Nhớ anh Trường Chinh (kỳ 4)

04:04, 23/04/2019

Phạm Thành

(tiếp theo)

Tôi nhớ rất kỹ và kể lại rất nhiều về khu nhà làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Bởi lẽ nó đã để lại cho tôi nhiều tình cảm và kỷ niệm sâu sắc, có thể nói là hiếm có nữa. Chính tại nơi đây tôi đã vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu của chúng ta, và rất nhiều lần, Bác Hồ đi ngựa qua chỗ anh Trường Chinh, để bàn bạc công việc đại sự và thăm hỏi sức khỏe. Dĩ nhiên, tôi không bao giờ tò mò hỏi xem Bác ở đâu và có công việc gì ở chỗ anh Trường Chinh. Nhưng tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của những lần Bác đến. Thế mà một lần bất ngờ Bác đến và trực tiếp giải quyết một việc rất nhỏ nhưng rất có ý nghĩa đối với tôi.

Hôm đó Bác Hồ đến chỗ anh Trường Chinh vào một ngày đầu mùa đông. Anh em thư ký chúng tôi thấy Bác đến từ xa, không ai bảo ai đều chạy ùa ra chào Bác và dẫn Bác đến chỗ anh Trường Chinh. Bác không đến ngay chỗ anh Trường Chinh như chúng tôi dự đoán mà rẽ thẳng vào căn nhà ở và làm việc của chúng tôi, xem xét rất kỹ, lúc lúc lại lật chiếu nằm của chúng tôi. Đến chỗ của tôi, Bác lật mảnh chiếu cói ra và hỏi: "Chú nào nằm ở đây?". Tôi không hiểu sao và vô cùng lúng túng. Một bạn tôi (tôi nhớ đó là đồng chí Trần Trí) nhanh nhẹn trả lời: "Thưa Bác, đồng chí Phạm Thành ạ!". Bác nghiêm khắc hỏi: "Sao chú ấy không có ổ rơm để nằm? Một đồng chí khác thưa Bác: "Đồng chí Thành không thích nằm ổ rơm ạ". Bác lại bảo: "Chú ấy đâu?". Tôi rụt rè nói: "Thưa Bác, cháu đây ạ". Tiếng Khu IV, tiếng Nghệ Tĩnh trọ trẹ không lẫn vào đâu được. Bác lại nói: "Chú muốn rét à, ở đây mùa đông đến lạnh lắm. Phải nằm ổ rơm mới bớt lạnh. Không như ở Khu IV ta đâu! Ngày mai các chú phải giúp chú này làm ổ rơm để nằm ngủ cho đỡ rét nhé. Lần sau Bác đến kiểm tra đấy". Tôi trả lời Bác: "Thưa Bác, cháu xin vâng ạ". Thế rồi Bác lên chỗ anh Trường Chinh. Sau khi Bác ra về, anh Trường Chinh hỏi lại câu chuyện Bác vừa nói ở phòng thư ký chúng tôi. Anh Trường Chinh bảo chúng tôi phải làm theo đúng lời căn dặn của Bác và bản thân tôi phải có ổ rơm để nằm cho khỏi rét. Thế là ngày hôm sau được sự nhắc nhở của anh Trường Chinh, sự động viên của anh Trần Quang Huy, anh em trong cơ quan ai cũng vui vẻ, hồ hởi ra đồng cắt rạ khô về giúp tôi làm ổ rơm. Kỷ niệm ngọt ngào, sâu sắc này ở chỗ anh Trường Chinh, tôi nhớ suốt đời, không bao giờ quên. Và biết bao nhiêu kỷ niệm khác nữa mà tôi không bao giờ quên trong thời kỳ làm việc - tuy đều đặn, bình dị, không có gì sóng gió, nhưng rất đẹp đẽ - ở chỗ anh Trường Chinh.

Tôi làm việc ở chỗ anh Trường Chinh được vài tháng thì nảy sinh tư tưởng muốn xin đổi công tác. Đây thật sự là một thử thách lớn đối với cá nhân tôi. Đang làm việc vui vẻ, có kết quả như thế ở cơ quan đồng chí Tổng Bí thư như vậy thì còn gì hơn, sao lại xin đổi công tác? Nhưng chính đây cũng là một dịp để tôi thấu hiểu tấm lòng của anh Trường Chinh và mãi mãi nhớ ơn anh, một người phụ trách tối cao nhưng rất đỗi thương yêu cán bộ, chăm lo cho sự tiến bộ của cán bộ.

Số là khi được điều lên làm việc ở cơ quan của Tổng Bí thư, đối với tôi không có vui sướng, vinh dự nào bằng. Nhưng từ lâu tôi đã ấp ủ một nguyện vọng (không biết có chút nào ảo tưởng không) được làm việc gần anh Trường Chinh để được học tập cách viết sách, viết báo. Những bài chính luận, những quyển sách của anh Trường Chinh mà tôi đã đọc trong thời gian ở tỉnh làm tôi say đắm. Có thể nói tôi đã bị chinh phục bởi cách lập luận, cách dùng từ, dùng hình ảnh trong các bài báo của anh Trường Chinh: sao mà trong sáng đến thế, sao mà khúc chiết, rõ ràng đến thế? Đến làm việc chỗ anh Trường Chinh tôi tha thiết được có điều kiện viết lách như anh Đinh Nho Liêm hay anh Hà Xuân Trường chẳng hạn. Ước mơ của tuổi trẻ mà! Lúc đó tôi chỉ mới 25 tuổi đời và bốn tuổi đảng. Thật là còn trẻ người non dạ lắm!

