Đồng chí Trường Chinh - Nhà chiến lược, nhà tổ chức, nhà văn hoá của cách mạng Việt Nam (kỳ 4)

06:03, 20/03/2018

 

Nguyễn Văn Trân

(tiếp theo)

Khi Pháp phản bội Tạm ước 14-9 và Hiệp định sơ bộ 6-3 đã ký với Chính phủ ta, đưa quân đội xâm lược nước ta lần nữa, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi toàn dân kháng chiến, dùng vũ khí thô sơ và thực hành cách đánh du kích để chống lại đội quân nhà nghề được trang bị vũ khí hiện đại. Toàn dân đứng lên đánh giặc.

Để thể hiện chiến lược chiến tranh toàn dân, toàn diện, đồng chí Trường Chinh đã viết cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tôi đã cùng các đồng chí lãnh đạo ở Thủ đô Hà Nội, Liên khu III học tập tài liệu đó; và tổ chức cho cán bộ đến tận cơ sở học tập, để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện. Đó là sự chỉ đạo tài tình của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Trường Chinh trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống đế quốc Pháp giành thắng lợi.

Trong quá trình chiến tranh, tôi làm việc ở Liên khu III thường kỳ lên Việt Bắc báo cáo với Bác Hồ, với Trung ương, với Chính phủ. Mỗi lần gặp đồng chí Trường Chinh, sau khi báo cáo, đồng chí thường hỏi tỉ mỉ về tinh thần và đời sống các tầng lớp dân cư, tâm tư cán bộ, có những biến chuyển tốt hay không tốt. Đồng chí muốn nghe những sự việc cụ thể, không cần nói nhiều về lý lẽ, phán đoán, nguyên nhân. Tôi đã học tập ở đồng chí về đức tính cẩn thận, ôn hòa, chu đáo đối với cán bộ. Phương pháp làm việc thì rõ ràng, mạnh lạc, dứt khoát, dễ hiểu. Cách viết báo cáo phải gọn gàng, cụ thể, chữ nghĩa phải chính xác, không dài dòng, trùng lắp; đồng chí sửa chữa từng chữ, từng dấu chấm, phẩy. Tóm lại khi viết, ý tứ phải rõ ràng, câu chữ nghiêm chỉnh, không ba hoa, trống rỗng.


Sau ngày miền Bắc được giải phóng, Đảng ta đề ra hai chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Hà Nội phải khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng mới xứng đáng là Thủ đô của một nước xã hội chủ nghĩa. Do chiến tranh phá hoại, nhiều nhà cửa ở Thủ đô bị tàn phá, cần phải gấp rút xây lại nhà ở. Lần đầu tiên chúng ta xây nhà theo kiểu lắp ghép hàng loạt được chuyên gia kỹ thuật Triều Tiên giúp đỡ.

Sau đó cán bộ kỹ thuật của ta tự thiết kế và thi công, nhưng quy mô còn nhỏ bé và thấp. Lúc ấy Bộ Xây dựng và cán bộ kỹ thuật của Bộ e sợ ta chưa có kinh nghiệm, khó có thể làm được. Sự việc còn vướng mắc, phải báo cáo lên đồng chí Trường Chinh. Sau khi nghe hai bên trình bày, đồng chí Trường Chinh nêu ý kiến: chưa có kinh nghiệm đúng là nên phải thận trọng. Nhưng nên mạnh dạn làm, nếu lúc đầu chưa tốt cũng sẽ rút được kinh nghiệm để hoàn thiện.

Xây được nhà rồi, lại gặp khó khăn mới. Số là lúc ấy, sau khi cải tạo nhà đất, đại bộ phận nhà ở đều thuộc diện Nhà nước quản lý và phân phối cho mọi người thuê với giá rẻ. Hàng năm Nhà nước phải sửa chữa, quét vôi cho người thuê nhà. Tính ra tiền thuê nhà không đủ tiền sửa chữa, Nhà nước bù lỗ rất lớn, mà việc tu sửa vẫn không kịp, dân chúng vẫn kêu ca.

Ý nguyện của nhân dân và cán bộ mong muốn được Nhà nước giao hẳn căn hộ cho mình để tự tu sửa thì tốt hơn.

Vậy có nên bán nhà cho cán bộ, công nhân viên để thu lại một số tiền đem xây tiếp nhà ở. Ngân sách Nhà nước cũng eo hẹp không có nhiều vốn để đầu tư xây nhà ở tiếp, mà phải dành vốn đầu tư cho sản xuất, cho các công trình lợi ích công cộng khác.

Nhưng bán cho ai? Bán như thế nào?

Thành phố quy định:

Bán cho cán bộ, công nhân viên Nhà nước theo chế độ và danh sách do các cơ quan xem xét trước.

Bán dài hạn, thu trước lần đầu, sau trả dần hàng năm, khoảng 10-15 năm thì thu đủ vốn xây dựng. Nhưng có ý kiến báo cáo lên Quốc hội không đồng ý. Cho là chủ nghĩa xã hội không có nhà riêng.

Việc đến đồng chí Trường Chinh. Đồng chí cho là bán cho cán bộ và giá rẻ kéo dài thời gian là có thể được. Nhưng nên xem xét cho công bằng. Nhưng vì không khí chung lúc ấy, việc thi hành bán nhà phải tạm dừng.

Một việc nữa xảy ra lúc cuộc chống chiến tranh ném bom phá hoại của Mỹ vào lúc ác liệt, làm đình trệ sản xuất và vận tải. Ở Hà Nội thiếu đủ loại hàng hóa trong sinh hoạt hàng ngày, thiếu hàng xuất khẩu. Hà Nội chủ trương khuyến khích sản xuất hàng thủ công trong từng gia đình. Chủ trương này không được Bộ Thương nghiệp đồng ý. Bộ cho rằng sản xuất phải được tổ chức lại hoặc là thành hợp tác xã, hoặc thành tổ sản xuất, bất cứ nghề gì (kể từ cắt tóc, đan len) để cùng nhau sản xuất và gia công. Nhưng chủ trương sản xuất tại từng gia đình vẫn được quần chúng hưởng ứng, trong khi hợp tác xã và tổ sản xuất vẫn tồn tại, nếu làm ăn khá. Vì vậy, đã sản xuất được nhiều hàng tiêu dùng như sọt giấy, phất trần, hòm và vali bằng gỗ...

Việc này cũng báo cáo đến đồng chí Trường Chinh và đồng chí cũng ủng hộ và khuyến khích các gia đình sản xuất giỏi.

Trước đây có cán bộ nghĩ rằng đồng chí Trường Chinh là nhà lãnh đạo, nhà lý luận Mác - Lênin cứng nhắc chỉ quen những việc lớn, song qua những sự việc cụ thể có thể thấy đồng chí là người khá nhạy cảm với cuộc sống. Nguyên tắc lý luận đúng đắn nhất là lý luận thúc đẩy cuộc sống phát triển.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com