Khắc phục "sạn" quảng cáo

06:09, 15/09/2017

Quảng cáo là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gia tăng doanh số, thị phần và mở rộng thị trường. Hiện nay, các doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hình thức quảng cáo sản phẩm, dịch vụ như các phương tiện thông tin truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình) thông qua mạng xã hội hay trực tiếp tổ chức sự kiện quảng cáo, phát tờ rơi… Tuy nhiên cùng với việc nở rộ các hình thức quảng cáo đã xuất hiện không ít sản phẩm quảng cáo có nội dung kém về chất lượng, xa lạ với văn hóa, tâm lý tiếp nhận của người tiêu dùng, gây nhiều ức chế cho người xem, dễ làm lệch lạc suy nghĩ của trẻ nhỏ và phiền toái cho cộng đồng…

Lộn xộn biển quảng cáo trên tuyến đường liên xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).
Lộn xộn biển quảng cáo trên tuyến đường liên xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng).

Hoạt động quảng cáo được quy định cụ thể tại Luật Quảng cáo, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Trong đó, quy định cụ thể về những sản phẩm dịch vụ không được quảng cáo và những hành vi cấm quảng cáo như: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh, vi phạm sở hữu trí tuệ, quảng cáo làm ảnh hưởng đến trẻ em… Tuy nhiên hoạt động quảng cáo trên thực tế đã xuất hiện nhiều hành vi phản cảm, vi phạm Luật Quảng cáo. Trong đó hành vi phát tờ rơi quảng cáo tại các nút giao thông có đèn tín hiệu cho những người tham gia giao thông mỗi lần dừng xe khiến người đi đường khó chịu, và gây mất mỹ quan, môi trường đường phố do việc tờ quảng cáo ngay lập tức bị vứt bỏ trên đường. Có trường hợp người được thuê phát tờ quảng cáo cố tình gài vào sau xe hay bỏ vào giỏ xe của người đi đường khi họ không muốn cầm. Những tờ quảng cáo được in đủ kiểu, từ nhỏ đến to, từ trắng đen tới đủ màu lòe loẹt. Nội dung quảng cáo là tất cả những thông tin mà doanh nghiệp, người sản xuất, tổ chức dịch vụ muốn chuyển tải tới khách hàng từ khuyến mãi, bán trả góp, giảm giá đến khai trương nhà hàng, quán ăn, cơ sở massage, karaoke, dạy kèm, cho thuê phòng trọ… Ngoài vấn đề vệ sinh công cộng, những tờ rơi dù vô tình hay cố ý đã gây ảnh hưởng khá nhiều đến giao thông. Nhiều đơn vị thuê người phát quảng cáo tận nhà dân; các trường hợp đóng cửa, đóng cổng thì nhét những tờ quảng cáo vào khe cửa, dán lên cột điện, lên tường nhà. Hay quảng cáo được in phun, quét sơn bừa bãi lên các bức tường tại khu sinh hoạt công cộng. Chị Vũ Thúy Hằng, khu tập thể Văn Miếu (TP Nam Định) than phiền: Nhà tôi đi vắng, nhưng mỗi tuần hoặc nửa tháng, cả cuốn quảng cáo hàng chục trang in màu được nhét vào cổng. Khi trời nắng thì không sao nhưng trời mưa là giấy nát tươm, màu mè lòe loẹt giãi đầy ra cổng. Nhà nuôi chó thì tập quảng cáo trở thành đồ chơi cho con vật, sau một hồi sân, cổng bừa bãi giấy vụn… Những hành vi này rõ ràng bị cấm trong hoạt động quảng cáo được luật quy định nhưng hiện vẫn khá phổ biến công khai nhưng không bị xử lý. Ngoài những phiền toái từ quảng cáo trực tiếp bằng tờ rơi, nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng, thiết bị bảo vệ sức khỏe còn bị làm phiền bởi cách quảng cáo gọi điện thoại trực tiếp của nhà cung cấp. Theo đó khi tham gia chương trình mua sản phẩm, người bán thường xin thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của khách hàng với lý do để tích điểm khuyến mãi hoặc chăm sóc khách hàng… rồi từ đó cứ dăm ba tháng lại gọi để giới thiệu sản phẩm mới hay tư vấn tiêu dùng mà chủ yếu để mời mua hàng. Sự đeo bám của các nhân viên tư vấn nhiều khi khiến người bị gọi rất khó chịu. Trong vô số những phiền toái do quảng cáo mang lại thì hình thức quảng cáo gây nhiều bức xúc cho người dân nhất hiện nay vẫn là quảng cáo trên truyền hình với hàng loạt lỗi như: Quảng cáo quá dày đặc, quá thời lượng quy định; nội dung lặp lại hoặc nói quá so với công dụng, chất lượng thực của sản phẩm… Nhiều quảng cáo phản cảm, thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, phân biệt đối xử với người tàn tật, “trọng nam khinh nữ” gây ức chế cho khán giả và làm “hư” trẻ nhỏ. Thời gian gần đây, hàng loạt quảng cáo gây bức xúc cho khán giả được nhắc đến như: nhân vật nữ trong quảng cáo dầu gội đầu bị cho là “vô lễ với mẹ chồng tương lai” khi nhân vật cô gái được mẹ của chàng trai hỏi bí quyết làm nên mái tóc dài óng mượt của cô: “Cháu duỗi tóc ở tiệm à?” và nhận được câu trả lời cộc lốc: “À không, chỉ là Rejoice thôi mà”! Còn trong một quảng cáo sữa Anlene chống loãng xương, lời thoại của nhân vật cũng bị cho là bất hiếu, thiếu quan tâm đến cha mẹ khi cô tâm sự trong đoạn quảng cáo: “Nghe bác sĩ nói mẹ mình có nguy cơ loãng xương nên mình phải uống Anlene ngay”! Một số quảng cáo lại nói sai sự thật như quảng cáo tâng bốc sản phẩm của các nhãn hiệu kem đánh răng: “Close up cam đoan làm nụ cười trắng sáng, hơi thở thơm mát”, “PS đẩy lùi vết ố”, “Colgate cho răng chắc khỏe, không sâu răng...” kèm theo đó là câu “Tất cả đều được Hiệp Hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) và Viện Răng Hàm Mặt (thuộc Bộ Y Tế) chứng nhận”! Trên thực tế, kem đánh răng chỉ làm sạch răng chứ không thể làm men răng trắng lên. Gần đây, một số màn quảng cáo trên truyền hình thường lố bịch đến mức phản cảm. Khá nhiều clip quảng cáo với hình ảnh người phụ nữ có thái độ chua ngoa, đanh đá khi ứng xử với mọi người xung quanh. Như ở một quảng cáo xà phòng giặt, đám đông chủ yếu là chị em vây quanh xe chở đầy các túi bột giặt nhao nhao buộc người chuyên chở phải bán hàng. Hay như clip quảng cáo dầu gội đầu Sunsilk kể câu chuyện 3 cô bạn gái cùng đi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có duy nhất một cô có mái tóc suôn mượt mặc dù trải qua một hành trình di chuyển dài với nhiều nắng gió, bụi bẩn do có bí quyết riêng là sử dụng dầu gội Sunsilk. Xem xong đoạn quảng cáo này, nhiều người bình phẩm chế diễu tình bạn của ba cô gái kiểu “thân nhau đến nỗi thân ai nấy lo”. Nguy hại hơn là sau hàng loạt quảng cáo bị dư luận phê bình thì hầu hết đều xoay quanh thái độ ứng xử của người phụ nữ, thậm chí là phê phán người phụ nữ. Xem một loạt quảng cáo có sử dụng hình ảnh nữ, nhất là các bạn trẻ chỉ thấy những người có thái độ thiếu chuẩn mực, ứng xử nơi công cộng thiếu văn hóa với cách nói năng “xoe xóe”, bốp chát... Điều này đi trái hoàn toàn với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu hiền, chịu thương, chịu khó, hay lam hay làm.

