Quan điểm văn hoá của đồng chí Trường Chinh (kỳ 2)

07:10, 08/10/2019

Đức Vượng

(tiếp theo)

Có quan điểm cho rằng, con người có thể chia làm hai: con người công dân có khuynh hướng tư tưởng rõ rệt và con người nghệ sĩ tuyệt đối tự do. Đồng chí Trường Chinh phản đối quan điểm nhận thức đó vì nó là ngụy biện. Theo quan điểm của đồng chí: Tự do là quý, nhưng trên đời không có tự do tách rời tất yếu bao giờ. Quan điểm này của đồng chí Trường Chinh rất phù hợp với quan điểm của Ph.Ăngghen. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen có một nhận xét tinh túy: nói đến tự do là nói đến sự tự chủ của con người và con người đó làm chủ được thế giới bên ngoài. Sự tự chủ và sự làm chủ phải căn cứ vào nhận thức của con người về quy luật tất yếu của tự nhiên. Vì vậy, xét cho cùng, tự do cũng tất yếu phải là một sản phẩm của lịch sử tiến hóa, không thể khác được. Vấn đề đặt ra là: tại sao đã "tự do" lại còn "tất yếu"? Đồng chí Trường Chinh trả lời: "Bởi vì, người có tự do là người hiểu rõ quy luật tất yếu, khách quan của tự nhiên, của xã hội và hoạt động trong phạm vi hiểu biết những quy luật đó, làm cho loài người và dân tộc mình tiến bộ. Phản lại xã hội tiến hóa, phản lại dân chủ và tiến bộ thì nhất định sẽ bị nghiền nát như cám dưới bánh xe lịch sử và khi đó sẽ được "tự do" làm phân bón cho cỏ cây". Vì vậy, "các chiến sĩ văn hóa chúng ta không thể tìm tự do ngoài cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc và của thế giới dân chủ chống chủ nghĩa đế quốc". "Tự do" và "tất yếu" có mối liên hệ với nhau, ràng buộc lẫn nhau. Tính tất yếu, tính quy luật của tự nhiên là cái có trước, ý chí và ý thức của con người là cái có sau. Sự hoạt động tự do chỉ có thể có được nếu nó dựa trên cơ sở đã nhận thức được tính tất yếu. Tự do chính là tính tất yếu đã được sàng lọc qua nhận thức, vì vậy, nó là sản phẩm của sự phát triển lịch sử của xã hội. Hiểu đúng "tự do" và "tất yếu", văn nghệ sĩ sẽ tránh được những lệch lạc trong sáng tác và nghiên cứu, nhận rõ chân, giả để viết cho đúng và trúng. Nhận thức đúng "tự do" và "tất yếu" có nghĩa là nhà văn hóa, văn nghệ sẽ nhận thức đúng về xã hội và con người, hiểu được quy luật tiến hóa của xã hội và của tự nhiên. Trong văn hóa, "tự do" và "tất yếu" vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Giữa khoa học và nghệ thuật, chính trị và nghệ thuật có mối liên hệ mang tính xu hướng trong sáng tác. Một ý chí tốt đẹp không đủ làm ra một tác phẩm có tính khuynh hướng. Có một nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa Pháp, tên là Giăng Phrêvin (Jean Fréville), nói đại ý: khoa học không có nghệ thuật là khoa học khô khan, nghệ thuật không có khoa học là nghệ thuật vô vị, tầm thường. Khi đọc câu này, đồng chí Trường Chinh nói: "Chúng tôi xin thêm: không những chỉ vô vị, tầm thường mà có khi còn phản động nữa là khác". Trong thực tế có tác phẩm tưởng như là một thuần túy nghệ thuật, kỳ thực, đằng sau cái nghệ thuật là sự chứa đựng những nhân tố khoa học như bố cục tác phẩm, dùng từ ngữ chuẩn xác, hư cấu nhưng lại có lý, liều lượng giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa hiện tượng và bản chất... Vì vậy, những tác phẩm được đánh giá có tính nghệ thuật cao, đều có ẩn chứa những nhân tố khoa học trong đó. Đồng chí Trường Chinh nêu vấn đề văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải có tính khoa học. Đồng chí nhiều lần khẳng định học thuyết Mác là một khoa học. Nó giúp cho các chiến sĩ văn hóa, văn nghệ hiểu biết được những quy luật khách quan, hiểu được nội tâm của con người, thực trạng của xã hội. Nó giúp cho văn nghệ sĩ một phương pháp vô cùng màu nhiệm để tìm tòi và hiểu biết sự vật và con người, giúp cho các văn nghệ sĩ một thế giới quan và nhân sinh quan trong sáng tác. Những cái đó đều bắt nguồn từ học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác. Đồng chí Trường Chinh khuyên những người làm công tác văn hóa nước ta muốn phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân một cách có hiệu quả thì phải thấm nhuần học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác.

Xuất phát từ quan điểm văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh nêu vấn đề tính đảng, tính khuynh hướng xã hội chủ nghĩa trong văn hóa, văn nghệ, tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ cách mạng tốt hơn nữa. Từ cơ sở của tính đảng, tính khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, đồng chí chủ trương giải quyết mối quan hệ giữa tính đảng với tính giai cấp, tính nhân dân, tính chân thực... Với quan điểm này, đồng chí Trường Chinh muốn định hình nội dung và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí rút ra mấy kết luận về quan điểm lập trường văn hóa cách mạng Việt Nam là:

"Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.

Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.

Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.

Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".

Đó là một hệ thống dây chuyền từ chính trị đến văn hóa.

Sự trở về với dân tộc mình luôn luôn là phẩm chất cao quý của các nhà cách mạng chân chính. Đồng chí Trường Chinh, với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, rất có ý thức trong việc hướng dẫn các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa đi sâu vào đời sống xã hội, góp phần làm dấy lên tinh hoa, khí phách, lương tâm và danh dự của dân tộc. Đồng chí nhận định nước Việt Nam ta, từ ngàn đời xưa vốn là một nước văn hiến. Nước văn hiến Việt Nam, tuy khoa học phát triển chậm, nhưng văn hóa, văn nghệ phát triển khá. Trong quá trình bị giặc ngoại bang xâm chiếm, nhiều hạt ngọc văn hóa, văn học bị che phủ bởi một lớp bụi thời gian. Tuy vậy, trải qua bao thử thách nghiệt ngã dưới ách của người nước ngoài, "nhân dân ta vẫn giữ được tính cách và tâm hồn Việt Nam, thể hiện ở tiếng nói cũng như lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập dân tộc, tính cần cù trong lao động sản xuất và dũng cảm trong chiến đấu vì tự do". Nhiều thiên tài văn hóa như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu,... mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Tổ quốc, làm vẻ vang cho giống nòi. Bên cạnh dòng văn hóa chính thống, còn có cả một nền văn hóa nhân dân với những truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, âm nhạc, hội họa..., tất cả đều đan dệt nên bức tranh văn hóa muôn màu muôn vẻ và vô cùng phong phú của dân tộc. Kho tàng văn hóa mà ông cha ta để lại cho chúng ta đang được lớp con cháu nghiên cứu và tiếp thu.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com