Chuyển giao chức vụ Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

05:11, 19/11/2018

Chiều 19-11-2018, tại Thành phố Nam Định, Uỷ ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy tổ chức phiên họp lần thứ 10 và chuyển giao chức vụ Chủ tịch Uỷ ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN và MT, Phó Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương trên lưu vực sông.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2017-2018 thực hiện nghi thức chuyển giao chức vụ cho Chủ tịch mới.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2017-2018 thực hiện nghi thức chuyển giao chức vụ cho Chủ tịch mới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy khẳng định nỗ lực trong công tác chỉ đạo, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần giúp quá trình thực hiện Đề án Tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2017-2018 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên trên thực tế sự kết hợp giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu BVMT nói chung và BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, cần tiếp tục tập trung xử lý. Thực hiện Đề án Tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2017-2018, cùng với sự phối hợp giữa các bộ, ngành, 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Nam Định và Ninh Bình đã triển khai hàng trăm dự án, công trình hạ tầng, mô hình quản lý, BVMT như: Trồng rừng đầu nguồn tại tỉnh Hoà Bình; mô hình xử lý môi trường làng nghề của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Hà Nội; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế cho bệnh viện các tỉnh, thành phố trên lưu vực... Giai đoạn 2017-2018 có 23 chương trình, dự án xử lý nước thải, cải thiện môi trường sử dụng vốn ODA đang thực hiện tại các tỉnh trên lưu vực với tổng kinh phí trên 38 tỷ  đồng. Trong tổng số 50 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã có 46 cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, 3 cơ sở cơ bản hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, 1 cơ sở chưa hoàn thành. Đã tổ chức các đoàn khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp BVMT trong xử lý chất thải sinh hoạt và chất thải y tế trên lưu vực sông; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh trên sông Nhuệ và sông Châu Giang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống cơ chế, chính sách trong công tác BVMT, BVMT lưu vực sông đã từng bước được hoàn thiện từ Trung ương đến các địa phương. Đã triển khai công tác thống kê, điều tra nguồn thải lỏng xả thải trực tiếp ra lưu vực sông trên địa phận các địa phương; thiết lập hệ thống quan trắc, phân tích từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Việc phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường tổng thể, đồng bộ đã được triển khai và có chuyển biến tích cực. Các bất cập cần tập trung xử lý gồm: Tình hình vi phạm pháp luật về BVMT lưu vực sông còn xảy ra ở nhiều nơi, phương thức vi phạm có chiều hướng tinh vi, nguy hiểm. Kinh phí dành cho sự nghiệp BVMT của các địa phương còn thấp. Công tác phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nổi cộm giữa các địa phương và Trung ương chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Công tác thống kê, điều tra nguồn thải chưa được thực hiện thường xuyên ở các địa phương. Năng lực, nguồn lực của các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ý thức của người dân về BVMT lưu vực sông và chấp hành Luật BVMT còn rất kém. Chất lượng nước sông Nhuệ luôn ở mức thấp, nhiều đoạn bị ô nhiễm nặng và mức độ ô nhiễm đặc biệt cao vào mùa khô. Sông Đáy có chất lượng nước tốt hơn sông Nhuệ nhưng một số điểm trên địa phận tỉnh Ninh Bình muốn sử dụng nước phục vụ sinh hoạt vẫn cần có biện pháp xử lý phù hợp. 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ nguyên nhân, những bất cập đang tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án tổng thể sông Nhuệ - sông Đáy như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách BVMT; tăng cường quản lý, kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện chất lượng nước trên lưu vực sông; cơ chế về tài chính cho việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án xử lý nước thải; tăng cường xử lý ô nhiễm khu vực đầu nguồn và phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh. Trong đó, dự kiến mỗi địa phương sẽ chủ động bố trí nguồn kinh phí để đề xuất thực hiện một chương trình xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp hoặc đô thị. Bộ TN và MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ vốn giúp các địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án xử lý nước thải đã đề xuất.

Nhiệm kỳ V (giai đoạn 2019-2020) chức vụ Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được chuyển giao cho đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình. 

Phát biểu nhận nhiệm vụ được giao, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2019-2020 đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương trong khu vực tăng cường hơn nữa công tác phối hợp đồng bộ và rộng khắp; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý và xử lý nguồn thải trên địa bàn; duy trì chế độ thông tin và tuyên truyền; hệ thống quan trắc và giám sát môi trường… để có thể hoàn thành mục tiêu đề án đặt ra trong BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com