Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị là Tổng Bí thư (kỳ 1)

06:07, 09/07/2020

Lê Quang Vĩnh

Đồng chí Trường Chinh với tư duy chiến lược tài năng và sáng tạo trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám

Từ Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (5-1941), Đảng ta đã hoàn chỉnh cuộc chuyển hướng chiến lược cho phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 8 đã khẳng định: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".

Trên cơ sở làm sáng tỏ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8, trong tài liệu chính sách mới của Đảng, viết tháng 9-1941, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: "Cuộc cách mạng Đông Dương hiện thời là cách mạng giải phóng dân tộc"; "lúc này, nhiệm vụ phản đế nặng nề và cấp bách hơn nhiệm vụ ruộng đất". Lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thẩy. Quyền lợi của một bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể dân tộc, quyền lợi của một giai cấp phải đứng sau quyền lợi của cả nhân dân. Đông Dương không được giải phóng khỏi ách đế quốc thì dân tộc sẽ vô cùng đau khổ và bị diệt vong. Cho nên, bất cứ một nhiệm vụ gì chưa cần kíp mà đặt ra lúc này có thể tổn hại cho nhiệm vụ phản đế thì phải gác lại để giải quyết sau".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.

Quyết định chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 8, tháng 5-1941 rõ ràng là sự hoàn chỉnh quá trình chuyển hướng chiến lược được bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6, tháng 11-1939, đồng thời là sự trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giải phóng dân tộc được khẳng định trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng vào tháng giêng năm 1930. Cần nhận rõ, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh, người khởi thảo Nghị quyết đóng vai trò hết sức quan trọng trước một quyết định chiến lược mang ý nghĩa lịch sử.

Như vậy, trong tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh đã tụ hội được tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với những dự báo đúng đắn về tình thế cách mạng trực tiếp và thời cơ lịch sử khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu một số nhiệm vụ cần làm để thi hành Nghị quyết Trung ương, đó là: tuyên truyền, phổ biến tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đến tận chi bộ; tổ chức việc thi hành Nghị quyết của Đảng; làm cho quần chúng do kinh nghiệm bản thân mà nhận thấy chính sách mới của Đảng là duy nhất và nhận thấy khẩu hiệu của Đảng là của mình; phải ra sức đào tạo cán bộ để có người đủ năng lực đem chính sách mới của Đảng thi hành trong quần chúng; kiên quyết tẩy trừ bệnh "tả khuynh", cô độc, hẹp hòi làm cho Đảng xa rời quần chúng, đồng thời phải chống bệnh "hữu khuynh"... Nhưng, để đường lối, chính sách mới của Đảng có thể đi vào cuộc sống, một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Tổng Bí thư là vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh. Bởi vậy, ngay sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, với bút danh Thiết Tâm, Tổng Bí thư viết bài "Củng cố Đảng" đăng trên báo Giải phóng, số 2, tháng 6-1941, nói về vấn đề cán bộ và vấn đề sinh hoạt chi bộ. Ngày 21-12-1941, Tổng Bí thư triệu tập cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng và ra Thông cáo "Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng" gửi các cấp bộ đảng. Tiếp đó, vào giữa tháng 1-1942, đồng chí Trường Chinh viết gửi Ban Tuyên truyền huấn luyện Trung ương tài liệu "Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương" để kịp thời uốn nắn một số lệch lạc trong nội bộ Đảng, giúp toàn Đảng nhận định đúng tình hình và xác định những nhiệm vụ cần kíp của cách mạng.

Về công tác tuyên truyền, sau một thời gian chuyển vào hoạt động bí mật ở các vùng phụ cận Hà Nội và về quê, giữa năm 1940, đồng chí Trường Chinh bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau đó, đồng chí hoạt động chủ yếu ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Đông Anh,... vừa chỉ đạo, vừa xây dựng cơ sở của các an toàn khu, vừa ổn định hệ thống tổ chức và cơ sở cho các cơ quan tuyên truyền của Đảng. Thời gian này, đồng chí cho tiếp tục xuất bản báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy và trực tiếp làm chủ bút của báo. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các cơ quan báo chí của Đảng. Thông qua các tờ báo này, Tổng Bí thư truyền đạt nhận định về thời cuộc, truyền đạt đường lối, chủ trương của Đảng, tổ chức và uốn nắn phong trào cách mạng... Tháng 10-1941, đồng chí trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng; tháng 01-1942, phụ trách báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Tổng Bí thư trực tiếp phụ trách. Báo Cờ Giải phóng số 1 ra ngày 10-10­-1942 và kéo dài đến ngày 18-11-1945. Báo Cờ Giải phóng thực sự trở thành công cụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com