Hà Giang: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông

08:01, 05/01/2018

Tính đến thời điểm cuối năm 2016, dân số của dân tộc Mông trên địa bàn Hà Giang chiếm trên 200 nghìn người, tương đương khoảng 32% dân số của toàn tỉnh; cư trú tập trung chủ yếu tại 4 huyện Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ) và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Hiện nay, Hà Giang có trên 22 dân tộc cùng sinh sống (chủ yếu là các dân tộc Mông, Na Chí, Nùng, Pu Péo, Giấy, Lô Lô…). Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang có văn hóa đa dạng, phong phú.

Biểu diễn múa khèn của người Mông ở Hà Giang (Ảnh tư liệu: Văn Phú).
Biểu diễn múa khèn của người Mông ở Hà Giang.

Cùng với việc tôn tạo các công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông như Quần thể Kiến trúc nhà Vương, Phố cổ huyện Đồng Văn… các chương trình, dự án liên quan đến truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông cũng được ưu tiên khuyến khích phát triển như: Nghề chế tác khèn Mông ở huyện Đồng Văn, trồng lanh dệt vải thổ cẩm của người Mông ở huyện Quản Bạ, nghề rèn đúc lưỡi cày và đan quẩy tấu của người Mông ở huyện Mèo Vạc… Công tác khôi phục làng nghề của đồng bào dân tộc Mông không những góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Giang đối với du khách khi lên du lịch trên vùng Cao nguyên đá.

Bên cạnh công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Hà Giang còn phát huy uy tín của các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, văn nghệ sĩ, giáo viên… người dân tộc Mông phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa của đồng bào như: Tổ chức các lớp chế tác khèn và dạy thổi khèn Mông, tổ chức các lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ công chức là người thuộc các dân tộc khác trên địa bàn…

TP Hồ Chí Minh: Sẽ thí điểm cung cấp xe đạp công cộng miễn phí

Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở GTVT phối hợp với các ngành chức năng làm việc với Tập đoàn Hyosung và các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư để xem xét đề xuất UBND thành phố triển khai thí điểm giải pháp xe đạp công cộng không người trông coi (Mobike) ở khu vực trung tâm thành phố vào giữa tháng 1 này. 

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao về giải pháp chia sẻ xe đạp thông minh trên địa bàn, trong tình hình thành phố đang đẩy mạnh phát triển mô hình đô thị thông minh. Mobike có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, vừa thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giảm sử dụng phương tiện cá nhân vào nội thành (nhất là giờ cao điểm) vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND thành phố cũng lưu ý Tập đoàn Hyosung về tính chất giao thông phức tạp của thành phố để nghiên cứu sâu hơn nhằm đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com