Mục đích của sản phẩm quảng cáo là sử dụng các công cụ, kỹ xảo để tạo hiệu ứng mạnh gây tác động mạnh nhất, nhanh nhất đến người xem, lôi kéo sự chú ý và hấp dẫn họ. Chính vì vậy Luật Quảng cáo đã phải quy định các hành vi bị cấm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn người làm quảng cáo bất chấp các giới hạn để đạt được mục đích của mình. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu lực thì các cơ quan chức năng quản lý và đăng tải sản phẩm quảng cáo cần kiểm duyệt chặt chẽ nội dung. Trong bối cảnh hội nhập, hoạt động dịch vụ, kinh doanh quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn lúc nào hết cần chú ý đến hàm lượng văn hóa và những giá trị văn hóa truyền thống nói chung. Các cơ quan chức năng cũng cần thắt chặt công tác kiểm tra, kiểm soát về hình thức, nội dung và chất lượng các quảng cáo với sự tham mưu, xét duyệt của các chuyên gia văn hóa trước khi đến với đông đảo công chúng. Những “hạt sạn” trong quảng cáo hiện nay đã cho thấy ranh giới giữa việc tạo nên tính độc đáo, hấp dẫn và sự phản cảm, thiếu văn hóa, phản giáo dục khá mong manh. Nếu không khắc phục kịp thời sẽ phản tác dụng tuyên truyền./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com