Đồng chí Trường Chinh - Một người thầy (kỳ 3)

06:09, 26/09/2019

Lê Minh

(tiếp theo)

Trong kháng chiến chống Pháp, thời tôi ở Ban Phụ vận Trung ương, mỗi tháng chúng tôi được làm việc với Tổng Bí thư một ngày. Từ cơ quan chúng tôi đi lên Quảng Nạp chiều hôm trước, sớm hôm sau liên lạc đưa chúng tôi vào chân núi Hồng, chiều tôi lại ra Quảng Nạp về cơ quan. Thời gian được làm việc như vậy không phải là ngắn nên ngoài báo cáo công tác, đồng chí cho phép chúng tôi được hỏi bất kỳ vấn đề gì mà chúng tôi còn chưa hiểu rõ. Đồng chí phân tích, giảng giải rất tỉ mỉ, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam dẫn đến những quan điểm, lý luận. Mỗi buổi làm việc như vậy khác nào một lớp học thật bổ ích và thoải mái. Như về nhà mình, gặp được thầy và mình không phải giấu dốt. Lần nào chúng tôi cũng ăn một bữa cơm ở cơ quan với anh. Cơm rau muối, chỉ thêm một quả trứng tráng thì anh xắn ra gắp cả cho chúng tôi. Anh hỏi tỉ mỉ về sự ăn ở của cơ quan phụ nữ, áo ấm mặc mùa đông, và lần nào cũng không quên dặn chúng tôi phải rất cẩn thận những khi đi công tác phải qua vùng địch chiếm.

Thu đông năm 1947, anh đi công tác lên Bắc Cạn và gặp máy bay địch nhảy dù, mở đầu cuộc tấn công Việt Bắc. Anh ở trong hầm cùng với hai mẹ con một người dân. Khi địch đi lùng sục, người mẹ định đưa con ra nhưng anh giữ lại, ngồi che chắn phía ngoài để cháu bé đỡ sợ. Vì vậy địch không phát hiện được. Đợi đến đêm thì cả ba người đều ra thoát.

Thu đông năm 1948, các cơ quan xung quanh Trung ương được lệnh phân tán. Cơ quan phụ nữ được Trung ương giao cho Khu ủy XII sắp xếp nơi di chuyền. Trên đường, cơ quan chúng tôi gặp ngay mũi tiến công của địch. Bất ngờ gặp được Trung đoàn Bắc Bắc, chúng tôi phá được vòng vây về nơi an toàn. Tôi nhận được thư của anh Thận (bí danh lúc đó của Tổng Bí thư). Anh biết là các chị đều đi họp vắng, cơ quan chỉ có tôi và các chị cán bộ văn phòng. Khi chị Diệu Hồng bổ đi tìm và gặp được chúng tôi, chị ôm từng đứa chúng tôi nói trong nghẹn ngào: "Trung ương rất lo cho cơ quan chúng ta". Thư anh Thận viết cho tôi có câu: "Muốn đi xa, phải biết gìn giữ ngựa", vẫn một tấm lòng lúc nào cũng xót thương và chăm lo cho cán bộ.

Sau này tôi lập gia đình với đồng chí Điện - ngày xưa là cán bộ công tác ở cơ quan anh rồi bị bắt. Anh căn dặn chồng tôi: "Cậu phải biết chăm lo cho cô ấy". Khi tôi có con, lúng túng không nơi gửi, một hôm bất ngờ anh đi công tác qua, ghé thăm. Anh hỏi tỉ mỉ hoàn cảnh của tôi, chồng đi công tác xa, gia đình không thể gửi gắm ai được. Và trước khi đi, anh cùng đồng chí bảo vệ, may ô quần đùi, lội xuống tát nước hầm cho tôi. Ra đến đường rồi, anh còn quay lại dặn tôi một lần nữa: "Ngày ngày cô phải tát nước hầm. Có máy bay, mẹ con phải ra nơi trú ẩn. Cô không được chủ quan. Gia đình ta đã bao nhiêu người hy sinh rồi". Tôi nghẹn ngào. Anh là người lãnh đạo, không chỉ nghe báo cáo chung chung mà luôn thực mắt tìm hiểu để biết rõ hoàn cảnh thật của cán bộ. Về sau tôi được biết, chính anh đã đề nghị Văn phòng Trung ương giúp đỡ tôi.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, tôi chuyển công tác về làm báo Văn nghệ và sau đó là báo Văn. Thời kỳ này xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm và báo Văn cũng mắc một số khuyết điểm. Tất cả văn nghệ sĩ đi thực tế. Tôi được chỉ định làm tổ trưởng một tổ văn nghệ sĩ đi về Nhà máy dệt Nam Định. Đây lại chính là nhà máy xưa kia tôi đã hoạt động, từng là Phó Ban công vận Tỉnh ủy, tham gia lãnh đạo cuộc đình công lớn trước ngày toàn quốc kháng chiến. Trở về nơi cũ, tôi bồi hồi, xúc động. Các đồng chí công nhân cũ nay đều ở vị trí lãnh đạo. Các đồng chí đưa chúng tôi về nghỉ ở nhà ông Nhất với một cách nói hóm hỉnh: "Bây giờ chúng ta là chủ rồi, chị cứ về đây nghỉ cái đã. Đúng chỗ của chủ. Rồi chúng tôi sẽ thu xếp nhà công nhân để các đồng chí đi thực tế".

