Tiếp tục đấu tranh, tuyên truyền mạnh mẽ trên môi trường mạng

08:04, 21/04/2015

Việc phát tán các thông tin giả mạo, độc hại hay tin nhắn rác đang diễn biến phức tạp và công khai. Các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này sẽ được Bộ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Bắc Son chia sẻ với người dân trong Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", tối 19-4.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây, nhiều người dân gửi câu hỏi tới Chương trình cho rằng, tình hình phát tán thông tin giả mạo, thông tin độc hại vi phạm pháp luật đang diễn biến khá phức tạp và công khai. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình trạng này? Vì sao việc phát tán các thông tin này lại công khai như vậy?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Cho đến nay, nước ta đã có trên 30 triệu người sử dụng internet và trên 100 triệu thuê bao di động.

Tiện ích của internet rất nhiều nhưng bản chất về công nghệ của internet là môi trường mở, không biên giới. Khi tiếp cận internet ở môi trường như vậy, cộng đồng trong xã hội đều tự do truy cập internet.

Chính tiện ích này đã tạo môi trường cho những kẻ xấu lợi dụng để phát tán những thông tin xấu, độc hại. Các đối tượng này rất tích cực phát tán các thông tin sai trái để thu lợi bất chính hoặc dùng môi trường internet để chống phá chúng ta.

Khi đất nước ta có những sự kiện chính trị quan trọng, các thế lực thù địch cũng gia tăng phát tán các thông tin sai trái.

Thưa Bộ trưởng, các trang phát tán thông tin độc hại này trên thực tế vẫn thu hút được số lượng người đọc nhất định. Điều này rõ ràng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta, vậy với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về truyền  thông, thông tin. Xin Bộ trưởng cho biết chúng ta sẽ có giải pháp gì để đối phó với tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là sự vào cuộc của các cơ quan báo chí

truyền thông đã tuyên truyền tới người dân những mặt tích cực cũng như những mặt trái của internet, đồng thời giúp người dân thấy được các thủ đoạn của những kẻ xấu cũng như những thế lực thù địch, vì vậy, người dân đã quay lưng lại với những thông tin độc hại này.

Ví dụ, những trang như dân làm báo, quan làm báo… trước đây có thể nói là đã gây hiệu ứng xã hội. Nhưng sau đó, nhờ các cơ quan truyền thông báo chí của chúng ta vào cuộc, người dân đã cảnh tỉnh và thấy rằng nếu không cẩn thận mình sẽ bị mắc lừa. Người dân đã dần dần quay lưng lại với những trang thông tin như vậy.

Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ TT và TT đã tham mưu, đề xuất xây dựng nhiều văn bản pháp quy, trong đó tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 72/NĐ-CP, năm 2013, để quản lý dịch vụ internet và các thông tin trên mạng.

Bộ cũng đã ban hành Thông tư 09, năm 2014, để quy rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của người cung cấp thông tin trên mạng cũng như sử dụng thông tin trên mạng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, của tổ chức xã hội khi cung cấp các dịch vụ thông tin trên mạng, sử dụng thông tin trên mạng đúng quy định pháp luật.

Trong năm 2015 này, Quốc hội sẽ xem xét để thông qua Luật An toàn thông tin. Đây là một dự án luật quan trọng góp phần  hoàn thiện dần hành lang pháp lý quản lý trên môi trường mạng.

Còn để ngăn chặn những công cụ phát tán thông tin khác như tin nhắn rác... thì Bộ TT và TT đã có những giải pháp quản lý như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đối với những thông tin dạng này, ngay từ năm 2008, Bộ TT và TT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 90 về ngăn chặn thư rác và Nghị định 77, năm 2012, bổ sung một số điều cho Nghị định 90.

Bộ TT và TT cũng đã ban hành một số văn bản gồm: Thông tư 14, năm 2012, để quản lý thuê bao trả trước (mọi người đều phải kê khai danh tính khi tiếp cận với thuê bao trả trước); Thông tư 04, năm 2012, quy định quản lý hoạt động của các dịch vụ di động để hạn chế sim rác, sim ảo.

Đây là 2 thông tư quan trọng để góp phần ngăn chặn tin nhắn rác. Tuy nhiên, thực trạng tin nhắn rác đến nay vẫn diễn biến phức tạp.

Thưa Bộ trưởng, vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ngăn chặn được 256 nghìn thuê bao có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là phát tán tin nhắn rác. Đối với các nhà mạng, như Vinaphone cũng đã cắt hợp đồng với 12 doanh nghiệp đã cung cấp nội dung. Điều này có thể nói chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được tin nhắn rác. Thế nhưng lâu nay tình hình này vẫn diễn ra. Có nhiều độc giả băn khoăn là có khi chính các doanh nghiệp, nhà mạng lại gián tiếp tiếp tay cho các doanh nghiệp cung cấp nội dung vốn là các đối tác của họ hoặc lờ đi các sim rác. Vậy, Bộ có những biện pháp mạnh tay đối với các nhà mạng hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Chúng ta đã có Nghị định 174, năm 2013, về xử phạt những hành vi sai phạm trong quá trình hoạt động dịch vụ thông tin điện tử. Nghị định này quy định cụ thể các nhà mạng nếu vi phạm hoạt động này sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

Vì tối đa hóa lợi ích, lợi nhuận của mình, các nhà mạng đã không quản lý chặt chẽ thậm chí hợp tác với các đại lý. Do đó dẫn đến tin rác có thời kỳ được ngăn chặn nhưng có thời kỳ bùng phát lên.

Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường quản lý, thanh tra các nhà mạng để kịp thời chấn chỉnh và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Tùy từng tình tiết có thể xử phạt lên tới vài trăm triệu đồng. Với trách nhiệm giữ gìn uy tín cũng như trách nhiệm xã hội, các nhà mạng sẽ tích cực tham gia chống lại nạn tin nhắn rác.

Trong bối cảnh truyền thông phát triển mạnh mẽ, trong khi các loại thông tin xấu và độc hại vẫn hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là từng phút được cập nhật, lan truyền trên mạng, với trách nhiệm của mình, theo Bộ trưởng, lực lượng báo chí của chúng ta nên làm gì cho phù hợp?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Vừa qua chúng ta biết ngoài báo chí truyền thống thì một số tờ báo, một số nhà báo cũng đã tham gia hoạt động rất tích cực trên môi trường mạng. Đây là những người lính trực tiếp được va đập với những thông tin sai trái. Với bản lĩnh của mình, với những bài viết sắc bén, họ sẽ đấu tranh, bảo vệ thuần phong mỹ tục, đường lối của Đảng, Nhà nước, đấu tranh với những luận điệu sai trái trên môi trường mạng.

Ngày 21-4 là kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, và một  thời gian ngắn nữa là kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, thay mặt Bộ TT và TT, tôi kính gửi đến các nhà báo lão thành, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo trong hệ thống báo chí nước nhà lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com