Đề nghị điều chỉnh 10 dự án của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

06:04, 21/04/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2021 gồm 8 dự án. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 1 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Chương trình cho ý kiến gồm 5 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình 8 dự án, dự thảo; đưa ra khỏi Chương trình 1 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). “Sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24, tăng 7 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Số lượng dự án như trên là tương đương với các năm 2017, 2018, 2019 và có thể bảo đảm tính khả thi”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định.

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được cải tiến, đổi mới và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế như: tính dự báo không cao; tình trạng xin lùi, rút dự án do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ… Nguyên nhân chủ yếu là do kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Trong công tác lập đề nghị, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, chưa bám sát yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Các đại biểu đánh giá, việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021 - năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều.

Về việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10-2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 9 (vì về bản chất việc ban hành Nghị quyết cũng là sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai).

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp hoặc không bảo đảm chất lượng phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi Chương trình để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý để tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Cơ quan soạn thảo, cơ quan trình khi xây dựng dự thảo luật cần rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản đang có hiệu lực, văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong quá trình phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo và thể hiện rõ quan điểm của mình về những nội dung tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Sáng 21-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách Trung ương năm 2019; cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí bảo đảm hoạt động đối với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016-2020; việc điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Học viện Tài chính./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com