Nhớ anh Trường Chinh (kỳ 3)

04:04, 18/04/2019

Phạm Thành

(tiếp theo)

Đáng tiếc là lớp học ở Hà Đông phải kết thúc sớm, để học sinh các nơi trở về địa phương chuẩn bị kháng chiến. Tuy nhiên, lớp học đã đem lại cho tôi nhiều nội dung phong phú mà tôi có thể phát huy trong nhiều lớp huấn luyện sau này. Đặc biệt bài về chủ nghĩa Lênin của anh Trường Chinh đã giúp tôi hiểu biết thêm nhiều về các vấn đề: nhà nước và cách mạng, giai cấp công nhân, chiến lược và sách lược, liên minh công nông, đảng kiểu mới.

Lần thứ hai tôi được trực tiếp gặp anh Trường Chinh là vào mùa hè năm 1948, tại Đại hội Đảng bộ Khu IV mà tôi được tham gia với tư cách là đại biểu của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Quả thật là sung sướng khi được gặp lại anh Trường Chinh mà tôi đã quen biết cách đấy hai năm. Dáng dấp anh vẫn như vậy, vẫn đôi mắt sáng và nụ cười tươi tắn. Mọi người chăm chú nhìn anh, nghe anh nói từ trên diễn đàn Đại hội. Mọi người im lặng, say sưa nghe và ghi chép từng lời nói rõ ràng, dứt khoát và thường được điểm tô bằng những hình ảnh đẹp đẽ, hóm hỉnh để minh họa cho lập luận của mình.

Đại hội Đảng bộ Khu IV kết thúc thắng lợi. Trở về tỉnh tôi vô cùng phấn khởi và ngạc nhiên khi nghe Tỉnh ủy thông báo cho biết: tôi cùng vài đồng chí khác đã được Trung ương điều động ra làm việc ở Việt Bắc. Chúng tôi đoán chắc: đồng chí Trường Chinh đã "chấm" chúng tôi khi vào dự Đại hội Đảng bộ Khu IV. Thế là chúng tôi chuẩn bị hành trang và vui vẻ lên đường: đi bộ hàng trăm kilômét, ba lô trên vai, qua bao núi sâu, rừng rậm, suối sông to nhỏ để ra Việt Bắc.

Lần thứ ba tôi được gặp và trực tiếp làm việc tương đối dài với anh Trường Chinh là vào cuối thu đầu đông năm 1950. Lần đó tôi được điều về làm việc ở Văn phòng đồng chí Tổng Bí thư với nhiệm vụ theo dõi công tác tuyên huấn các tỉnh trong toàn quốc, chủ yếu là đọc, tổng hợp và nhận xét các báo cáo tuyên huấn từ các tỉnh gửi lên để báo cáo lại với anh Trường Chinh mà mọi người lúc đó quen gọi là anh Thận. Tôi vui lòng nhận nhiệm vụ mới với lòng tin rằng ở chỗ anh Trường Chinh tôi sẽ có cơ hội được học tập ở anh về công tác viết sách báo như đồng chí Đinh Nho Liêm chẳng hạn.

Đến đây tôi phải nói kỹ về cơ quan và thời gian tôi làm việc ở chỗ anh Trường Chinh. Vì ở đấy tôi có nhiều kỷ niệm khó quên về cảnh, về người, nhất là về anh Trường Chinh mà tôi vô cùng kính mến, tin tưởng và biết ơn ngay từ khi mới tiếp xúc. Cho đến nay tôi vẫn hình dung được rất rõ một cụm nhà giản dị, kín đáo nằm dưới những cây cổ thụ, phía sau là những lùm tre, nứa. Khu nhà này rất xinh xắn nằm trên một sườn đồi thơ mộng, cách xa dưới chân khoảnh đồi là một dòng suối nhỏ. Để đi đến cụm nhà này phải qua một bãi cỏ rộng, thoáng mát mặc dù rất kín đáo và có nhiều cây cối che phủ. Cán bộ cơ quan thường ra đây đánh bóng chuyền. Một câu chuyện lý thú và hiếm nơi nào có được mà tôi nhớ nhập tâm là thỉnh thoảng Bác Hồ đi ngựa qua đây, dừng chân ngồi trên tấm ghế bằng bương đặt trên bãi. Đi quá sân chơi này vào phía sau rừng là nhà ở và nhà làm việc của cơ quan đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Không có gì phân biệt và cách biệt giữa cán bộ và thủ trưởng, dù đó là một thủ trưởng tối cao của Đảng.

