Nhớ về đồng chí Trường Chinh với việc in báo Đảng thời kỳ bí mật và xây dựng ngành in cách mạng Việt Nam (kỳ 9)

06:06, 04/06/2019

Nguyễn Lương Hoàng

(tiếp theo)

Anh Nhân dặn dò tôi rất kỹ về việc tổ chức cơ quan, phải để ý đến tất cả mọi việc, gần như "tổng quản" bởi qua quá trình công tác làm báo hồi bí mật, anh đã hiểu rõ trình độ và tính cẩn thận của tôi, nên nay giao cho tôi công việc này. Anh nhấn mạnh phải tổ chức như nhà của một tư sản giàu có ở Hà Nội. Ban ngày phải đi các cửa hàng, công xưởng, đến tối mới về. Xe ô tô đưa đón là loại sang trọng, bóng loáng. Cho nên nhất thiết không được để lộ cho các nhà xung quanh biết là một cơ quan của cách mạng, vả lại tình hình ở Hà Nội lúc đó bắt đầu căng thẳng rồi. Bác Hồ còn là thượng khách ở bên Pháp chưa về. Bọn Việt Quốc, bọn Việt Cách vẫn dựa vào Tàu Tưởng chống phá ta. Bọn Pháp ra sức khiêu khích hàng ngày. Sau khi ta phá tan ổ Việt Quốc ở phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều) thì bọn Việt Quốc, Việt Cách mới chạy theo Tàu Tưởng sang Trung Quốc.

Đồng chí Trường Chinh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Như Hải, cơ sở cách mạng ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.
Đồng chí Trường Chinh thăm và chúc Tết gia đình ông Nguyễn Như Hải, cơ sở cách mạng ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.

Ở cơ quan có trang bị một khẩu liên thanh báng gập (tulle), anh Vân chịu trách nhiệm, nhưng tôi cũng phải cùng chung lo (vì thời gian phụ trách chính quyền ở huyện Yên Lãng, tôi đã sử dụng thông thạo những vũ khí của đơn vị Giải phóng quân đóng ở huyện). Ít lâu sau khi tôi về nhận công tác ở cơ quan đồng chí Tổng Bí thư thì có thêm anh Lượng (nay là anh Phiệt ở ngành Điện ảnh) và cháu Nga, con gái anh Nhân cùng đến ở. Lúc đó cháu còn bé, hằng ngày tôi phải lo việc đưa đón cháu đi học ở một trường tư gần đấy bằng xe đạp. Anh Lượng thì làm liên lạc, nhận báo chí ở các nơi đem về. Nói chung công việc diễn ra yên ổn.

Có một việc thật quan trọng mang tính lịch sử in báo đã diễn ra ở ngôi nhà này. Đó là một buổi tối, sau khi cơm nước xong, anh Nhân bảo anh Hương và tôi lên gác ba, vào phòng của anh. Anh nói Đảng ta vừa mua được Nhà in Trung Bắc Tân Văn ở phố Phùng Hưng để chuyển hẳn báo Sự Thật về in ở đấy, không phải long đong đi in thuê ở các nhà in khác nữa. Anh Nhân là người chỉ đạo, anh Hương đã cùng với anh cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) và một số đồng chí khác đã phải lo chạy vạy đi mua từ trước, nay đã xong xuôi. Vậy thì cần đặt tên cho nhà in công khai đầu tiên của Đảng ở Hà Nội là gì cho thích hợp. Đồng chí Tổng Bí thư nêu hướng là chỉ nên dùng một cái tên có tính chất chung chung, nhẹ nhàng để tránh mọi sự nhòm ngó, khiêu khích của bọn Pháp và bè lũ phản động. Sau một hồi có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng đồng chí Trường Chinh tán thành lấy tên Tiến Bộ để đặt tên cho nhà in công khai đầu tiên của Đảng ở thủ đô. Đồng chí khen là tên Tiến Bộ vừa mang tính chất văn hóa, vừa đặt hướng phát triển mà tránh được mọi sự "dòm ngó" của bọn Pháp và phản động. Nhưng cần tiếp tục làm công tác dân vận cho anh em công nhân của nhà in để anh em thấy vinh dự và trách nhiệm phục vụ cho báo của Đảng. Thế là cái tên Tiến Bộ được ra đời từ một buổi tối đầu tháng 9-1946 tại số nhà 47 phố Hàng Chuối, Hà Nội do đích thân đồng chí Tổng Bí thư đặt cho. (Số nhà 47 phố Hàng Chuối nay là trụ sở của Báo Phụ nữ Việt Nam).

Nhà in lúc đó quy mô cũng còn nhỏ nên gọi là "Xưởng in Tiến Bộ", đồng chí Lê Đức được cử làm Giám đốc, đồng chí Phạm Đức Khiêm làm Phó Giám đốc và có đồng chí Nguyễn Đình Tứ làm Tổng phụ trách kỹ thuật. Từ ngày ra đời 8-9-1946 đến khi phải tạm dời máy móc sơ tán lên Việt Bắc, Xưởng in Tiến Bộ đã in được 15 kỳ báo Sự Thật (từ số 53 đến số 68). Lên Việt Bắc, Xưởng in được phân tán làm hai nơi: Nhà in Hồng Phong đóng ở thôn Khuôn Nhã, xã An Lạc (nay là xã Quy Kỳ - năm 2000 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: "Xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp" - nằm ở phía Bắc huyện Định Hóa anh hùng). Một cơ sở nữa là Nhà in Tô Hiệu lúc đầu đặt ở xã Nghĩa Tá (xã Thắng Lợi) huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), sau đó được chuyển sang xã Xuân Đô thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho tới khi dời về tiếp quản thủ đô tháng 10-1954.

Năm 1957,  Xưởng in Tiến Bộ được tiếp thu những cơ sở in của miền Nam tập kết và máy móc hiện đại của Trung Quốc, và sau đó Cộng hòa dân chủ Đức cử chuyên gia và giúp máy in tự động cả typô và ốpsét, máy chế bản, máy đóng sách đều thuộc loại hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nhà in được tiếp quản Nhà Tiền ở 175 Nguyễn Thái Học để biến một trại giam khét tiếng tàn ác trong thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm thành một trung tâm văn hóa lớn, in tất cả các loại báo Đảng, báo của các ngành Giáo dục, Văn nghệ, Khoa học- kỹ thuật và tất cả các loại sách của hầu hết các nhà xuất bản ở Trung ương lúc bấy giờ. Và từ cái tên Xưởng in Tiến Bộ ban đầu, ngày khánh thành mở rộng (ngày 28-5-1958) được nâng lên thành Nhà máy in Tiến Bộ, trực thuộc Bộ Văn hóa quản lý. Nền nếp sản xuất từ trong kháng chiến chống Pháp đã nhiều lần được đồng chí Trường Chinh ân cần chỉ bảo, đã được thấm nhuần là ngành in là công cụ của Đảng để tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, nâng cao trình độ và kiến thức khoa học cho nhân dân, đấu tranh với kẻ địch về mọi luận điệu phản tuyên truyền của chúng, ... Vì vậy, anh chị em công nhân ngành in phải cần có trình độ văn hóa và ý thức chính trị thật rõ ràng. Nhất là các anh chị em làm công tác sắp chữ, sửa bài phải luôn luôn cố gắng bảo đảm nội dung chính trị của các loại ấn phẩm. Trước mắt Nhà máy in Tiến Bộ phải tập trung in phục vụ những tài liệu cho hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com