Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị là Tổng Bí thư (kỳ 3)

06:07, 30/07/2020

Lê Quang Vĩnh

(tiếp theo)

Vai trò của đồng chí Trường Chinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954)

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh không chỉ chú trọng chỉ đạo những công tác chung mà rất quan trọng chỉ đạo công tác quân sự. Có nhiều hội nghị quân sự đồng chí Trường Chinh trực tiếp chủ trì với cương vị thay mặt Ban Chấp hành Trung ương lúc bấy giờ.

Cách mạng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng kịp thời khái quát những kinh nghiệm được tập dượt qua những cao trào trước đó, ra sức xây dựng và thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, nắm bắt thời cơ, chủ động tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Biên giới, năm 1950.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở Chiến dịch Biên giới, năm 1950.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chưa đầy một năm, thu đông năm 1947, thực dân Pháp tập trung hầu hết lực lượng cơ động trên chiến trường chính Bắc Bộ tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ, đánh vào cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, đã trình bày một cách sáng tạo các chặng đường của cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của mọi người. Trong thực tiễn, không những đồng chí chú trọng chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến, mà còn hết sức chú ý đến mặt kiến quốc, từng bước thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng" chuẩn bị những tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc ta.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, với Luận cương cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã phát triển khái niệm cách mạng tư sản dân quyền thành khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đề ra một hệ thống lý luận, phương châm chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương tháng 1-1953, Tổng Bí thư Trường Chinh nêu rõ phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng: "Ta không chủ quan, khinh địch, không nóng vội, không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn". Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đồng chí Trường Chinh cũng đã có những đóng góp to lớn góp phần chèo lái con thuyền cách mạng nước nhà. Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: "... vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng... đồng chí đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

(còn nữa)

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com