Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 2)

06:11, 20/11/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Chúng ta đang tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tức là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội ở một nước vốn là thuộc địa và đang bị chia cắt làm hai miền. Một loạt vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta đang được đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm và đi đến kết luận: vấn đề kết hợp chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa với chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề chuyên chính dân chủ nhân dân trong điều kiện ở nước ta có mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi; vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách hòa bình đối với công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa; vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ; đường lối, phương châm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta; những vấn đề quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, tích lũy và tiêu dùng, phân phối, lưu thông, những hình thức và phương pháp quản lý công nghiệp, nông nghiệp ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội...

Trên thế giới hiện nay có những vấn đề chiến lược và sách lược của phong trào cộng sản quốc tế như vấn đề tính chất của thời đại chúng ta, vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề những hình thức quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tình hình thế giới từ Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đến nay đã có nhiều thay đổi lớn. Các đảng cộng sản và công nhân phải nghiên cứu những vấn đề nói trên một cách thận trọng.

Cuộc sống đòi hỏi các đảng cộng sản và công nhân phải vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở mỗi nước và chính trong khi vận dụng như thế các Đảng đều góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin phát triển thêm".

Sau Đại hội III, Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương và giao cho Trường Chinh làm Trưởng ban.

Quyết định về xây dựng Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương là sáng kiến lớn của Đảng ta trong điều kiện vô cùng gay gắt của lịch sử phong trào cách mạng thế giới. Phong trào cộng sản và công nhân đang lâm vào khủng hoảng và chia rẽ nghiêm trọng trước hết là giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đất nước ta lại phải đương đầu với những hành động nham hiểm và tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, rắp tâm đặt sự thống trị của chúng trên đất nước ta và đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Việc thành lập Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương thực sự là bước mở đầu để thoát ra những luận điểm không thật đúng với những luận điểm của Mác và Lênin, và để phát triển những luận điểm mới trước hiện thực đã thay đổi. Thành lập Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương diễn ra trong thời điểm bức thiết phải tôn trọng và khuyến khích tính năng động sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, tôn trọng tính độc lập sáng tạo của các đảng cộng sản và công nhân, của những người cộng sản chân chính đi tiên phong trong hoạt động cách mạng.  Năm 1976, trong một hội nghị quốc tế, một ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp nói: "Tôi được biết Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Nghiên cứu lý luận, đó là sáng kiến hay. Về nước tôi sẽ báo cáo với Trung ương học tập sáng kiến này". Và quả thật sau đó, Đảng Cộng sản Pháp đã đổi tên Viện Nghiên cứu Maurice Thorez thành Viện Nghiên cứu mácxít. Năm 1977, cũng trong một hội nghị quốc tế, Gladunốp, Vụ trưởng Vụ Liên lạc quốc tế với các đảng cộng sản thuộc Ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng nói: "Chúng tôi biết Đảng Cộng sản Việt Nam có Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương. Đây là sáng kiến rất hay, chúng tôi cũng đang học tập các đồng chí để xây dựng tổ chức nghiên cứu lý luận của Trung ương. Đảng Cộng sản Liên Xô hiện không có tổ chức như thế. Bộ Chính trị chúng tôi thường chỉ dựa vào Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng (AOH) và Viện Hàn lâm Khoa học (AH) thuộc Nhà nước Liên Xô để tập hợp cán bộ và giao nhiệm vụ nghiên cứu khi cần thiết".

Ban Nghiên cứu lý luận Trung ương được xây dựng qua ba thời kỳ khác nhau.

Thời kỳ đầu, Ban Nghiên cứu lý luận do Bộ Chính trị trực tiếp phân công mỗi ủy viên làm trưởng một tiểu ban như: Tổng Bí thư làm Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Trường Chinh làm Trưởng Tiểu ban Chính trị, Phạm Văn Đồng làm Trưởng Tiểu ban Văn hóa, Võ Nguyên Giáp làm Trưởng Tiểu ban Quân sự, Nguyễn Duy Trinh làm Trưởng Tiểu ban Quốc tế, Lê Đức Thọ làm Trưởng Tiểu ban Xây dựng Đảng. Bộ Chính trị điều động một số cán bộ về giúp việc làm thư ký cho mỗi tiểu ban.

Song ở thời điểm này, Bộ Chính trị phải giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là sau sự kiện ngày 5-8-1964, Mỹ ném bom miền Bắc, mở rộng chiến tranh ra cả nước, ta phải tập trung trí tuệ và sức lực đối phó với tình hình mới, thực tế không có thời gian vật chất cho việc nghiên cứu lý luận. Trường Chinh nói: Tiểu ban Chính trị cũng như các tiểu ban khác theo phân công của Bộ Chính trị có nhiều vấn đề phải tập trung nghiên cứu làm rõ như liên minh công nông, giai cấp và đấu tranh giai cấp ở thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Song, lúc này, làm lý luận là phải giúp Bộ Chính trị làm rõ những vấn đề về kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com