Không một ai định kiến gì với chúng tôi. Khi tôi đứng máy dệt, có công nhân cũ nhận ra, họ đi gọi nhau kéo đến máy, ôm lấy tôi: "Thảo nào có người nói, sao có bà nhà văn đứng máy thạo thế. Hóa ra đúng là chị". Hôm các tổ văn nghệ sĩ đi thực tế được triệu tập về sơ kết ở Câu lạc bộ Đoàn kết (gần Nhà hát lớn), đồng chí Trường Chinh đến dự. Tổ tôi được báo cáo điển hình. Anh Bùi Xuân Phái, họa sĩ mở đầu rất vui: "Sau khi phân tổ đi thực tế, tôi cứ trách mãi số mình hẩm hiu, rơi ngay vào một tổ, tổ trưởng là nữ. Nhưng khi xuống đến ga Nam Định, chúng tôi còn đương lóng ngóng với va ly, túi xách thì chị tổ trưởng đã một mình xốc tất cả lên xe và đưa chúng tôi về nhà nghỉ. Chị thoải mái, tự nhiên, chọn cho tôi một việc ít nặng nhọc nhất, làm mộc. Tôi đã đóng được một cái ghế đẩu và chắc chắn sẽ đóng được khung tranh". Tôi thay mặt tổ báo cáo đợt đi thực tế. Báo cáo xong, khi đi xuống, đồng chí Trường Chinh đứng dậy bắt tay tôi. Đồng chí nói: "Tôi đã đọc những bài ký cô viết về nhà máy. Tốt lắm". Tôi đứng lặng. Tan họp ra về, tôi đi bộ một mình về số 6 Quang Trung (cơ quan báo chúng tôi). Đêm đã khuya, đường Hà Nội vắng ngắt. Tôi bước thong thả trên vỉa hè núp dưới mái hiên rộng của các cửa hiệu trên phố Tràng Tiền, rồi ven theo Hồ Hoàn Kiếm. Con đường thời mới Khởi nghĩa Tháng Tám tôi vẫn đi về 51 Hàng Bồ. Ngày ấy tôi đã được gặp anh. Nước mắt tôi rưng rưng tràn xuống. Trong những hoàn cảnh phức tạp này của giới chúng tôi, vẫn có một người hiểu được tấm lòng của tôi đối với Đảng.

Năm 1981, báo Nhân Dân tròn 30 tuổi (11-3-1951 - 11-3-1981), đồng chí Trường Chinh đến dự lễ kỷ niệm. Bất ngờ anh trông thấy tôi, mới biết tôi đã về báo. Chiều hôm đó, Văn phòng của anh gọi điện đến cơ quan: "Nếu chủ nhật chị không bận gì, anh Năm muốn mời chị lên nhà chơi". Khi ấy anh đương đưa xuất bản cuốn sách "Về văn hóa và nghệ thuật", tập 1. Khi sách ra, anh gửi cho tôi.

Bất ngờ, sau khi anh mất, các đồng chí Văn phòng Tổng Bí thư soạn tủ sách thấy chữ anh đề tặng tôi tập 2 cuốn "Về văn hóa và nghệ thuật" mà chưa gửi, các đồng chí cầm đến nhà cẩn thận đưa tận tay tôi. Chúng tôi, lúc nào cũng vẫn coi anh như một người thầy.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com