Nhìn lại hệ thống thoát nước Thành phố Nam Định qua đợt ngập "lịch sử"

09:10, 16/10/2017

Từ tối 9-10 mưa lớn kéo dài liên tiếp trong các ngày tiếp theo đã gây ngập khắp Thành phố Nam Định; nhiều tuyến đường phố mênh mông nước ngập. Mọi hoạt động dân sinh tại Thành phố Nam Định đều bị tê liệt, những hộ dân tại các tuyến phố “rốn nước” phải sống trong cảnh lội nước bì bõm, đồ đạc không kịp di chuyển thì đành chấp nhận ngập nước. Nhiều tuyến phố bị chia cắt, nhiều xe máy, ô-tô chết máy khi lội nước đường dài, ngập sâu.

Nhiều xe bị chết máy phải dắt bộ khi cố gắng vượt qua điểm ngập lụt trước cổng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp Nam Định trên đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định).
Nhiều xe bị chết máy phải dắt bộ khi cố gắng vượt qua điểm ngập lụt trước cổng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp Nam Định trên đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định).

Cty TNHH một thành viên Công trình đô thị Nam Định cho biết, từ 9 đến 11-10, tại thành phố lượng mưa phổ biến từ 100-150mm/ngày, thậm chí có nơi ghi được hơn 200mm. Đồng chí Đỗ Minh Dũng, Giám đốc Cty chia sẻ: “Lượng mưa lớn liên tục kéo dài khiến cho hệ thống cống của thành phố không kịp thoát nước. Dù Cty đã huy động 100% quân số túc trực 24/24h và triển khai các giải pháp xử lý nhưng cũng đành “chịu thua” ông trời”. Ngoài yếu tố thời tiết mưa lớn dồn dập kèm theo lũ khiến việc thoát nước khó khăn, theo giới chuyên môn cần phải có giải pháp căn cơ lâu dài đối với hệ thống thoát nước mới có thể giải quyết triệt để được tình trạng ngập lụt hiện ngày càng phổ biến tại thành phố mỗi khi mưa lớn. Qua thống kê cho thấy, tại thành phố, với lượng mưa kéo dài trong 30 phút liên tục, các tuyến đường đã có dấu hiệu ngập ở đỉnh đường và theo tuần tự các vị trí trũng nhất tại thành phố sẽ là các điểm ngập sớm, ngập lâu nhất. Hiện tại, khu vực đường Hàng Thao - Máy Tơ là khu vực trũng nhất với mức độ ngập sâu nhất từ 50-70cm. Tiếp đến là khu vực ngã 6 Năng Tĩnh, đường Hàn Thuyên - Hùng Vương, chợ Diên Hồng - Quang Trung; đường Trần Hưng Đạo có hai khu vực từ ngã tư cắt với đường Quang Trung đến Dốc Lò Trâu và chân cầu Đò Quan; khu vực đường Thành Chung - Điện Biên; cuối cùng là khu vực Chùa Cả - UBND phường Vị Hoàng. Các tuyến phố cổ Hàng Tiện, Hàng Cấp, ngay cả KĐT mới Hòa Vượng cũng chịu chung cảnh ngộ “sống chung với ngập”. Đây đều là các điểm đen về ngập lụt “kinh niên” của thành phố. Chia sẻ với chúng tôi, về phía Cty Công trình đô thị cho biết, hệ thống thoát nước của thành phố được chia theo 2 tuyến phía tây nam và đông bắc với ranh giới là đường Trần Hưng Đạo. Hệ thống phía tây nam này chủ yếu thoát ra mương Kênh Gia sau đó được bơm ra sông Đào qua Trạm bơm Kênh Gia. Hệ thống cống thoát nước chính khu vực này sau khi được đầu tư cải tạo đã tương đối hoàn chỉnh, số điểm ngập úng trên địa bàn giảm chỉ còn một vài tuyến ngập lâu. Đối với tuyến Hàng Thao, Máy Tơ, Ngô Quyền, Bến Thóc với lượng mưa trên 50mm thì thời gian ngập từ 1-2h, độ sâu 30-40cm, đỉnh điểm có thể là 50-70cm như đợt mưa vừa qua. Do hệ thống cống khu vực Máy Tơ có kích thước nhỏ (B=200mm) nên không đảm bảo tiêu thoát nước với lưu lượng lớn. Mặt khác, tại các tuyến đường Hàng Thao, Tô Hiệu thiếu hệ thống thu nước mặt đường, một số ghi thu nước mặt đường bị người dân bít kín làm lối đi lại. Tuyến phố Bến Thóc một số đoạn không có cống. Vì thế không đảm bảo tiêu thoát nước tại khu vực này khi xảy ra mưa lớn. Tuyến đường Phan Đình Phùng (đoạn ngã tư giao với Hàng Cau, Hai Bà Trưng) thời gian ngập 1,5-2,5h với lượng mưa trên 50mm, ngập sâu 30-50cm. Đây là nơi địa hình thấp, nước các nơi tập trung về nhiều. Cống qua đường Trần Hưng Đạo có ống nước chạy ngang cống vì thế làm giảm khả năng tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn. Ngoài ra còn tồn tại một số điểm đen ngập úng từ 1-2h là khu vực ngã 6 Năng Tĩnh; chợ 5 tầng đường Trần Đăng Ninh; Trần Phú (đoạn Bưu điện tỉnh) do hệ thống hạ tầng cũ, cống thoát nước nhỏ nên khả năng tiêu thoát kém. Còn hệ thống thoát nước phía đông bắc thành phố chủ yếu tiêu thoát ra mương T3-11 sau đó qua Trạm bơm Quán Chuột ra sông Hồng và tự chảy ra sông Vĩnh Giang. Tuy nhiên, hiện nay đang thi công cầu qua mương T3-11 nên ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước. Các tuyến phố Hàng Tiện - Hàng Cấp - Quang Trung, ngõ An Phong: ngập 30-40cm thời gian ngập 1-2,5h với lượng mưa trên 50mm. Nguyên nhân do hệ thống cống hộp 2 bên vỉa hè kích thước B=200-300mm thu nước của nhà dân và mặt đường đổ vào cống An Phong qua chợ Diên Hồng. Tuy nhiên, tại mỗi hố ga, người dân sử dụng các ống nhựa để ngăn mùi vì thế làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Mặt khác, rác thải từ chợ Diên Hồng tràn ra bịt các rãnh, nắp ga làm giảm khả năng thu nước mặt đường. Tuyến Hàn Thuyên thường ngập sâu 30-50cm trong 1,5-2,5h với lượng mưa >50mm. Cống đường Hàn Thuyên nhỏ, ga thu nước mặt đường ít hoặc bị thu hẹp, hướng nước đổ ra cống Phù Nghĩa không đảm bảo cao độ nên thoát nước chậm. Tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài, khu TĐC hồ Hàng Nan; đường Điện Biên đều ngập sâu 30-50cm trong 2-3h khi lượng mưa trên 50mm. Khả năng tiêu thoát nước của tuyến cống Trần Hưng Đạo chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước hồ Truyền Thống. Hiện nay, cống Trần Hưng Đạo luôn đầy nước (kể cả lúc trời không mưa) do mực nước hồ Truyền Thống cao, mặt bùn trong hồ cao hơn đỉnh cống Trần Hưng Đạo, vì thế làm kéo dài thời gian ngập úng của tuyến đường này. Ngoài ra nhìn chung hệ thống tiêu thoát nước Thành phố Nam Định được xây dựng chắp vá, không đồng bộ, một số tuyến cống có từ thời Pháp đã không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước khi có mưa lớn. Mặt khác, cùng với sự phát triển của thành phố, các vùng trũng, ao hồ bị lấp nhiều, cao độ nền không được kiểm soát cũng là những nguyên nhân gây ngập úng cho khu vực lõi đô thị.

