Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị là Tổng Bí thư (kỳ 4)

06:08, 13/08/2020

Lê Quang Vĩnh

(tiếp theo)

Những cống hiến của Tổng Bí thư trường Chinh trong công cuộc đổi mới đất nước

Ngày 14-7-1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt để bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Nhận rõ trách nhiệm ở vị trí mới trước sự chờ đợi của toàn Đảng cũng như toàn dân ở thời điểm thật ngặt nghèo của lịch sử đất nước và dân tộc, đồng chí Trường Chinh đã hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VI của Đảng. Nhiều suy tính, quan điểm, khuynh hướng khác nhau đòi hỏi được quy về một mối. Đồng chí Trường Chinh đã tổ chức làm việc chặt chẽ với quỹ thời gian eo hẹp, vừa nghe những thông tin khoa học, vừa nghe tình hình cụ thể của các ban, ngành và các địa phương tìm ra những kết luận thỏa đáng, thích hợp.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đồng chí Trường Chinh là người lát những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho sự nghiệp vĩ đại ấy. Chính trong thời điểm phức tạp nhất của hoàn cảnh quốc tế, cùng với những khó khăn của đất nước ta, trên cương vị là Tổng Bí thư, với tư duy chính trị lão luyện, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế phát triển của thời đại, nắm vững thực trạng của đất nước và yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị kịp thời đề ra chủ trương đổi mới. Những quan điểm đổi mới tư duy mà đồng chí là người đầu tiên đề xuất đã trở thành nền tảng phương pháp luận cho việc nhận thức và giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới.

Đồng chí Trường Chinh là người đầu tiên đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Chỉ đổi mới tư duy kinh tế, đời sống nhân dân mới được cải thiện và nâng cao thì mới lấy lại niềm tin vào công cuộc đổi mới. Đổi mới tư duy kinh tế có hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho đổi mới chính trị. Nhưng theo đồng chí không phải chờ đổi mới tư duy kinh tế xong mới bắt đầu đổi mới hệ thống chính trị, mà phải tính toán bước đi thích hợp sao cho quá trình đổi mới từng bước hệ thống chính trị không gây nên những biến động chính trị.

Chính trên ý nghĩa ấy trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Trường Chinh đã nói rõ mối quan hệ giữa quản lý kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, đồng chí nói: "chuyển sang hoạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định, đó là tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Cần tiến hành ngay việc đổi mới và kiện toàn tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, trước hết đối với những bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh". Đồng chí cho rằng, chuyển sang cơ chế mới, nếu không làm như vậy thì chúng ta khó mà vượt qua và thoát khỏi tình hình khó khăn gay gắt hiện nay.

Như vậy, cuộc đấu tranh để xóa bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp chuyển hẳn sang mô hình kinh tế mới, cơ chế quản lý mới không phải là quá trình đơn giản, một sớm một chiều mà có thể giải quyết được. Đó là một quá trình đấu tranh với những quan điểm, cách nghĩ, cách làm cũ lỗi thời, bảo thủ, trì trệ với những quan điểm đổi mới và cách nghĩ cách làm đúng đắn, sáng tạo. Điều đáng nói hơn là bề ngoài ai cũng nói tán thành Nghị quyết, nhưng khi chỉ đạo thực hiện thì lại đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết.

Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có ý chí lớn, có tư duy nhạy bén và có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh là một con người như thế. Trong quá trình đổi mới tư duy, đồng chí bắt đầu đổi mới tư duy kinh tế mà không bắt đầu đổi mới tư duy chính trị. Thực tế đã chứng minh cách làm đó là hoàn toàn đúng đắn phù hợp.

Đồng chí Trường Chinh là một nhà lý luận nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn mà tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đồng chí Trường Chinh là người có tinh thần chí công vô tư, luôn coi trọng chân lý, không hề chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, đoàn kết lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân. Đồng chí là một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo lớn của cách mạng nước ta, ba lần được bầu làm Tổng Bí thư, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com