Tôi nung nấu nguyện vọng riêng mà chưa dám thổ lộ với ai, đặc biệt là chưa dám trình bày với anh Trường Chinh. Tôi nghĩ nguyện vọng của mình chỉ là chuyện nhỏ nhặt. Anh Trường Chinh bận trăm công nghìn việc lớn lao của đất nước làm sao có thì giờ bày vẽ cho mình tập viết? Nghĩ thế nên tôi cứ nén lòng mình lại. Có lần tôi mạnh dạn nói nguyện vọng của mình với anh Trần Quang Huy thì anh Huy bảo tôi cứ xin ý kiến anh Thận xem sao. Đắn đo mãi, chần chừ mãi, một hôm tôi đánh bạo xin gặp anh Trường Chinh để trình bày ý nghĩ của mình. Giọng nói run run, tôi thưa chuyện với anh Trường Chinh: "Thưa Anh! Tôi không thạo theo dõi công tác tuyên huấn, ở Hà Tĩnh tôi chỉ làm tuyên huấn ở một tỉnh thuộc vùng tự do. Nếu có một anh quen công tác tuyên huấn cả ở vùng địch hậu theo dõi công tác tuyên huấn cho anh thì thích hợp hơn. Tôi thiếu thực tế quá, vả chăng nguyện vọng của tôi là muốn được viết sách, viết báo anh ạ. Lúc đầu mới tập viết thôi, nhưng về sau chắc viết được. Lên đây tôi mong được gần anh để tập viết, không ngờ lại được phân công theo dõi công tác tuyên huấn. Tôi thấy không đúng sở trường và nguyện vọng của mình lắm". Rụt rè nhưng chân tình, tôi đã nói rõ hết ý mình với đồng chí Tổng Bí thư. Lòng tôi nhẹ nhõm ít nhiều, nhưng cũng vẫn nơm nớp lo bị quở mắng như tôi đã thấy ở nhiều nơi có đồng chí lãnh đạo trách cán bộ "không yên tâm công tác" hay "đứng núi này trông núi nọ". Thật bất ngờ cho tôi, anh Trường Chinh không phê bình mà lại ôn tồn bảo tôi: "Anh muốn xin chuyển công tác à? Được, tôi đồng ý và ủng hộ ý kiến của anh". Tôi khấp khởi mừng thầm, nhưng vẫn lo âu: "Nhưng đi đâu bây giờ. Có được ở lại chỗ anh Trường Chinh để được giúp đỡ không?". Anh Trường Chinh nói tiếp: "Nhưng ở đây chỉ có những công việc theo dõi, nghiên cứu báo cáo như anh đã làm thôi, chứ không có gì phải viết lách nhiều cả. Anh muốn viết thì tôi giới thiệu anh ra chỗ anh Minh Tranh (lúc đó là Trưởng ban biên tập). Anh đồng ý chứ. Viết lách khó lắm. Rèn luyện ngòi bút không dễ đâu. Trước hết phải có ý tứ, nội dung, rồi lại phải biết diễn đạt, viết câu văn cho ra câu văn. Nội dung phải đúng, súc tích, văn chương trôi chảy, lưu loát, có hình tượng. Khó lắm. Tôi không có thì giờ giúp anh. Vậy anh ra chỗ anh Minh Tranh nhé". Thật là được lời như cởi tấm lòng. Những lời nói thân mật, chân tình của đồng chí Tổng Bí thư đối với một cán bộ trẻ như tôi đã làm tôi vô cùng phấn chấn và vững tâm. Anh Trường Chinh đã không hề khiển trách tôi, không hề cho tôi một bài học về an tâm công tác như tôi có lúc đã chợt nghĩ. Trái lại anh đã chiếu cố nguyện vọng của tôi, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của tuổi trẻ và mở đường cho tôi có điều kiện tiến bộ phù hợp với sở trường của mình. Tôi cảm ơn anh, chào từ biệt gia đình anh và đến chỗ anh Minh Tranh. Đến nơi làm việc mới, tôi được anh Minh Tranh cho biết rằng bản thân anh đã từng làm việc dưới sự chỉ đạo của anh Trường Chinh ở Tòa soạn báo Tin Tức mà chính tôi cũng đã được đọc ít nhiều cùng tờ Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) hồi Mặt trận Bình dân (1936 - 1939). Hiểu thêm về anh Trường Chinh lúc làm ở tòa soạn báo Tin Tức của Đảng, tôi càng khâm phục, tôn trọng anh Trường Chinh.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com