Tôi còn nhớ như in hơn mười cán bộ ở và làm việc trong một căn nhà tre nứa lá dài. Chỗ làm việc của mỗi người là bộ bàn ghế bằng bương, nứa ngoảnh mặt ra phía trên đồi rất thoáng mát. Đối diện với dãy bàn ghế ấy là một chiếc giường dài, chăn chiếu của anh em cán bộ được gấp gọn gàng trên chiếc giường nứa, bương dài nhưng chắc chắn ấy. Những cán bộ của Văn phòng Tổng Bí thư được phân công mỗi người một việc rõ ràng nhưng rất cẩn mật: người thì theo dõi vấn đề quân sự, người theo dõi vấn đề kinh tế, văn hóa, ... Riêng tôi được phân công theo dõi công tác tuyên huấn. Cách làm việc, sinh sống, ăn ở của cán bộ trong căn nhà này luôn luôn được quân sự hóa.

Phía bên phải căn nhà dài này của cán bộ là căn nhà Văn phòng của đồng chí thư ký chính của anh Trường Chinh lúc đó là đồng chí Trần Quang Huy. Mọi kết quả nghiên cứu của anh em cán bộ chúng tôi đều được báo cáo với đồng chí Trần Quang Huy để trình lên anh Trường Chinh. Khi cần thiết, anh Trường Chinh trực tiếp nghe chúng tôi báo cáo. Nhà làm việc của anh Trường Chinh không có gì đặc biệt, cũng ở ngay phía bên phải, gần chỗ chúng tôi không xa. Nhưng vì để giữ bí mật và yên tĩnh, chúng tôi ít đi lại đấy.

Căn nhà riêng của anh Trường Chinh và gia đình nằm trên sườn đồi ở phía trên căn nhà dài của đoàn thư ký chúng tôi, cách chỗ chúng tôi chỉ mười lăm mét, qua mấy bậc cấp nhỏ bằng đất nện. Đó là một căn nhà gỗ, tre, nứa, lá đơn sơ như mọi căn nhà khác ở nơi chiến khu lúc đó. Ngày chủ nhật hay vào những giờ nghỉ thỉnh thoảng anh em thư ký chúng tôi thường lên chơi nhà anh Trường Chinh. Sự gọn gàng, ngăn nắp của căn nhà luôn đập vào mắt tôi. Chị Trường Chinh cùng các cháu (lúc đó chúng tôi gọi các đồng chí Đặng Việt Nga, Đặng Việt Bích, Đặng Việt Bắc, các con anh chị Trường Chinh như vậy. Vì họ còn rất nhỏ tuổi, chỉ mới mười tuổi trở xuống) tiếp đón chúng tôi niềm nở, thân mật như người trong một gia đình. Câu chuyện của chúng tôi thường thường xoay quanh các vấn đề sức khỏe, cách sinh hoạt ở nơi chiến khu, thỉnh thoảng có chút ít thời sự mà chúng tôi biết được. Anh Trường Chinh thường bận việc ở nơi làm việc, ít khi có mặt ở nhà riêng. Anh là Tổng Bí thư nên rất bận. Cũng có lúc chúng tôi gặp anh ở nhà. Chúng tôi thấy anh hết sức vui vẻ, cởi mở và thường căn dặn chúng tôi phải giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là cần tránh sốt rét, một căn bệnh khá phổ biến và dễ mắc phải ở nơi rừng thiêng nước độc. Có hôm tôi đưa vợ tôi đến chào anh Trường Chinh và gia đình. Chúng tôi được đón tiếp rất chân tình. Thái độ của anh Trường Chinh và gia đình để lại cho tôi một cảm giác rất đầm ấm đến tận bây giờ.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com