế), trẻ có thể nhiễm độc từ các yếu tố thôi nhiễm nguy hiểm có trong các loại đồ chơi như siêu nhân, ô tô, bộ xếp hình... Mặc dù không gây ra những bệnh cấp tính dữ dội song chúng lại có khả năng tích lũy và gây bệnh mãn tính với sự phát triển âm thầm và gây ra nhiều bệnh khác nhau. Một số bệnh điển hình là bệnh não, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ trẻ em, tan máu, ung thư gan, thận, phổi, dạ dày... Đây là những bệnh lý hệ trọng, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em.

Đồ chơi bạo lực bày bán công khai. (ảnh minh họa/Internet).
Đồ chơi bạo lực bày bán công khai. (Ảnh minh họa/Internet).

Thế nhưng những đồ chơi độc hại này bằng các con đường vẫn tràn lan trên thị trường. Năm 2009, Bộ KH và CN ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em" (QCVN 03:2009) quy định: Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu. Tuy nhiên, việc gắn nhãn chứng nhận an toàn cho đồ chơi trẻ em bán trên thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em còn nhiều bất cập. Theo kết quả kiểm tra của 39 Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng các tỉnh, thành phố cả nước trong năm 2012 tại 460 cơ sở kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em với 26.686 mẫu đồ chơi, đã phát hiện 10.366 mẫu vi phạm; 10.428 mẫu không có dấu hợp quy; 13.722 mẫu không có chứng nhận hợp quy. Đáng chú ý, kết quả khảo sát chất lượng đồ chơi “thú nhún” làm bằng nhựa dẻo của Cục Quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa tại 37 cơ sở trên toàn quốc đã phát hiện hàm lượng chất phthalates chiếm 5.016-9.540 mg/kg (cao gấp 5-9 lần tiêu chuẩn hiện hành của thế giới) có nguy cơ gây vô sinh và ung thư rất cao. Liên quan đến loại đồ chơi "thú nhún", ở Singapore ngay khi có phản ánh của người dân về những dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em chơi thú nhún, nhà chức trách đã yêu cầu cơ quan chuyên môn kiểm tra và đã ra lệnh thu hồi toàn bộ loại đồ chơi này khi kết quả kiểm nghiệm cho thấy có chất độc hại. Nhưng ở trong nước, hiện nay loại đồ chơi này vẫn chưa bị thu hồi do "chưa có quy định trong nước". Những cảnh báo từ cộng đồng quốc tế khiến người ta không khỏi giật mình lo ngại. Mới đây Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh thu hồi 15 mặt hàng đồ chơi và trang phục trẻ em có xuất xứ Trung Quốc do các sản phẩm này chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe. Các sản phẩm trên đều bị xếp hàng “nguy hiểm” đối với trẻ em và bị cấm tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Còn trong tháng 2-2013 vừa qua, Hải quan Mỹ cùng Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng nước này đã tịch thu gần 30.000 đồ chơi Trung Quốc trong lô hàng nhập khẩu qua cảng San Juan. Qua giám định, lô hàng này có hàm lượng chì vượt mức an toàn theo quy định của Mỹ.

Trước tình trạng thị trường đồ chơi trẻ em bát nháo, tiềm ẩn nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ em, nhiều chuyên gia đều khuyên các bậc phụ huynh phải tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn đồ chơi cho con, cháu. Nhưng, để mua đồ chơi an toàn thì, hoặc quá đắt nếu là sản phẩm nhập khẩu được bảo đảm, còn đồ chơi trong nước thì chủng loại ít, kém hấp dẫn về kiểu dáng, mẫu mã, những loại được trẻ em thích thì giá lại vượt quá khả năng chi trả của cha mẹ. Mặt khác, sở thích của trẻ lại thay đổi liên tục nên phải mua rất nhiều. Một vấn đề khác, nhiều phụ huynh phàn nàn, ở nhà rất cầu kỳ kén chọn đồ chơi cho con, nhưng đến lớp các cháu vẫn phải chơi loại đồ chơi thiếu an toàn, do ở nhiều trường mầm non hạn hẹp kinh phí chỉ mua loại đồ chơi rẻ tiền, hoặc có lớp cô giáo kêu gọi các cháu đóng góp đồ chơi để chơi chung nên các cháu vẫn phải tiếp xúc với đồ chơi thiếu an toàn?! Đồ chơi không thể thiếu với trẻ em. Các nhà khoa học đã cho biết đồ chơi có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách của trẻ.

Tháng hành động vì trẻ em, chúng ta mong muốn "Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động". Cần hành động quyết liệt của cả cộng đồng đấu tranh loại bỏ đồ chơi trẻ em có chất độc hại khỏi thị trường. Các cơ quan chức năng với trách nhiệm và quyền hạn được giao cần nâng cao trách nhiệm quản lý chặt thị trường đồ chơi trẻ em, kiên quyết không cho các sản phẩm nguy hại này có mặt trên thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế nhiều mẫu mã đồ chơi hấp dẫn, tìm các biện pháp giảm giá thành sản phẩm để nhiều trẻ em Việt Nam có cơ hội được dùng đồ chơi an toàn. Các nhà kinh doanh không vì lợi nhuận mà bất chấp, hy sinh tương lai giống nòi của dân tộc, buôn bán đồ chơi Trung Quốc rẻ tiền nhưng độc hại. Được biết, “trước tình trạng đồ chơi trẻ em không nhãn mác được nhập khẩu vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, trong hai tháng 8 và 9-2013 Bộ KH và CN sẽ tiến hành thanh tra trên diện rộng chuyên đề mặt hàng đồ chơi trẻ em trên toàn quốc nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em. Chủ trì đợt thanh tra ở địa phương là Sở KH và CN phối hợp với Sở Công thương, Sở GD và ĐT, lực lượng Công an Kinh tế. Hy vọng đợt thanh tra và nhiều biện pháp khác của các ngành, cơ quan chức năng sẽ làm trong sạch thị trường đồ chơi trẻ em, bảo vệ những “búp trên cành" vì tương lai của đất nước./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com