Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị là Tổng Bí thư (kỳ 2)

06:07, 16/07/2020

Lê Quang Vĩnh

(tiếp theo)

Thực hiện chủ trương muốn cho sự tuyên truyền cho kịp thời và khỏi gián đoạn, mỗi khi các đảng bộ mất liên lạc với nhau thì mỗi đảng bộ địa phương phải tìm cách ra báo chí tuyên truyền. ít nhất là các ban tỉnh ủy phải có ban tuyên truyền chuyên môn xuất bản báo riêng ở trong tỉnh để tuyên truyền cho kịp thời, Tổng Bí thư chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác báo chí tuyên truyền để tạo ra sự đồng bộ với sự phát triển của tổ chức Đảng và quần chúng khắp cả nước. Vì vậy, một loạt báo địa phương đã ra đời, góp phần tích cực và kịp thời vào việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình trong nước và quốc tế đến nhân dân. Do những hoạt động tích cực và bằng những biện pháp toàn diện của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các Xứ ủy, các tổ chức đảng được củng cố, các văn kiện của Đảng đã được phổ biến tới các đảng bộ, chi bộ địa phương, tới các đảng viên và quần chúng cách mạng. Đến đầu năm 1942, Chương trình, Tuyên ngôn của Việt Minh và thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (ngày 6-6-1941) vào đến Sài Gòn và Hậu Giang. Tình hình đó tạo ra khí thế cách mạng mới, một phong trào cách mạng mới trong cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.

Điều đó cho thấy, thắng lợi của cách mạng không tự nó đến mà phải có sự đầy đủ, chủ động, tích cực giành lấy nó. Tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh trong thời điểm bước ngoặt này là rất khéo lợi dụng những điều kiện thuận lợi do chiến tranh diễn ra trên phạm vi thế giới và trong nước tạo ra, mà ra sức chuẩn bị khởi nghĩa. Mặt khác, tư duy chiến lược của đồng chí Trường Chinh không chỉ thể hiện ở tư duy chính trị thành thục mà còn thể hiện ở tư duy quân sự nhạy bén.

Ngày 7-5-1944, để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, Tổng Bí thư viết Chỉ thị "Sửa soạn khởi nghĩa". Để đưa Chỉ thị quan trọng này vào quần chúng cả nước, bắt đầu từ trước đó, trên báo Cờ Giải phóng xuất hiện một loạt bài, tập trung giải quyết vấn đề này dưới tiêu đề chung "Sửa soạn khởi nghĩa". Để quán triệt sâu rộng hơn nữa tinh thần bản Chỉ thị, đồng chí Trường Chinh đã viết bài "Hãy nắm lấy khâu chính" đăng trên báo Cờ Giải phóng, số 6, ngày 25-7-1944, "chỉ ra năm việc quan trọng của công tác chuẩn bị khởi nghĩa phải tiến hành đồng thời là: phát triển lực lượng vũ trang; huấn luyện cán bộ quân sự; trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang; vận động binh lính để lấy vũ khí của địch bắn địch; huấn luyện chiến thuật du kích và kinh nghiệm cho cán bộ, đảng viên". Bằng giác quan chính trị nhạy bén, đồng chí Trường Chinh phát hiện hàng loạt vấn đề liên quan đến nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa để định hướng và chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể giúp cho người đọc của Cờ Giải phóng hiểu rõ rằng, nhiệm vụ sửa soạn khởi nghĩa trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam.

Trong bài "Hãy tiến gấp" đăng trên số báo này, đồng chí kêu gọi: "Các chiến sĩ cách mạng Đông Dương! Các giới đồng bào yêu nước! Thời cuộc trong ngoài hết sức có lợi cho ta. Dịp tốt ngàn năm có một đang lại. Hãy tiến gấp! Hãy kíp sửa soạn khởi nghĩa theo chỉ thị đã ra. Các đồng chí hãy kiên nhẫn và mạnh dạn thuyết phục đồng bào. Hãy thi nhau phát triển tổ chức; thi nhau đẩy mạnh phong trào đấu tranh quần chúng. Vận mệnh các dân tộc Đông Dương đã đặt trong tay chúng ta. Phải hy sinh, phấn đấu. Phải kiên quyết, tích cực. Bỏ lỡ cơ hội là một tội ác. Phải sẵn sàng đón lấy thời cơ và chuẩn bị đủ điều kiện tóm lấy nó".

Khi nhận được tin báo có dấu hiệu chuẩn bị chiến đấu của quân Nhật, Tổng Bí thư Trường Chinh lập tức triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng tại làng Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) vào đêm ngày 9-3-1945. Nội dung cuộc họp quan trọng này được thể hiện đầy đủ trong bản Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo và hoàn chỉnh. Ngày 15-3-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Mặt trận Việt Minh phát động Cao trào kháng Nhật, cứu nước. Để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang, từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang (thuộc ATK2). Đây là hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất của Đảng lúc này. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội để quyết định phát động tổng khởi nghĩa và thành lập Chính phủ lâm thời.

Như vậy, vấn đề chọn thời cơ, nắm thời cơ và chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa toàn quốc đã được Đảng ta, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh vận dụng là một kỳ tích của lịch sử. Đó là vấn đề chọn thời cơ mà cuộc khởi nghĩa nổ ra đúng lúc phải nổ, làm cho kẻ địch bất ngờ, trở tay không kịp. Chỉ trong hơn mười ngày, Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước. Đó là một trong những thành công nổi bật của tư duy chiến lược tài năng và bản lĩnh chính trị vững vàng của Tổng Bí thư Trường Chinh.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com