Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 1)

07:11, 15/11/2018

Hồng Long

Trường Chinh là nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta. Công lao của ông trên mặt trận lý luận tư tưởng và văn hóa cũng như trong sự nghiệp cách mạng là vô cùng to lớn. Các thế hệ sau còn có thể khai thác tìm ra được nhiều điều có ích làm sáng tỏ thêm con đưòng đi của đất nước và dân tộc ta.

May mắn là người giúp việc ông trong lĩnh vực lý luận gần hai mươi năm ở những thời điểm vô cùng quan trọng của lịch sử dân tộc và đất nước, tôi cố gắng viết những điều theo hiểu biết có giới hạn của mình trên mặt trận lý luận và tư tưởng. Tôi cũng hy vọng cùng nhiều người gần gũi với ông lưu lại những điều đúng đắn về ông trong lịch sử của dân tộc và đất nước, của Đảng Cộng sản và những người cộng sản.

TỔ CHỨC VÀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ LÝ LUẬN

Sớm tham gia cách mạng và trở thành người cộng sản, Trường Chinh cũng sớm phát triển tư duy lý luận, hoạt động lý luận và trở thành người tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ và những tổ chức lý luận của Đảng, bắt đầu từ đội ngũ những người làm báo cách mạng, tuyên truyền và vận động cách mạng.

Ở thời điểm những năm 30 - 40 thế kỷ XX, những người cộng sản, những người cách mạng đều được huấn luyện, rèn luyện năm bước công tác điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Từ những bước công tác chung ấy của người cộng sản, với vốn tri thức và năng lực hoạt động lý luận sẵn có, Trường Chinh vừa chăm lo tìm tòi nghiên cứu, đọc sách báo nâng cao trình độ hiểu biết của mình về cách mạng, về chủ nghĩa Mác - Lênin, về khoa học và văn hóa, vừa đi sâu về hoạt động báo chí, tuyên truyền, huấn luyện.

Khi trở thành người lãnh đạo của Đảng, ông đặc biệt chăm lo đến hoạt động báo chí, tuyên truyền và huấn luyện, nhằm bồi dưỡng những người cách mạng, những người cộng sản có hiểu biết, có kiến thức, để từ đó tạo ra đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng và cách mạng.

Bản thân ông là nhà báo cách mạng xuất sắc. Ông đã tổ chức và mở nhiều lớp huấn luyện nhiều loại khác nhau. Những năm sau Cách mạng Tháng Tám, nhiều lớp huấn luyện được mở ra, ông thường là giảng viên chủ yếu. Ông là Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Những năm 1951 - 1952, Xứ ủy Nam Bộ mở trường bồi dưỡng cán bộ tỉnh và khu lấy tên là Trường Chinh. Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều người cộng sản trở thành cán bộ lý luận và khoa học của Đảng với sự dìu dắt của Trường Chinh.

Năm 1953, theo sáng kiến và đề nghị của ông, Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, tổ chức khoa học đầu tiên của nước ta. Trường Chinh viết: "Thắng lợi trên cả hai mặt trận chống đế quốc và chống phong kiến đã cho phép chúng ta chuẩn bị bước chuyển biến mới của Cách mạng Việt Nam... Cùng với Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 và bản Báo cáo tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II (tháng 7-1948) nhan đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập và phát triển, thu hút trí thức, văn nghệ sĩ vào mặt trận văn hóa kháng chiến thống nhất... Cuối năm 1953, tình hình đã thuận lợi cho việc ra đời của một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội do Đảng lãnh đạo. Tuy các ngành khoa học lúc này đều đòi hỏi được phát triển, nhưng do khả năng của ta có hạn, Trung ương Đảng mới cho xây dựng trước một tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội gồm ba ngành: lịch sử, địa lý, văn học".

Đến ngày 14-3-1959, trên cơ sở những thành tựu của Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, Ủy ban Khoa học Nhà nước được thành lập, tiền thân của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Khoa học Việt Nam với gần đầy đủ các ngành khoa học xã hội và tự nhiên như: triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, khảo cổ học, sử học, địa lý, văn học, toán học, vật lý, hóa học... gần như đồng thời với sự ra đời của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật nước ta và góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng và trưởng thành của đội ngũ cán bộ khoa học của nước nhà gắn liền với sáng kiến và sự chỉ đạo trực tiếp của Trường Chinh.

Đọc tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960) về công tác tư tưởng, trước những cuộc tranh luận lớn trong nước cũng như trên thế giới, Trường Chinh đặt vấn đề "Đẩy mạnh công tác lý luận và công tác tổng kết kinh nghiệm của Đảng" và vạch rõ yêu cầu về tổ chức nghiên cứu lý luận của Đảng.

"Chúng ta đang hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Việc tổng kết kinh nghiệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tức là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới ở nước ta là một việc bổ ích trực tiếp cho vấn đề đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách Mỹ - Diệm, đồng thời cũng bổ ích cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com