Quan điểm văn hoá của đồng chí Trường Chinh (kỳ 1)

06:10, 03/10/2019

Đức Vượng

Đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, một nhà chiến lược, nhà chính trị, đồng thời là một nhà văn hóa, một học trò trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cơ sở hình thành quan điểm văn hóa của đồng chí Trường Chinh

Cơ sở hình thành lý luận của đồng chí Trường Chinh chủ yếu bắt nguồn từ lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cơ sở hình thành quan điểm văn hóa của đồng chí, ngoài lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, còn bắt nguồn từ truyền thống gia đình, từ những tinh hoa tri thức, văn hóa của dân tộc, nhân loại mà đồng chí đã tiếp nhận được trong quá trình hoạt động yêu nước và cách mạng. Thiên tư trí tuệ và phương pháp nhận thức luận là yếu tố chủ quan có tính quyết định hình thành quan điểm văn hóa của đồng chí Trường Chinh. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về truyền thống gia đình đã có tác động quan trọng nâng cao trình độ văn hóa của đồng chí và từ chỗ có một trình độ văn hóa nhất định thì mới có quan điểm văn hóa đúng đắn. Sách Đại học có câu: "Trị quốc, tất tiên tề kỳ gia", hay là: "Dục trị kỳ quốc gia, tiên tề kỳ gia", nghĩa là: muốn sửa trị nước mình, trước hết phải sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Sách còn viết: "Nếu trong một nhà mà mọi người đều nhân hậu, lần ra cả nước đều có lòng nhân hậu".

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ, năm 1959.

Gia đình đồng chí Trường Chinh là một "mẫu nhà" như thế, nổi tiếng học rộng và sống rất có kỷ cương, phép tắc. Ông nội đồng chí Trường Chinh là Đặng Xuân Bảng (1827 - 1910), một người học rộng tài cao, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), niên hiệu Tự Đức thứ chín, soạn nhiều cuốn sách quý như: Cư gia khuyến giới tắc , Đặng Xuân Bảng hành trạng, Sử học bị khảo...

Cụ Đặng Xuân Bảng có năm người con trai, trong đó có Đặng Xuân Viện (1880 - 1958). Đặng Xuân Viện là thân phụ đồng chí Trường Chinh, cũng là người rất nổi tiếng về viết sách, viết khá nhiều tác phẩm có giá trị, khảo cứu trên nhiều lĩnh vực như nông học, sử học, văn học, địa lý, dân tộc học... Tuy không đỗ đạt cao như cụ Đặng Xuân Bảng, nhưng kiến thức của ông rất uyên bác. Người đương thời gọi ông là "Ngọc kỳ âm", nghĩa là tiếng nói (tức văn chương) trong như ngọc.

Đồng chí Trường Chinh ngay từ thuở nhỏ đã tiếp thu được truyền thống văn hóa gia đình, được thừa hưởng kho tài liệu quý giá của ông, cha, gồm các sách Đông, Tây, kim, cổ, nên sớm tiếp thu nền văn hóa cổ đại, cận đại. Sau này, đi hoạt động cách mạng, đồng chí có dịp tiếp thu nền văn hóa hiện đại, văn hóa mácxít, làm cơ sở cho việc hình thành quan điểm văn hóa của đồng chí.

Quan điểm văn hóa của đồng chí Trường Chinh

Vấn đề nền tảng văn hóa được đồng chí Trường Chinh trình bày trong Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí khởi thảo và được thông qua tại Hội nghị Thường vụ Trung ương họp từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, tại thôn Võng La, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đề cương chỉ rõ: "Nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội". Như vậy, nền tảng của văn hóa được xây dựng trên nền tảng kinh tế. Văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, luôn luôn gắn liền với cơ sở đó. Sức mạnh của văn hóa chính là sức mạnh của tinh thần. Nó phục vụ cho những mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội. Nó có mối quan hệ khăng khít với cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa. Đồng chí Trường Chinh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sẽ đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ, xây dựng một nền văn hóa mới, và nền văn hóa mới này tuy chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa, song rõ ràng nó là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa sau này. Muốn phục vụ cách mạng một cách tích cực, nền văn hóa đó phải là một nền văn hóa có tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng. Vấn đề này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau. Muốn có một nền văn hóa mang tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng thì phải có vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì chỉ có Đảng mới hướng cuộc vận động cách mạng văn hóa Việt Nam vào con đường đúng đắn và đạt tới đích cuối cùng. Đồng chí Trường Chinh cho rằng, văn hóa bao giờ cũng mang một nội dung xã hội lịch sử cụ thể, đồng thời mang quan điểm chính trị, triết lý, đạo đức. Văn hóa cách mạng chỉ có thể đúng với nghĩa "văn hóa" khi nó trở thành vũ khí chiến đấu để cải tạo xã hội. Là một hình thái ý thức xã hội dạng đặc thù, văn hóa còn hàm chứa dung lượng thẩm mỹ, tình cảm của con người, phản ánh đúng tư duy thẩm mỹ của con người. Trong Lời nói đầu cho tập thơ của mình với bút danh Sóng Hồng, đồng chí Trường Chinh viết: " Thơ (hiểu theo nghĩa rộng là văn hóa - TG) là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp"Vì Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi", "... Thơ của một dân tộc cũng ví như một vườn hoa có nhiều màu sắc và hương thơm"; "Thơ là một viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời''. Đó chính là chân giá trị của nền tảng văn hóa cách mạng theo quan điểm của đồng chí Trường Chinh.

Đồng chí Trường Chinh cho rằng, văn hóa mácxít nói chung và văn học, nghệ thuật mácxít nói riêng, điều cốt lõi là phải phản ánh đúng hiện thực đời sống xã hội; phải có khuynh hướng chính trị và tính giai cấp rõ rệt; phải mô tả đúng bản chất và hiện tượng xã hội. Bất kỳ một tác phẩm nào cũng phải bao hàm một thái độ xã hội nhất định. Nó đứng về phía nào và bênh vực quyền lợi cho ai? Câu trả lời của đồng chí Trường Chinh là: Văn hóa mácxít là văn hóa đứng về phía cách mạng và bênh vực quyền lợi cho nhân dân lao động. Đó là văn hóa của văn hóa. Đồng chí viết: "... trong thời đại chúng ta hiện nay, văn hóa cách mạng nhất là văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa, phương pháp của nó là khoa học, lập trường của nó là duy vật".

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com