Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa tại các huyện phía nam tỉnh

04:09, 01/09/2020

Chiều 31-8-2020, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra tình hình phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa tại các huyện phía nam tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng trừ sâu bệnh tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, vụ mùa năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 72.911ha, giảm 556ha so với vụ mùa 2019, trong đó diện tích gieo cấy lúa mùa sớm và mùa trung sớm 23 nghìn ha, lúa mùa trung 42.358ha, lúa đặc sản 7.553ha. Từ đầu vụ đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên lúa sinh trưởng, phát triển tốt, độ đồng đều cao, hiện nay các trà lúa đang ở giai đoạn làm đòng - trỗ bông. Dự kiến đến ngày 5-9 có 5.500ha lúa mùa sớm trỗ bông; đến ngày 1-9 có 48.200ha trỗ bông; đến ngày 20-9 có 64 nghìn ha trỗ bông; khoảng 10% diện tích là các giống lúa mùa muộn (tám, nếp đặc sản) trỗ bông sau ngày 20-9. Hiện, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã nở rộ từ ngày 25-8, mật độ sâu phổ biến 70-100 con/m2, cao 300-400 con/m2, cục bộ 700-1.000 con/m2. Rầy lứa 5 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ từ ngày 25 đến 31-8, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 1.000-2.000 con/m2, cục bộ có nơi trên 3.000 con/m2. Lứa rầy này có mật độ cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 gây hại ở lúa đại trà. Mật độ sâu đục thân 2 chấm có nguồn cao từ 0,5-1 con/m2, cao 2-3 con/m2, cá biệt 5-7 con/m2 chủ yếu tuổi 5, nhộng. Dự báo, sâu đục thân lứa 5 sẽ dồn mật độ và tập trung gây hại trên trà lúa mùa trung trỗ bông sau ngày 15-9, nhất là diện tích lúa đặc sản. Bệnh lùn sọc đen đã phát sinh rải rác, nơi cao 0,3-0,5%; mức độ phát sinh và gây hại cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Bệnh khô vằn đã xuất hiện trên tất cả các trà lúa với tỷ lệ bệnh nơi cao 5-10%, cá biệt 20-30% và sẽ tiếp tục lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ do thời gian tới còn có mưa nhiều ngày...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở NN và PTNT, các địa phương đã tập trung cao thực hiện các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại lúa mùa. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã xây dựng 2 quy trình kỹ thuật, hướng dẫn điều tra phát hiện, phòng trừ dịch hại, đồng thời thường xuyên phân công cán bộ kiểm tra đồng ruộng, giám sát chặt chẽ diễn biến của rầy lưng trắng; phối hợp với các địa phương thu thập 270 mẫu rầy, 171 mẫu cây lúa (mạ, lúa chét) có biểu hiện triệu chứng bệnh lùn sọc đen để xét nghiệm, phát hiện virus gây bệnh. Các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân phun trừ dịch hại bảo đảm kết quả cao trong phòng, chống bệnh lùn sọc đen, rầy lứa 4, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5, bệnh khô vằn hại lúa; đặc biệt đã tổ chức, phát động đợt cao điểm phun trừ dịch hại từ ngày 26-8 đến 1-9.

Phát biểu sau buổi kiểm tra thực tế tại các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đánh giá cao sự chủ động trong dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân phun trừ các loại sâu bệnh của ngành Nông nghiệp và các địa phương nên hiệu quả phòng trừ tốt. Tuy nhiên, tại một số ít xã, thị trấn và hộ nông dân phòng trừ không tốt, nhất là rầy lứa 3, nên tỷ lệ bệnh lùn sọc đen vẫn còn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Vụ mùa năm nay, mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao, cá biệt có địa bàn mật độ từ 700-1.000 con/m2. Vì vậy thời gian tới, các huyện, thành phố cần chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp đôn đốc bà con nông dân thường xuyên bám ruộng, kiểm tra, phát hiện sâu bệnh để tập trung phun thuốc xong trước ngày 2-9; sau khi phun xong từ 3-5 ngày tổ chức kiểm tra lại, đánh giá hiệu quả của thuốc, nhất là diện tích ruộng phun gặp trời mưa, nếu mật độ sâu cuốn lá còn trên 50 con/m2 phải tổ chức phun lại. Theo dự báo, lúa mùa sẽ trỗ bông tập trung từ ngày 10-9 nên ngành chức năng, các địa phương và bà con nông dân cần kiểm soát chặt chẽ bệnh khô vằn, rầy, sâu đục thân 2 chấm và bệnh đạo ôn; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về hướng dẫn điều hành sản xuất của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp để có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, quyết tâm giành năng suất cao./.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com