Nhằm đối phó với tình trạng ngập úng trong các ngày qua, Cty đã chủ động tổ chức lực lượng nạo vét thường xuyên các tuyến cống trong nội thành, nạo vét vớt bèo rác cửa xả, kênh mương. Ứng trực mở các hố ga thu nước mặt đường, vớt rác tại các cửa ghi khi mưa nhằm khẩn trương tiêu thoát nước, hạn chế tối đa thời gian úng ngập. Thường trực bơm tiêu nước đệm tại các trạm bơm Quán Chuột và Kênh Gia, duy trì cốt nước thấp nhất có thể tại các trạm bơm trong mùa mưa bão. 100% nhân viên được huy động duy trì mở các nắp hố ghi thu nước, chặn rác thải tại các tuyến cống trên phố để đảm bảo thoát nước nhanh nhất, yêu cầu các trạm bơm liên tục 100% công suất để bơm tiêu thoát úng ngập cho thành phố. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố trước những diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu, trong thời gian tới,

Cty đề nghị đơn vị thi công tuyến mương T3-11 cần kịp thời phá dỡ đập, nhổ cọc tre trong lòng mương khi có mưa lớn. Thành phố cần xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa các tuyến cống không đảm bảo tiêu thoát nước. Chỉ đạo các phường phá dỡ các công trình lối đi người dân tự ý xây vít, thu hẹp cửa ghi thu nước. Yêu cầu các chủ hồ nuôi cá hạ thấp mực nước các hồ điều hòa, đặc biệt hồ Hàng Nan, hồ Truyền Thống, hồ Năng Tĩnh. Có kế hoạch xây dựng tuyến cống thoát nước độc lập khỏi các hồ để chủ động trong công tác tiêu thoát nước. Xây dựng hệ thống cảnh báo, bản đồ ngập lụt phổ biến rộng rãi giúp người dân chủ động các biện pháp ứng phó khi mưa lớn ngập lụt. Rà soát, xây dựng quy hoạch thoát nước, hướng thoát nước cho phù hợp với sự phát triển của thành phố, trong đó lưu ý quản lý cao độ nền tại các khu vực san lấp, xây dựng mới, tránh tạo hiệu ứng “lòng chảo” đô thị giữa các khu đô thị mới xây dựng và vùng lõi trung tâm thành phố./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com