Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng

08:04, 22/04/2015

Ngày 21-4-2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020”. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành và các cơ quan của Chính phủ; lãnh đạo UBND của 63 tỉnh, thành phố. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Nguyễn Khắc Hưng, Bí thư Tỉnh ủy; Đoàn Hồng Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Tám - TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ KH và ĐT đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của BCH Trung ương Đảng. Nhiệm vụ thực hiện đầu tư các công trình, dự án hạ tầng bước đầu đã được tập trung hoàn thiện, đảm bảo kết nối, nâng cao tính đồng bộ, năng lực, kết cấu hạ tầng. Một số công trình giao thông quan trọng được nâng cấp và hoàn thành, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Các công trình giao thông quy mô lớn gồm các tuyến đường trục chính, cầu lớn, sân bay đã được hoàn thành như đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Liên Khương - Đà Lạt; Đại lộ Thăng Long; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; nhà ga hành khách T2; cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành. Nhiều dự án, công trình trọng điểm về nguồn và lưới điện được hoàn thành. Một số dự án cung cấp điện được tập trung đầu tư đã và đang được hoàn thành, sớm đưa vào khai thác như thủy điện Sơn La, nhiệt điện Vũng Áng 1, Vũng Áng 2; các dự án thủy điện Lai Châu, nhiệt điện Long Phú 1 và Thái Bình 2 đang được khẩn trương xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ. Hệ thống thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn ở miền Trung, Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đầu tư khu neo đậu, tránh và trú bão cho tàu cá được tích cực thực hiện, đến nay hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng 83 cảng cá; 41 khu neo đậu tránh trú bão với công suất 30.776 tàu neo đậu. Nhiều công trình hạ tầng các đô thị được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị lớn. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các tuyến giao thông chính, đường vành đai, các công trình cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn… được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Hạ tầng các KCN, khu kinh tế được các địa phương tập trung đầu tư. Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh. Số lượng chợ xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình, cấp độ chợ; nâng tổng số chợ cả nước lên 8.568 chợ. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phát triển nhanh với tổng cộng 752 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 15 trung tâm hội chợ triển lãm. Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và từng bước hình thành siêu xa lộ thông tin. Hạ tầng GD và ĐT, KH và CN tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Hạ tầng y tế đang được khẩn trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, ngành Y tế đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng 487/598 bệnh viện/trung tâm y tế huyện; 84/119 phòng khám đa khoa khu vực; 100/168 bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Hạ tầng VH, TT và DL được quan tâm đầu tư và tăng cường. Chương trình xây dựng NTM đã thực sự phát huy tác dụng, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên. Tính đến hết năm 2014, ước tính có 785 xã đạt chuẩn (8,8%). Trong bối cảnh chung của nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều công trình trọng điểm đã tập trung đổi mới đầu tư công theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư (BOT, BT, BO, PPP) tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước vào kết cấu hạ tầng.

Hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Một số chính sách, cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với hạ tầng thương mại, hạ tầng, văn hóa, thể dục thể thao và du lịch còn chưa cụ thể, chưa chú ý đến đặc thù của việc xây dựng và vận hành các công trình. Công tác GPMB còn chậm làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, phát sinh chi phí đầu tư, chậm đưa vào khai thác sử dụng, làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư còn hạn chế. Phân cấp đầu tư chưa phù hợp, phân cấp mạnh nhưng thiếu sự quản lý tập trung thống nhất.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ KH và ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp của hội nghị và nhanh chóng trình dự thảo chỉ thị để Thủ tướng Chính phủ ban hành với tinh thần phân công và đôn đốc nhiệm vụ rõ ràng đối với từng bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Thủ tướng đánh giá cao về các kết quả đã đạt được; đặc biệt các địa phương đều quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác quản lý đầu tư công vào các lĩnh vực hạ tầng then chốt, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư xây dựng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, an ninh quốc phòng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính; tạo điều kiện tối đa cho huy động nguồn vốn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng tốt hơn nguồn vốn và nâng cao công tác đảm bảo chất lượng công trình. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành, nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tính khả thi, bám sát thực tế ở các lĩnh vực hạ tầng then chốt. Các địa phương cần tăng cường áp dụng cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng công trình mới; chú trọng quản lý chặt chẽ vốn đầu tư công. Giao Bộ TN và MT chủ trì xây dựng đề án GPMB theo hướng tập trung giải quyết mọi vấn đề tồn tại trong thời gian qua. Yêu cầu Bộ KH và ĐT thống nhất với Bộ Tài chính trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, tính toán nguồn vốn đầu tư công từ 3 nguồn: Ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong 5 năm tới. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương đề xuất xây dựng, thực hiện được các dự án, lĩnh vực kêu gọi được đầu tư theo hình thức công, tư và nguồn vốn xã hội hóa./.

Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com