Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội (kỳ 3)

06:01, 16/01/2020

Văn Tạo

(tiếp theo)

Tư duy khoa học kể trên của đồng chí Trường Chinh ngày càng phát triển trong cuộc Vận động Cách mạng tháng Tám 1939 - 1945 mà hệ quả quan trọng đầu tiên là đề ra được đường lối chiến lược trên mặt trận văn hóa trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám (khóa I), năm 1941, với chủ trương "Mở mang nền Tân văn hóa Việt Nam".

Trong Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh, phần "Văn hóa" đã nêu rõ:

"Hủy bỏ giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bậc sơ đẳng, cho các dân tộc được quyền dùng tiếng mẹ đẻ mình, phổ thông trong việc giáo dục mình.

-  Lập các trường chuyên môn quân sự, chính trị, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài.

- Giúp đỡ và khuyến khích các hạng trí thức để họ được phát triển tài năng của họ'".

Trong quá trình Vận động Cách mạng Tháng Tám, nhất là từ năm 1943 đến năm 1945, một số luận văn và nhiều bài báo của đồng chí Trường Chinh đăng trên báo Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc với các bút danh khác nhau, luôn đề cập tới con đường xây dựng và phát triển nền "Tân văn hóa Việt Nam".

Biểu hiện tập trung nhất là bản Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh khởi thảo năm 1943.

Đề cương, với phần đầu: "Cách đặt vấn đề" đã nêu rõ:

- "Phạm vi vấn đề: Văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật" - tác giả đã đặt cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên (tư tưởng, học thuật) trong phạm trù văn hóa.

- Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị, nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia (hạ tầng cơ sở quyết định thượng tầng kiến trúc). Điều này đặt rõ trách nhiệm cho các ngành khoa học xã hội phải đi sâu vào cơ sở kinh tế - xã hội để hiểu rõ thượng tầng kiến trúc xã hội (như đồng chí đã nói về khởi nghĩa nông dân Tây Sơn).

- Thái độ Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa:

- Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động.

- Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa"...

Điều này đặt ra trách nhiệm về mặt tổ chức thực hiện cuộc cách mạng văn hóa, trong đó có tổ chức các ngành nghiên cứu khoa học xã hội và tự nhiên.

Đặc biệt phần: "Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam", tác giả đã vận dụng khoa học lịch sử để viết về:

- Các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam:

- Thời kỳ Quang Trung trở về trước: Văn hóa Việt Nam có tính chất nửa phong kiến, nửa nô lệ, phụ thuộc vào văn hóa Trung Quốc.

- Thời kỳ từ Quang Trung đến khi đế quốc Pháp xâm chiếm: văn hóa phong kiến có xu hướng tiểu tư sản.

- Thời kỳ từ khi Pháp sang xâm chiếm đến nay: văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa (chú ý phân biệt mấy giai đoạn trong thời kỳ này).

- Tính chất văn hóa Việt Nam hiện tại: "Văn hóa Việt Nam hiện nay về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản".

Quan trọng nhất là Đề cương đã nêu ra ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này là "Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa". Khoa học hóa được cắt nghĩa rõ là: chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.

Tư duy về khoa học, đặc biệt là về triết học, sử học, văn học của tác giả đã đưa lại chất lượng cao cho Đề cương Văn hóa Việt Nam. Theo lôgích phát triển của tư duy, đây đã như một tiền đề dẫn đến sự ra đời của những tổ chức nghiên cứu khoa học trong nền Tân văn hóa Việt Nam mà đồng chí Trường Chinh đã đề xuất. Đó là Ban Sử Địa Văn ra đời năm 1953 cũng như Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời năm 1959 tới sau này.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com